Trái tim người cha
Bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra cũng đều mong muốn được sống trong một gia đình ấm êm, hạnh phúc, có đầy đủ cha mẹ. Nhưng không phải trẻ nào cũng may mắn có được niềm hạnh phúc ấy. Để trẻ không thiếu hụt tình cảm gia đình, có một người đàn ông với trái tim nhân hậu đã tìm cách níu giữ yêu thương, cho trẻ một mái ấm gia đình.
Ông N.V.C cùng con nuôi B.P. |
Ông là một trong số ít nhân vật mà khi đặt bút viết tôi cảm thấy vốn từ ngữ, vốn sống của mình thật hạn hẹp, không thể diễn đạt hết tấm lòng nhân hậu, đẹp đẽ của ông.
Chuyện về ông, tôi biết thông qua cô Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (Q.Hải Châu)- khi tìm hiểu về những học sinh có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn của trường. Cô Lệ đã kể cho tôi nghe về trường hợp cháu N.B.P (2013) với lời đề nghị chân thành: “Cháu B.P có hoàn cảnh không giống ai. Hộ khẩu thường trú thì ở P.Hòa Thuận Đông, nhưng cháu lại ở tận P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu). Cô giáo chủ nhiệm thấy lạ, tìm hiểu mới hay cháu đang ở với người không có mối quan hệ huyết thống, dù cha ruột của cháu vẫn còn sống. Nếu được, nhà báo nên gặp người đang nuôi dưỡng cháu B.P để tìm hiểu viết bài, sẽ rất hay. Ông ấy tên là N.V.C (53 tuổi), là thợ sửa máy phát điện…!”. Mới nghe qua chuyện đã thấy xúc động nên tôi nhờ cô Lệ liên hệ để gặp mặt, nhưng ông C. từ chối. Thuyết phục mãi, ông mới nhận lời.
Thế nhưng, lúc tôi tìm đến căn nhà nơi vợ chồng ông đang ở thuê tại P.Hòa Minh, ông thú thật mình không muốn kể chuyện và cũng chẳng muốn ai biết chuyện gia đình mình. Suốt cuộc trò chuyện, ông nói vỏn vẹn chưa đến 10 câu: “Trẻ thơ nào có tội tình gì! Nếu tôi không nhận nuôi, ba cháu cũng sẽ gửi đem gửi cô nhi viện. Dù sao thì cháu cũng có máu mủ với các con riêng của vợ tôi với người chồng trước. Nên khi anh ấy gọi điện nói có chuyện cần gặp, tôi nhận lời liền. Gặp tôi, anh ấy khóc, nhờ tôi thay anh ấy chăm sóc con trai giúp mình. Tôi nhận lời cái rụp. Chuyện chỉ có thế thôi. Có chi mà kể hả cô?”. Nói xong, ông cười rồi im lặng không nói thêm gì nữa. Tôi ngẩn người trước những điều ông nói. Vì đeo khẩu trang nên tôi chỉ thấy được đôi mắt một mí với ánh nhìn hiền từ của ông.
Hiểu tính chồng nên sau một hồi ngần ngừ, vợ ông (tên T.T.L.H) từ tốn kể cho tôi nghe chuyện ông nhận nuôi giúp con riêng người chồng trước của mình với sự ngưỡng mộ khôn cùng.
Chị H. gặp ông C. cách đây gần 15 năm, khi đã “gãy gánh nửa đường” với người chồng trước được vài năm. Chia tay chồng, chị dắt theo 3 đứa con thơ: 2 trai, một gái tìm nhà thuê ở. Để mưu sinh, chị làm đủ việc, trong đó có việc phụ bán cà-phê. Một lần, ông C. tình cờ đến quán cà-phê này uống nước. Lúc đó, ông còn độc thân. Duyên đưa thế nào mà sau vài lần gặp gỡ, ông thương dù biết chị đơn thân nuôi 3 con dại. Không quan tâm đến quá khứ, ông đề nghị được nên nghĩa vợ chồng để có điều kiện quan tâm, đỡ đần, chăm sóc 3 đứa con riêng của chị H. Cảm nhận được tấm lòng chân thật của ông, chị H. đã nhận lời. Tìm hiểu gia cảnh, chị được biết ông quê gốc ở Hương An (Quế Sơn, Quảng Nam), mồ côi cha mẹ từ lúc mới lên 10, được người chú đem về nuôi. Hiện ông làm nghề sửa máy phát điện cho một công ty tư nhân. Họ nên nghĩa vợ chồng bằng một buổi ra mắt đạm bạc. Năm 2015, người chồng trước bất ngờ liên lạc, nhờ chị nuôi giúp đứa con trai riêng mới 2 tuổi của mình, do người vợ sau không may bị bệnh qua đời.
