Báo Công An Đà Nẵng

Trạm gác tự quản

Thứ sáu, 14/02/2014 11:50

(Cadn.com.vn) - Là địa phương có nhiều cụm công nghiệp, lại nằm giáp ranh các xã Hòa Tiến, Hòa Phước (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nên tình hình ANTT tại xã Điện Hòa (H. Điện Bàn, Quảng Nam) rất phức tạp. Trước tình hình đó,  nhằm đảm bảo ANTT tại địa phương, chính quyền xã đã thống nhất thành lập các Trạm gác tự quản ANTT. Đây là mô hình mới lạ, đem lại hiệu quả cao.

Trước năm 2012, Điện Hòa được biết đến là một “điểm nóng” về TTXH. “Hồi đó tình hình trộm cắp diễn ra công khai, táo tợn, việc gây hấn, đánh nhau diễn ra thường xuyên. Các đối tượng trộm cắp chủ yếu ở các địa phương khác tới, có băng nhóm, trong khi lực lượng CAX quá mỏng nên không kiểm soát được tình hình.

Xuất phát từ ý nguyện của người dân, các thôn kiến nghị lên xã để xây dựng trạm gác tại các khu dân cư. Trong đó, lực lượng CAX, dân phòng phối hợp chặt chẽ cùng các đội tuần tra và người dân để đẩy lùi tội phạm, giữ vững trị an”, Trưởng CAX Điện Hòa Lê Dững cho biết.

Không ngại gian khổ, hằng đêm, các nhóm tự quản xã Điện Hòa lại tuần tra thâu đêm,
giữ bình yên cho xóm làng.

Được thành lập từ cuối năm 2012, đến nay Điện Hòa có tới 36 trạm gác an ninh trải dọc ở 8 thôn. Diện mạo xã Điện Hòa đang chuyển dịch rõ rệt, trong đó việc phát huy sức mạnh từ cộng đồng dân cư để bảo vệ bình yên xóm làng được xem như một động lực để thúc đẩy sự phát triển KT-XH tại địa phương.

Mỗi trạm gác có diện tích trên dưới 5m2, kinh phí xây dựng từ 5 đến 7 triệu đồng do người dân tự nguyện chung tay đóng góp. Trưởng thôn La Thọ 2, ông Hồ Đắc Tân cho biết: “Thôn có 6 tổ đoàn kết, mỗi tổ thành lập một trạm gác chia làm 7 nhóm thay nhau đi tuần hằng đêm. Khi đi tuần tra, nếu phát hiện tội phạm thì nhóm sẽ vây bắt sau đó báo cáo lại với CA thôn. Nếu phát hiện tội phạm dùng xe máy để tẩu thoát thì chúng tôi dùng loa cầm tay báo động để toàn dân cùng nhau vây bắt. Còn đối với những đối tượng hung hãn, có hung khí thì chúng tôi liên lạc với CAX hỗ trợ”.

Tối, trời mùa đông lạnh cắt da nhưng các “chiến sĩ” địa phương này vẫn không ngại gian khó đi tuần tra thâu đêm. Theo lịch, tối hôm đó nhóm anh Nguyễn Văn Dũng (46 tuổi, tổ đoàn kết số 1, thôn Quang Hiện) đi tuần. Chỉ một chiếc gậy ngắn trên tay, nhóm anh Dũng đi khắp các nẻo đường của tổ dân cư mình phụ trách.

Anh thỏ thẻ trong cái lạnh run người: “Tổ đoàn kết chúng tôi có 5 nhóm, lực lượng gồm cựu chiến binh, cựu quân nhân, thanh niên ưu tú... tự nguyện tham gia để bảo vệ xóm làng. Lịch trực, thành tích bắt trộm của các nhóm được ghi rõ ràng trên bảng đặt tại trạm gác và sổ tay”.

Hơn một giờ đi tuần không phát hiện gì lạ, nhóm anh Dũng quay về lại trạm gác. “Cách nhau một tiếng chúng tôi đi tuần một lần. Khi mới thành lập trạm gác, anh em chúng tôi  tất bật vì phát hiện xử lý nhiều vụ trộm cắp. Nhưng sau đó tình hình tốt dần, vài tháng nay trên địa bàn không xảy ra một vụ mất cắp hay gây gổ đánh nhau nào”, anh Dũng khoe.

Ông Phan Minh Mãi - Bí thư Đảng ủy xã Điện Hòa cho biết: Sau khi thành lập các trạm gác tự quản, số vụ trộm cắp, gây rối trật tự trên địa bàn xã giảm dần. Năm 2013, địa phương phối hợp bắt và xử lý hành chính 16 vụ. Trong khi năm 2011 có đến 45 vụ. Nhờ làm tốt công tác giữ gìn ANTT thôn xóm nên thời gian qua có nhiều tổ đoàn kết nhận được bằng khen của các cấp. Thời gian đến chúng tôi tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình này tại 4 thôn còn lại.

Bão Bình