Báo Công An Đà Nẵng

Trách nhiệm tri ân của người ở lại

Thứ bảy, 23/07/2022 07:40
Nhân dân, cán bộ xã Hòa Phú tổ chức tri ân, an táng thêm 1 HCLS vào chiều 18-7.

Theo đó, địch luôn tăng cường đánh phá ác liệt, hòng ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng cách mạng. Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, cùng chiến lược sáng tạo và tinh thần anh dũng sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc thân yêu, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đánh bại mọi âm mưu, chiến lược của kẻ thù, giành chiến thắng vẻ vang, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Đã có nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống ở vùng tam giác Phú Túc- Ô Rây- Tống Cói này.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những đau thương, mất mát do nó gây ra vẫn còn hiện hữu trong đời sống của rất nhiều gia đình Việt Nam. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hàng chục năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) luôn được các cấp, các ngành thực hiện với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất là làm sao tìm được để đưa thi thể các liệt sĩ về an táng bên đồng đội và người thân gia đình. Đó là cách để những người ở lại nói riêng, thế hệ hôm nay nói chung tri ân các anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Đội tìm kiếm, quy tập HCLS xã Hòa Phú làm nhiệm vụ tại Tiểu khu 53.

Từ sự trăn trở đầy trách nhiệm đó, mới đây (ngày 18-7-2022- P.V), sau khi nhận thông tin do người dân cung cấp, UBND xã Hòa Phú khẩn trương phối hợp các ban ngành liên quan tiến hành lên Tiểu khu 53 cất bốc, đưa hài cốt của một liệt sĩ (chưa xác định được tên tuổi, đơn vị) nằm trong hốc đá tại đây về để tổ chức lễ truy điệu tại Nghĩa trang liệt sĩ xã. Trong tổng số 137 mộ liệt sĩ hiện đang nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Phú có đến 87 mộ chưa xác định được thông tin, 10 mộ có tên tuổi, quê quán liệt sĩ ở các tỉnh phía Bắc… Được biết, năm 1986, sau khi chia tách địa giới hành chính từ xã Hòa Phong, Hòa Phú tiếp tục công tác vận động nhân dân trong quá trình vào rừng mưu sinh nếu phát hiện dấu vết HCLS thì kịp thời báo tin cho chính quyền địa phương. Các anh Đặng Hoa, Nguyễn Tân Thanh, Phạm Phú Quốc… là những người không thể thiếu trong mỗi chuyến Đội tìm kiếm, quy tập HCLS xã vào rừng làm nhiệm vụ. Những địa danh: Sân bay dã chiến Sông Hương (giáp ranh xã Đại Đồng, H. Đại Lộc, Quảng Nam), đồi Nắp Vung, đá Bảy Mẫu, khe Giành (thôn Phú Túc) đã ken dầy dấu chân các anh. Tính đường chim bay chừng 5-7 cây số, nhưng để đến nơi phải mất hơn nửa ngày đường; gặp thời tiết không thuận lợi phải căng lều ngủ tạm qua đêm; cơm đùm gạo nắm. Chuyện vài ngày đào xới lòng đất đến rã tay không phát hiện dấu vết là bình thường.

Chiến tranh càng lùi xa, việc tìm kiếm, cất bốc HCLS càng trở nên khó khăn hơn do sự thay đổi của địa hình, địa vật; nhưng lo lắng hơn vẫn là sự hủy hoại của thiên nhiên dưới mỗi lớp đất. Nhiều hài cốt sau khi được phát hiện và khai quật chỉ còn là một nắm xương vụn nát. Vẫn biết thời gian và những trở ngại vô hình đôi khi sức người không gánh vác nổi, nhưng các anh luôn tâm niệm còn hy vọng vẫn sẽ làm hết sức có thể để đưa các HCLS về an táng bên đồng đội càng sớm càng tốt. “Khi phát hiện những mảnh bom, đầu đạn cùng HCLS lúc thì nằm ở triền núi, chân suối, khi thì ở lưng chừng đồi hoặc trong gợp đá…, chúng tôi vô cùng xúc động, càng cảm phục tinh thần anh dũng chiến đấu cùng hy sinh quá lớn lao của các liệt sĩ. Chính vì vậy, bản thân tôi và các đồng đội luôn đau đáu, trăn trở, hễ có thông tin là lập tức lên đường để tìm kiếm, quy tập để sớm đưa các anh về. Đó là cách để chúng tôi nói riêng, thế hệ hôm nay tri ân ”- anh Đặng Hoa xúc động bày tỏ.

Vy Hậu