Báo Công An Đà Nẵng

Trả nợ quá khứ

Thứ hai, 08/06/2015 12:03

(Cadn.com.vn) - Ôm quá khứ tội lỗi giấu kín trong lòng suốt 17 năm, cho tới một ngày cuối tháng 5-2015, Nguyễn Văn Hội (1968) nói với vợ rằng sau chuyến chở mía xuống Phú Yên lần này sẽ ra Đà Nẵng đầu thú, sẽ mất một thời gian dài không chăm sóc được cho đứa con đau bệnh và động viên vợ hãy gắng gượng chăm con. Vợ Hội cố giấu nước mắt, tỏ ra bình tĩnh đón nhận hung tin, bởi trước đó vài ngày chị đã được các TS Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP) CATP Đà Nẵng thuyết phục, động viên để chồng ra đầu thú.

Đúng như lời hứa trong điện thoại, chiều tối hôm đó đại úy Cao Lê Duy Hùng (Phòng CSTNTP CATP Đà Nẵng) đón Hội ở Bến xe Trung tâm Đà Nẵng rồi đưa về trụ sở CA làm thủ tục. Hội nói với đại úy Hùng, đêm nay sẽ là đêm Hội  có thể ngủ ngon giấc nhất trong suốt 17 năm trốn chạy vì luôn nơm nớp lo sợ. Đại úy Hùng hỏi Hội đi chặng đường dài có đói không, rồi anh đi pha một tô mì tôm để Hội lót dạ trước khi làm các thủ tục. Đại úy Hùng kể, trong nhiều năm công tác, anh đã bắt hàng chục đối tượng truy nã, trong đó có những đối tượng rất nguy hiểm, sẵn sàng dùng hung khí chống trả, nhưng với Hội là trường hợp khá ngoại lệ.

Khi tới nhà Hội ở Eaka, Đắc Lắc, chứng kiến gia cảnh éo le, 2 đứa con đáng thương cùng người vợ hiền lành của Hội, đại úy Hùng hiểu rằng với đối tượng này cần phải cảm hóa, thuyết phục chứ không nhất thiết phải dùng các biện pháp nghiệp vụ bắt giữ. Anh chia sẻ, thực ra với mỗi TS, bên cạnh “cái đầu lạnh” để đối phó với tội phạm, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thì cũng luôn phải giữ “một trái tim nóng”, biết cảm thông, chia sẻ như một lẽ tự nhiên giữa người với người, mặc dù có thể đối tượng trong quá khứ từng gây ra tội lỗi.

Nguyễn Văn Hội.

Lúc đầu, khi nghe tin chồng mình đang bị truy nã, vợ Hội đã khóc nức nở, bởi trong lòng chị, Hội luôn là người chồng hiền lành, vất vả bươn chải với cuộc sống lo cho gia đình. Con nhỏ bị bệnh, gánh nặng mưu sinh càng đè nặng lên vai bởi Hội là lao động chính trong nhà. Sau khi nhận được sự khuyên giải, động viên rất chân tình của TS, vợ Hội đã nguôi ngoai, chị hứa rằng sẽ khuyên chồng ra đầu thú, cũng để trút bỏ nỗi lo trong lòng chồng suốt mười mấy năm qua, có khi nỗi lo biến thành hành động khó hiểu của chồng mà chính chị cũng cảm thấy bất lực vì không thể chia sẻ.

Quay lại chuyện 17 năm trước. Thời điểm đó Hội từ Đắc Lắc ra Đà Nẵng thăm người anh trai cùng cha khác mẹ Nguyễn Văn Thìn. Trong lúc Hội đang ngồi nhậu với anh Thìn và những người hàng xóm thì một người bạn nhậu của anh Thìn tới rủ cả nhóm ra đường Điện Biên Phủ (gần Bến xe Đà Nẵng cũ) đánh nhau. Cũng như những người khác, khi có rượu trong người, Hội cũng hùng hổ theo cả nhóm ra đường Điện Biên Phủ để đánh anh Nguyễn Văn Bá (1960, tổ 43, P. Chính Gián, Q. Thanh Khê) bị thương tích nặng.

Sau đó lực lượng CA ập đến, những đối tượng tham gia đánh người đều bị bắt giữ, xử lý, riêng Hội bỏ trốn vào Phú Yên rồi lên Đắc Lắc. Tất nhiên, Hội bị CQĐT CAQ Thanh Khê ra quyết định truy nã về hành vi cố ý gây thương tích sau đó không lâu. Sau khi lên Đắc Lắc, Hội lấy vợ, sinh con và tu chí làm ăn. Lúc đầu, Hội xin vào làm bảo vệ cho một nhà máy mía đường. Được một thời gian, thấy Hội có chí làm ăn, nhà máy tạo điều kiện cho y đi học lái xe tải để làm tài xế chuyên chở mía cho nhà máy từ vùng nguyên liệu Đắc Lắc về Phú Yên.

Sinh ra trong gia đình nghèo có tới 6 anh em, lại chỉ học hết lớp 4, nên có được nghề lái xe chở mía cho nhà máy với Hội cũng là khá may mắn. Có lẽ cuộc sống của Hội sẽ bình yên trôi qua nếu không có một phút nông nổi của tuổi trẻ trong quá khứ. Nhưng chỉ một lần nông nổi đó thôi cũng khiến Hội sau đó luôn phải sống trong thấp thỏm. Đã có lúc Hội tính tới chuyện ra đầu thú để lòng thanh thản, nhưng nghiệt nỗi đúng lúc đó con trai lại bệnh tật. Rồi hoàn cảnh khốn khó cứ thế cuốn Hội đi. Cái nghèo cứ đeo bám, tình thương vợ con cứ níu kéo, để rồi lần lượt những lần Hội mang đầy quyết tâm ra đầu thú trôi qua. Và lần này, khi nghe TS thuyết phục, cảm hóa, Hội như được tiếp thêm động lực để quyết bước ra ánh sáng, trả nợ cho quá khứ lầm lỗi. Khi lấy can đảm để bộc lộ nỗi lòng với vợ, Hội cũng nhận được sự động viên đúng lúc của vợ.

Đại úy Cao Lê Duy Hùng nói, Hội từng gây ra tội lỗi phải chấp hành án là lẽ tất yếu, pháp luật không loại trừ ai. Nhưng, điều đọng lại với anh là đã giải thoát được cho một tâm hồn luôn bị trói buộc bởi quá khứ lỗi lầm. Khi người ta đã nhận thức được tội lỗi của mình và đủ can đảm ra đầu thú thì hoàn toàn có thể tin tưởng rằng người đó đủ quyết tâm làm lại để trở thành người có ích cho xã hội. Cũng vì thế, với mỗi TS, việc cảm hóa được đối tượng chắc chắn sẽ mừng hơn là phải bắt bớ.

Hải Quỳnh