Báo Công An Đà Nẵng

Trại sáng tác văn học nghệ thuật Đà Nẵng tại Vũng Tàu: Nhiều tác phẩm mới hướng về tương lai ngời sáng

Thứ hai, 14/12/2020 18:22

Sau 10 ngày hoạt động, tại Nhà sáng tác Vũng Tàu (TP Vũng Tàu), Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ tổng kết bế mạc Trại sáng tác VHNT Đà Nẵng năm 2020. Nhiều tác phẩm được đánh giá chất lượng, hướng về tương lai sáng ngời thuộc nhiều thể loại từ thơ, văn, hội họa cho đến âm nhạc đã ra đời từ đây.

Một buổi sinh hoạt của văn nghệ sĩ Đà Nẵng tại Trại sáng tác Vũng Tàu. 

Nhạc sĩ Trương Duy Huyến – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng cho biết: Tham dự Trại lần này, gồm có 12 thành viên thuộc các bộ môn: văn học, văn hóa dân gian, mỹ thuật điêu khắc, âm nhạc. Trong thời gian tham dự Trại, ngoài việc hoàn tất các tác phẩm đã đăng ký, các thành viên còn có các buổi sinh hoạt giao lưu, thâm nhập thực tế tìm hiểu đời sống văn hóa xã hội tại địa phương.

Ở mảng âm nhạc, nhạc sĩ Phan Thanh Trường đã hoàn thành rất sớm 4 ca khúc: Bà Nà sương khói; Bồng bềnh Tây Giang; Niệm khúc Trường Sa và phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Lê Thiệu ca khúc Đi giữa mùa thu Hà Nội. Đặc biệt, trong buổi giao lưu với các văn nghệ sĩ Vũng Tàu, Phan Thanh Trường đã bắt gặp những câu thơ của Lê Nhật Ánh (Hội viên Hội VHNT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và anh đã phổ thành công bài thơ Vũng Tàu ngày vắng em.

Nhạc sĩ Quang Khánh rất sung sức với 2 ca khúc viết về Vũng Tàu như: Tự tình sóng biển xanh; Lời sóng biển. Trong các buổi gặp gỡ sinh hoạt giao lưu, Quang Khánh cũng đã phổ 2 bài thơ: Em xa Huế rồi à của nhà thơ Trần Trình Lãm và bài Bậu ơi! của Lê Nhật Ánh. Nhạc sĩ Trương Duy Huyến, với vai trò là trưởng đoàn, nhưng anh vẫn tập trung để hoàn thành các ca khúc bao gồm: Ngày học mới, Bé và hoa và phổ nhạc cho một bài thơ Nối lại tình xưa của Nguyễn Quang Chơn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thuận thuộc Hội văn hóa dân gian, hoàn thành tác phẩm nghiên cứu lý luận “Thi pháp hiện đại – Từ một góc nhìn”. Nội dung tác phẩm này xoay quanh vấn đề: Phương pháp sáng tác văn học nói chung và tiểu thuyết nói riếng, gắn liền với nội dung tác phẩm văn học. Một tác phẩm hay, không thể có được, khi phương pháp sáng tác chưa được chú trọng đúng mức. Ở mảng mỹ thuật, trong dịp này họa sĩ Duy Hối tham gia thâm nhập thực tế những cảnh quan xung quanh, với phác thảo về chủ đề Vũng Tàu. Họa sĩ bày tỏ: “Vũng Tàu trong tôi thật mặn mà, đằm thắm, nên tôi chợt nhận ra, giữa những bày biện cá mắm còn biết bao điều để nhớ, để thương”.

Hội nhà văn tham gia Trại lần này gồm 6 thành viên. Trong đó, nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương hoàn thành tập Ký “Tiểu đoàn 3 – Mặt trận 44 những năm tháng hào hùng”. Nhà văn Hồ Sĩ Bình hoàn thành tác phẩm “Cát bỏng đời người”. Đây là ký sự tác phẩm viết về trung tướng Nguyễn Trung Thu, nguyên Tổng Tham mưu phó Quân đội Nhân dân và những câu chuyện về miền cát Bình Dương của một thời quá khứ với những chiến tích đau thương một thời lửa cháy, một nỗi đau chưa thể phai nhòa. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tham gia Trại gồm 3 tản văn: Mỹ Sơn, đâu dễ gì quên; Xấp vải lãnh của mẹ; Đêm Đà Nẵng như mơ mà rất thực và các bài thơ: Nửa em lục bát mong chờ; Chỉ còn lại hoàng hôn; Một mình. Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, tham gia trại với tác phẩm Phượng bây giờ đã lớn.

Phác thảo tranh “Vũng Tàu” của họa sĩ Duy Hối.

Nét mới là tác giả Như Thúy vốn đạt nhiều thành tựu về thơ, nhưng lần này lại tham gia với thể loại truyện ngắn. Cụ thể, tác phẩm tập hợp gồm những truyện ngắn tình yêu, cảm xúc nhẹ nhàng, nhưng đôi lúc cũng không ít xót xa. Đặc biệt, trong đó, truyện Làm thế nào để ra khỏi những giấc mơ? được thể hiện nhiều chương, cách dẫn dắt khá mới mẻ và giàu chất thơ. Tập truyện Ngày xưa tôi có hoa hồng bao gồm hơn 10 truyện ngắn của Trần Trung Sáng tham gia trại sáng tác lần này. Trong đó, truyện ngắn Phượng yêu là tác phẩm được tác giả đầu tư dày công trong những ngày dự trại tại Vũng Tàu. Nội dung truyện kể về mối tình đầu thơ mộng diễn ra từ những năm đầu sau 1975, kéo dài xuyên suốt nhiều thập niên, liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cùng nhiều hệ lụy của bối cảnh xã hội kéo dài đến tận hôm nay. Nhà thơ Trần Trình Lãm hoàn thành chùm thơ 10 bài tựa đề Ngồi bên biển hát, bao gồm những chủ đề về thiên nhiên, tình yêu, cuộc sống. Đặc biệt, trong đó nhiều bài được tác giả viết từ những cảm xúc mới mẻ với khung cảnh thành phố Vũng Tàu trong những ngày qua.

Buổi tổng kết Trại sáng tác VHNT Đà Nẵng năm 2020 diễn ra với sự tham dự đông đảo của anh chị em văn nghệ sĩ Vũng Tàu. Hai bên đã giới thiệu cùng nhau những sáng tác mới nhất và trao đổi những ấn phẩm VHNT của hai địa phương.

TRẦN TRUNG SÁNG