Báo Công An Đà Nẵng

"Trả lương là tôi không làm nữa"

Thứ sáu, 20/12/2019 12:20

Đó là khẳng định chắc nịch của ông Ông Văn Bán - Chủ tịch Hội từ thiện bảo vệ quyền trẻ em P. Hòa Thọ Đông (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) khi nói về công việc mà ông đang làm. Hơn chục năm gắn bó với Hội Từ thiện là chừng ấy năm ông dồn hết tâm huyết giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó tại địa phương.

Ông Bán luôn tận tụy với công việc từ thiện của mình. 

Ông ngoại của mọi nhà

Vừa đến cổng nhà bà N.T.T (58 tuổi, P. Hòa Thọ Đông), từ trong nhà đã nghe vọng ra giọng nói vui mừng ngay khi thấy ông Bán: "Ông ngoại Xù đến kìa". Bé Xù là đứa trẻ bị bỏ rơi tại Bệnh viện Đa Khoa Cẩm Lệ khi vừa lọt lòng. Nhận tin từ các bác sĩ, ông Bán đã tức tốc vào tiếp nhận và chạy đôn chạy đáo xin sữa, quần áo cho bé từ các bà mẹ mới sinh tại bệnh viện. Để bé được có điều kiện chăm sóc chu đáo hơn, ông Bán phối hợp với bộ phận Tư pháp và các ban ngành của phường xác minh trường hợp trẻ bị bỏ rơi rồi tìm gia đình có nhu cầu và điều kiện tốt để nhận nuôi.

Gia đình bà T. có con gái đã hiếm muộn hơn 10 năm nay, mong mỏi có đứa con, đứa cháu để vui nhà vui cửa nên ngay khi nghe tin có trẻ bị bỏ rơi, bà ngay lập tức đến  xin được đón bé về chăm sóc. "Từ khi đón nhận bé, mọi người tuy bận rộn hơn nhưng ai nấy cũng đều vui vẻ, phấn khởi. Mẹ nuôi bé cứ thấy trên mạng có quần áo gì đẹp lại háo hức mua về đủ loại không thiếu thứ gì. Bé Xù như món quà vô giá mà chúng tôi nhận được", bà N.T.T chia sẻ.

Cũng như gia đình bà T. vợ chồng chị P.T.M.L (P. Hòa Thọ Đông) kết hôn từ năm 2006 nhưng mãi không có con. Chị đi khắp nơi chạy chữa, thụ tinh nhân tạo nhưng cũng không có kết quả. Năm 2016, nhận được tin có trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện chị L. liền liên hệ với ông Bán và ngỏ ý xin cháu bé về nuôi. Chị L. tâm sự: "Sau khi nhận bé về, tôi và gia đình quyết định hủy phôi đang lưu trữ tại bệnh viện để làm thụ tinh nhân tạo. Con nào cũng là con, bé đến với gia đình như một giấc mơ mà gia đình hằng ao ước. Ba bé đặt tên cho cháu là Thiên Ý, nghĩa là món quà của trời ban tặng cho gia đình".

Sau khi xem xét hoàn cảnh gia đình đầy đủ tiêu chí, 5 năm liền gia đình văn hóa, đồng thời kiểm tra các xét nghiệm bệnh tật của các thành viên không có bệnh truyền nhiễm và có đủ điều kiện để chăm lo tương lai cho các bé thì ông Bán mới bàn giao cho gia đình có nhu cầu. Tính đến nay Hội Từ thiện đã giúp đỡ được 5 cháu (4 gái, 1 trai) bị bỏ rơi có được mái ấm hoàn chỉnh, sống khỏe mạnh và hạnh phúc cùng với gia đình thứ hai của mình.

Bếp ăn tình thương luôn đầy ắp tiếng cười.

Hộp cơm nghĩa tình

Không những chăm lo cho trẻ em mà bất kỳ ai tại địa phương gặp khó khăn, bệnh tật, người đàn ông với đôi mắt hiền hậu lại tất tả chạy đi giúp đỡ. Hôm tôi đến, có trường hợp một cụ bà bị tai nạn giao thông, nhà nghèo con cái cũng không có điều kiện kinh tế để lo đám tang cho mẹ già. Khi nghe được tin ông Bán liền đến vận động, xin giúp cho bà cụ cái hòm, rồi lại tất bật chở bao gạo, chai dầu cho gia đình họ lo đám.

An tâm khi mọi việc đâu vào đấy, ông Bán lại quay về căn bếp tình thương để chở những hộp cơm miễn phí đến cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Lệ. Đây cũng là công việc mà ông khởi xướng và duy trì hơn 7 năm nay. Đều đặn mỗi ngày, bếp ăn tình thương P. Hòa Thọ Đông đem đến cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Lệ 200 suất cháo vào buổi sáng, 100 đến 200 suất cơm vào buổi trưa. Những phần cơm ngon, bổ dưỡng được ông Bán vận động từ các Mạnh Thường Quân và doanh nghiệp.

Chẳng kể nắng hay mưa, cứ đúng 6 giờ sáng mỗi ngày, bếp ăn tình thương tại P. Hòa Thọ Đông lại bắt đầu đỏ lửa. Ngày tôi đến, UBND P. Hòa Thọ Đông đang trong quá trình sửa chữa, các phòng làm việc được ngăn nhỏ lại nhưng phường vẫn dành một không gian chừng hơn chục mét vuông để bếp ăn tình thương không bị gián đoạn. Người xào, người xới cơm ra hộp, người thì gói canh, không một ai nghỉ tay chỉ mong cho kịp giờ chuẩn bị các phần cơm ngon nhất đến các bệnh nhân. Tất cả các cô, các bác tham gia vào hoạt động đều là những người làm tình nguyện, họ bớt chút thời gian công việc nhà mỗi sáng với mong muốn sẻ chia khó khăn với bệnh nhân nghèo. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, ông Bán cùng Ban điều hành bếp ăn mang đi trao cho bệnh nhân nghèo.

 "Mọi người ở đây làm từ thiện đều làm bằng tấm lòng. Tuy không có lương nhưng ai nấy cũng đều vui vẻ giúp đỡ mọi người hết mức có thể. Nếu bây giờ được đề suất trả lương thì tôi không làm nữa vì không có lương chúng tôi vẫn hoàn thành công việc và vẫn giúp đỡ mọi người mà", ông Bán cười hiền.

Diệu Huyền