Báo Công An Đà Nẵng

Trái ngọt thiện nguyện

Thứ bảy, 05/09/2020 10:00

Hơn 30 năm là quãng thời gian dài đối với những người làm công tác bạn đọc, xã hội từ thiện ở Báo Công an Quảng Nam-Đà Nẵng (nay là Báo Công an TP Đà Nẵng). Dù gian nan, vất vả nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không chùn bước trên con đường “tiếp sức” cho những mảnh đời khốn khó. Nếu ví chúng tôi là những người gieo hạt thì ít nhiều đến hôm nay niềm vui thu hoạch cũng đã đến...

P.V Báo Công an TP Đà Nẵng trao quà cho các học sinh vùng lũ.

Niềm vui từ những tấm thiệp cưới

Còn nhớ, tháng 7-2017, chúng tôi bất ngờ nhận cuộc điện thoại mời cưới của cháu Nguyễn Thị Công là một trong hai trẻ mồ côi trú xã Bình Phú, H. Thăng Bình (Quảng Nam) mà năm nào được Báo Công an TP Đà Nẵng, ngân hàng Agribank chi nhánh Quảng Nam giúp đỡ xây dựng nhà tình thương và chi phí cho việc học tập đến khi tốt nghiệp phổ thông. Mừng cho các cháu đã khôn lớn, trưởng thành và cũng muốn chứng kiến sự kiện trọng đại của một đời người nên tôi cũng “khăn gói” vào dự. Người thân của hai họ ngoài việc xem tôi như ân nhân vì đã cưu mang, giúp đỡ con em của mình còn tiếp đón như một người thân đi xa, mới trở về...

Cuối tháng 5-2020, tôi nhận được phong thư, bên ngoài chỉ ghi vỏn vẹn, kính gửi: chú T. Theo nếp cũ, tôi nghĩ đây là đơn thư của một bạn đọc nào đấy nên mở ra xem. Bất ngờ, ngoài mảnh giấy nhỏ ghi mấy dòng chữ cùng số điện thoại liên lạc còn có tấm thiệp mời dự tiệc cưới. Nhờ vậy, mới biết người gửi tên là Nguyễn Văn Thành tại xã Bình Phú, H. Thăng Bình - là anh trai của cháu Công mà Báo từng hỗ trợ. Mừng cho cháu đã trưởng thành song do đường xa, nắng nóng... nên tôi nghĩ khi ngày cưới đến sẽ nhờ người quen gửi quà. Không ngờ, mấy ngày sau Thành liên tục điện thoại, nài nỉ: xin chú, hãy sắp xếp vào chung vui... Gạt hết những khó khăn tôi lên đường vào Bình Phú. Đám cưới diễn ra trong chiếc rạp dựng vội trên những đám ruộng vừa mới gặt song, không khí vui vẻ, đầm ấm gấp nhiều lần những tiệc cưới được tổ chức trong những nhà hàng sang trọng. 

Những tưởng, 15 năm trôi qua chẳng còn ai nhớ đến mình. Thế nhưng, gặp nhau ai cũng tay bắt, mặt mừng... Bất ngờ hơn, khoảng 3 ngày sau khi Công yên bề gia thất tôi lại nhận nhiều cuộc điện thoại của anh em Công. Công xin một cuộc hẹn gặp tại Đà Nẵng trước khi các cháu lên đường vào TP Hồ Chí Minh làm ăn, sinh sống. Có gì hơn, tôi vui vẻ nhận lời. Trong bữa cơm chiều diễn ra vội vã cho kịp chuyến bay vào TP Hồ Chí Minh lúc 22 giờ, hai cháu tâm sự: Ngày cha mẹ không còn nữa, hai anh em không bao giờ dám mơ tưởng có được như ngày hôm nay. Tất cả nhờ vào sự cưu mang của những người thân trong gia đình, các cô, thầy Trường THCS Lê Lợi, các cô, chú ở Báo Công an TP Đà Nẵng và những nhà hảo tâm.

“Bây giờ, cả hai đã có công việc ổn định, thu nhập cũng kha khá, với xưởng may nhỏ, đủ công việc cho 10 lao động... Sang năm 2021, sẽ mua đất, làm nhà... tại Sài Gòn”, vợ chồng cháu Nguyễn Thị Công tâm sự. 

Tác giả (trái) trong một chuyến thiện nguyện.

Đến cuộc gọi bất ngờ

Cuối năm 1996, do điều kiện gia đình, tôi từ ngành Kiểm sát trở về công tác tại Báo Công an Quảng Nam-Đà Nẵng. Thời điểm ấy, chị Hoàng Kim Dung - nguyên Phó Tổng biên tập Báo phân công tôi vào xã Quế Phú, H. Quế Sơn tìm hiểu một địa chỉ cần giúp đỡ để cơ quan có hướng xử lý. Trong căn nhà cấp 4, trống trước hở sau, em Võ Thị Lý trình bày nguyện vọng: do cha mẹ mất sớm, anh trai đang công tác tại đơn vị quân đội trên Tây Nguyên nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, em mơ ước có chiếc máy may để tự bươn chải, kiếm sống. Không lâu sau đó, em Lý đã có được chiếc máy như ước mơ. Thế nhưng, điều chúng tôi trăn trở là Lý chưa học nghề, vậy làm sao để may. Thời điểm ấy, dù gia đình còn nhiều khó khăn về chỗ ở, kinh tế... nhưng tôi vẫn mạnh dạn đưa em Lý về tá túc trong căn phòng tập thể rộng hơn 15m2 của mình để đi học nghề của một chị thợ may ở gần nhà. Một năm trôi qua, nghề đã thành thạo, em từ biệt gia đình cô chú về quê. Cũng từ đấy, chúng tôi bặt tin nhau.

Thế rồi, một ngày giữa tháng 6-2020 bất ngờ tôi nhận được cuộc điện thoại. Thay vì câu đầu tiên là chào hỏi xã giao, giọng bên kia đầu dây, bảo: chú có nhớ con không. 20 năm trôi qua, đi đến bao nhiêu vùng đất lạ, gặp gỡ biết bao người với nhiều giọng nói khác nhau nên sau khi cố gắng lục trí nhớ, tôi cũng đành trả lời: xin lỗi, không biết. Không nói gì thêm, bên kia bảo: con là Lý đây... Niềm vui vỡ òa trong tôi, bởi bao ngày tìm kiếm nhưng chẳng thấy, giờ đây bất ngờ lại gặp nhau. Và, điều làm tôi vui nhất là cô bé Lý mồ côi ngày nào bây giờ đã có một công việc ổn định, hạnh phúc viên mãn cùng gia đình ở ngay thành phố Đà Nẵng...

Và, còn nhiều những đứa trẻ, như: Thành, Công, Lý... mà trên dặm dài làm báo tôi cùng các đồng nghiệp đã gặp và giúp đỡ nhưng chưa thể gặp lại. Biết rằng, cho đi đừng mong ngày nhận lại nhưng trong thầm kín của lòng mình, chúng tôi luôn mong các em sẽ trưởng thành cả về suy nghĩ lẫn hành động và biết làm đẹp cho đời. Dù ở phương trời nào trên mảnh đất hình chữ S, vẫn mong các em có cuộc sống ổn định, bình an cùng gia đình. 

MINH THI