Báo Công An Đà Nẵng

Trạm Thu phát sóng ở Đà Nẵng: Thừa kiểu dáng, thiếu thân thiện

Thứ hai, 13/02/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng đang “mọc” lên hàng loạt các trạm thu phát sóng (BTS) các loại với đầy đủ kiểu dáng. Vậy công tác quản lý, sử dụng BTS như thế nào? Có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không? Phóng viên Báo CATP Đà Nẵng đã có buổi trao đổi với ông Trần Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm giao dịch CNTT-TT Đà Nẵng, trực tiếp theo dõi chương trình triển khai trạm thu phát sóng thân thiện với môi trường để giải quyết các nghi vấn trên.

Ông Trần Ngọc Thạch 

Ông có thể cho biết số lượng BTS hiện có và công tác quản lý đối với các BTS trên địa bàn Đà Nẵng?

* Ông Trần Ngọc Thạch: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.020 vị trí hay trụ ăng-ten, lắp đặt khoảng 1.680 trạm thu phát sóng di động trạm BTS và có đến trên 600 trụ ăng-ten lắp đặt chung hai hoặc ba trạm BTS. Trên toàn quốc, trạm BTS bắt đầu xuất hiện vào năm 1995, nhưng đến cuối năm 2007 mới bắt đầu quản lý, cấp phép khi nhu cầu phát triển trạm BTS lớn và liên Bộ BCVT (nay là TT&TT) và Bộ Xây dựng có Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BXD-BBCVT ngày 11/12/2007 về Hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng là địa phương đầu tiên chính thức triển khai quản lý, cấp phép trước đó một tháng (từ ngày 9/11/2007 qua chỉ đạo của UBND TP tại Công văn 6011 năm 2007). Thực ra, trong quá trình quản lý, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là doanh nghiệp đã quen nếp lâu nay nên vẫn xây dựng trạm BTS không xin phép. Bên cạnh đó, người dân chưa hiểu rõ về các trạm BTS, cho rằng nó có hại cho sức khỏe nên đã khiếu kiện, đặc biệt là vào các năm 2008, 2009. Tuy nhiên, từ năm 2010 tình trạng trên đã hầu như không còn và việc xây dựng trụ ăng-ten đã có giấy cấp phép. Vấn đề còn lại hiện nay là làm thế nào để giảm dần trạm BTS không đảm bảo mỹ quan đã xây dựng trước năm 2007, triển khai trạm BTS thân thiện môi trường và tăng cường dùng chung trạm BTS để giảm mật độ trạm và tiết kiệm đầu tư.

Việc xây dựng hàng loạt các BTS  trên địa bàn, trong suy nghĩ của người dân là sẽ gây hại đến sức khỏe cũng như gặp nhiều nguy hiểm trong thời tiết thường xuyên xảy ra bão, lụt như Đà Nẵng…Ý kiến của ông về điều này như thế nào?

* Ông Trần Ngọc Thạch: Việc xây dựng nhiều trạm BTS là cần thiết nhằm bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ phát triển KT-XH và dân sinh. Vấn đề là phải xây dựng trạm BTS phù hợp với quy hoạch, đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn và tiết kiệm. Hiện nay, các trạm BTS xây dựng mới đều phải được Sở TT&TT xác định phù hợp với quy hoạch viễn thông; Sở Xây dựng kiểm tra phù hợp với quy hoạch xây dựng, kiểm tra thiết kế an toàn kết cấu, cả trong trường hợp bão lũ và từ đó mới trực tiếp cấp phép. Về tác động của BTS, trước hết, phải khẳng định sóng vô tuyến có nhiều tần số khác nhau và ở mỗi dải tần số, sóng vô tuyến sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe nếu công suất phát, bức xạ điện từ đến một giá trị (mức) nhất định. Tuy vậy, Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan chuyên môn ở T.Ư như Bộ KH&CN, Bộ TT-TT đến nay chưa có bằng chứng khẳng định trạm BTS ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Năm 2009 Sở TT&TT Đà Nẵng đã tổ chức đo kiểm và đánh giá; kết quả bức xạ điện từ tổng hợp chỉ bằng 5% giá trị cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam 3718-1:2005. UBND TP đã cho công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

* Đến nay, tổng số trụ ăng-ten trên địa bàn TP Đà Nẵng là 1.026 trụ, được lắp đặt khoảng 1.686 trạm BTS, mới chỉ có 27 trạm BTS dạng thân thiện môi trường. Trong đó, nhà mạng có nhiều trụ ăng-ten nhất là: Viettel (250 trụ); Vinaphone (210 trụ); Mobifone (207 trụ) ngoài ra có các nhà mạng khác như: Beeline, EVN Telecom, Vietnammobile, S-Fone, SPT.

Được biết từ năm 2007, Ðà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai dùng chung trụ ăng-ten trong quá trình phối hợp cấp phép xây dựng. Nhưng có vẻ các nhà mạng không chịu cảnh “chung chạ”? Tại sao vậy?

* Ông Trần Ngọc Thạch: Đúng là tình hình dùng chung trụ ăng-ten trên địa bàn TP giữa các nhà mạng còn ít và chỉ khoảng 5% điểm. