Báo Công An Đà Nẵng

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ bảy, 17/10/2015 10:26

(Cadn.com.vn) - Tâm điểm của Thể thao Việt Nam tuần qua là thất bại 0-3 của ĐT Việt Nam trước ĐT Thái Lan và ngay sau đó là làn sóng chỉ trích HLV Miura. Đến mức, một cá nhân nào đó đã mạo danh nhà cầm quân người Nhật Bản lập trang facebook và giật dòng chia sẻ gây sốc rằng HLV Miura nói lời từ chức chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam. Liệu một bộ phận lớn dư luận có công bằng hay không khi đổ hết trách nhiệm cho HLV Miura?

Bóng đá Việt Nam cần có định hướng phát triển tốt mới mong bắt kịp Thái Lan.

1. Hãy bắt đầu bằng trình độ, đẳng cấp của hai nền bóng đá Việt Nam, Thái Lan, ai hơn ai? Câu trả lời chắc chắn không thể khác là bóng đá Thái Lan luôn ở một đẳng cấp cao hơn so với chúng ta, cho dù có vài thời điểm ta thắng họ như tại AFF Cup 2008. Bóng đá Thái Lan đang thực hiện chiến lược hướng đến World Cup và họ có cơ sở để làm điều đó chứ chẳng phải chỉ là niềm hy vọng viễn vông như nhiều quốc gia khác trong khu vực, kể cả Việt Nam. Bóng đá Thái Lan có một giải VĐQG rất chất lượng với 20 CLB tham dự. Hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Thái đã phát triển căn cơ từ rất lâu. Chức vô địch AFF Cup hay HCV SEA Games đối với bóng đá Thái Lan đã trở nên “nhàm chán”…

Trong khi đó, bóng đá Việt Nam còn nhiều vấn đề khiến quá trình phát triển diễn ra rất chậm, nếu chưa nói cứ giậm chân tại chỗ sau hơn 20 năm hội nhập. Kể từ chức vô địch AFF Cup 2008, ĐT Việt Nam vẫn cứ loay hoay mãi để tìm đường trở lại đỉnh cao khu vực. Ở đấu trường SEA Games, U23 Việt Nam vẫn chưa thể giúp người hâm mộ giải cơn khát vàng. Giải V-League của chúng ta mùa nào cũng có vấn đề, BTC “rút mãi mà chẳng thấy nghiệm đâu”. Với hệ thống đào tạo trẻ, lứa cầu thủ của HAGL nổi lên trong 2 năm 2013 và 2014 để giúp U19 Việt Nam “làm mưa làm gió” một thời gian nhưng rồi đâu lại vào đấy…

Hay nói cách khác, xét trên mọi khía cạnh, bóng đá Việt Nam chưa thể sánh ngang với người Thái. Vậy thì, việc ĐT Việt Nam bị Thái Lan hạ đo ván 3 bàn không gỡ ở Mỹ Đình có gì đáng lạ. Tuy nhiên, nói vậy không phải phủ nhận tình yêu, niềm tin của hàng triệu người hâm mộ đã dành cho đội tuyển. Vấn đề ở đây, dư luận hãy nên có cái nhìn công bằng về thất bại của ĐT Việt Nam, để đừng quy hết trách nhiệm cho HLV Toshiya Miura.

Giả sử bây giờ tổ chức một trận đấu lại giữa ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan, với điều kiện thay HLV trưởng Miura và gọi bổ sung thêm nhiều cầu thủ cho là tài năng chưa được trọng dụng khác, liệu có ai dám đặt niềm tin đội bóng của chúng ta sẽ chiến thắng? Tin chắc rằng, sẽ có rất ít người đặt cược phần thắng nghiêng về ĐT Việt Nam. Bởi rõ ràng, xem trận đấu vừa qua và liên hệ rất nhiều trận khác, trình độ cầu thủ Việt Nam chưa thể sánh với người Thái.

Vậy thì, có công bằng hay không khi đổ hoàn toàn trách nhiệm về thất bại của ĐT Việt Nam cho HLV Miura? Trường hợp HLV Miura kém tài năng thì cũng không phải lỗi của ông bởi nói theo cách của nhiều người, nếu đưa Mourinho sang làm HLV trưởng thì ĐT Việt Nam vẫn thế. Vậy lỗi ở đây thuộc về ai mới chính đáng? Đó chính là VFF.

Dự kiến hội nghị về Phát triển bóng đá Việt Nam do Tổng cục TDTT chủ trì sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại Hà Nội. Hội nghị sẽ bàn thảo xung quanh các vấn đề: Công tác đào tạo VĐV bóng đá, xây dựng lực lượng cho các CLB, đội tuyển trẻ, ĐTQG, lối chơi nào cho phù hợp với người Việt Nam; góp ý về cách tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp hiện nay; góp ý về cách xây dựng hình ảnh bóng đá Việt Nam thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

2. Dư luận cho rằng HLV Miura kém tài thì lỗi đầu tiên phải thuộc về LĐBĐ Việt Nam (VFF) do chọn người không tốt. Tuy nhiên, thực tế vấn đề ở đây chính là sự yếu kém của bóng đá Việt Nam mà xuất phát từ thượng tầng, từ sự lãnh đạo, điều hành của VFF.

Có quá nhiều câu chuyện không hay ho về VFF mà báo chí thời gian qua đã phản ánh. Ở đây, người viết chỉ đề cập đến 2 câu chuyện vừa xảy ra để chỉ rõ sự mất lòng tin ở VFF. Thứ nhất là cuộc họp Ban chấp hành VFF lần 4 nhiệm kỳ VII diễn ra ngay trước vài giờ trận ĐT Việt Nam – ĐT Thái Lan diễn ra ở Mỹ Đình. Tại sao VFF lại họp vào thời điểm mà tất cả đều hướng mắt đến trận đấu ở Mỹ Đình? Phải chăng VFF muốn “né” dư luận? Nên nhớ đây không phải lần đầu tiên VFF họp kiểu như thế. Thực tế, nội dung cuộc họp không thực sự hướng vào giải quyết những tồn tại của bóng đá nước nhà. Thứ hai là câu chuyện ông phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn giữ đến 15 chức danh cả ở trong nước lẫn quốc tế, đáng nói trong đó có chức danh Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia. Nhiều người biết ông Tuấn chưa một ngày làm công tác huấn luyện mà giữ chức Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia suốt mấy năm qua! Quá muộn nhưng cũng cần thiết khi ông Tuấn xin từ chức danh này.

Bóng đá Việt Nam là “nhà dột từ nóc”, chứ đừng vì một thất bại mà đổ trách nhiệm cho một cá nhân như ông Miura là không công bằng.

Hy vọng rằng, hội nghị về phát triển bóng đá Việt Nam do Tổng cục TDTT chủ trì dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới tại Hà Nội sẽ tìm ra hướng đi đúng đắn để bóng đá nước nhà phát triển, có thể bắt kịp người Thái.

Quang Hải