“Nghĩ cảnh mình đang sống nhà thuê, lo nuôi 3 đứa con riêng của chồng trước chưa đủ khổ hay sao mà còn nhận nuôi thêm con riêng của ổng nữa. Rồi chồng mới sẽ nghĩ thế nào về điều này nên tôi từ chối. Không hiểu bằng cách nào mà chồng cũ biết được chồng mới của tôi là người rất nhân hậu, tử tế. Ông ấy đã gọi điện cho chồng tôi bây giờ, hẹn gặp nói chuyện. Nhận điện thoại, chồng tôi đi ngay. Họ nói chuyện gì với nhau thì tôi không biết. Chỉ biết khi về, anh ấy đã thuyết phục tôi nhận nuôi cháu B.P. Anh ấy nói: “Con nít không có tội tình chi. Chừ hoàn cảnh ảnh khó quá, không nuôi được con. Mình không nhận lời, ảnh đem cháu gửi vô cô nhi viện, lỡ có ai đó xin nhận nuôi, cháu mất cội nguồn thì tội nghiệp. Dù em không sinh ra nó, nhưng nó vẫn có máu mủ với các con của em với anh ấy...”. Thú thiệt với cô, tôi không biết trên đời này có bao nhiêu người giống ảnh, nhưng với tôi, hiếm có một người nào có tấm lòng như ảnh”- chị H. nghẹn ngào kể.
Nhìn B.P trắng trẻo, mạnh khỏe, cao gần bằng cha nuôi, khó ai nghĩ khi vợ chồng ông C. nhận về nuôi, cháu ốm yếu, hay đau vặt. “Ui chao! Không ai thương con riêng của chồng trước vợ mình như ảnh. Đi làm thì thôi, chứ về nhà là a vào cháu. Ảnh thương nó lắm. Vì hộ khẩu của cháu vẫn ở P.Hòa Thuận Đông nên vợ chồng tôi quyết định cứ để cháu học dưới đó, không chuyển khẩu lên đây. Hằng ngày, ảnh dành phần đưa đón cháu. Chắc thấy vậy nên cô giáo chủ nhiệm thương, hỏi chuyện mới biết hoàn cảnh. Chứ ảnh chẳng muốn kể về mình cũng như hoàn cảnh cháu B.P đâu. Dù anh ấy vẫn cho cháu biết cháu có hai người cha, hai người mẹ. Mỗi lần cha cháu phụ chạy xe đường dài về, ảnh thường cho cháu lên nhà cha ruột chơi. Nhưng ở được một lúc cháu B.P lại đòi về với ba C.”- chị H. tự hào kể thêm về chồng.
Nghe vợ kể về con trai B.P, đôi mắt một mí của ông chợt ánh lên tia cười hạnh phúc. Bất chợt tôi phát hiện B.P trông rất giống ông. Khác chăng, B.P trắng trẻo, còn ông đen nhẵn. B.P cũng có đôi mắt một mí với ánh nhìn hiền từ như ông.
Hỏi thăm về gia cảnh hiện nay, chị H. cho biết, họ vẫn đang sống cảnh nhà thuê với số tiền 10 triệu đồng/3 tháng (trả 3 tháng một lần), chưa kể tiền điện nước. Hai/ba người con riêng của chị H. đã lập gia đình (1 trai, một gái). Tất cả đều sống chung trong căn nhà thuê này. Khi chuyển lên Hòa Minh sinh sống, chị H. chuyển sang bán cơm ở chợ. Từ khi có dịch COVID -19, chị nghỉ bán. Họ sống hạnh phúc và bằng lòng với những gì mình có. Ngoài thời gian làm việc ở công ty, hễ ai liên hệ nhờ sửa máy phát điện ông C. đều nhận lời.
Nói về cha nuôi cháu B.P, cô Phạm Thị Minh Phương - GVCN cháu B.P xúc động nhận xét: “Anh ấy chân chất, thật thà và không biết thể hiện mình. Nhưng qua những gì anh ấy lo cho cháu B.P, tôi cảm nhận được tình thương yêu vô bờ mà ảnh dành cho cháu. Ban đầu tôi cứ nghĩ ảnh là cha ruột của B.P. Thấy ảnh sáng, chiều nào cũng đến trường đưa đón con, hay tìm gặp hoặc liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để hỏi thăm về tình hình học tập của con, tôi xúc động hỏi thăm thì mới hay cháu không phải là con ruột của ảnh. Người như ảnh giữa cuộc đời này thật hiếm!”.
P.Thủy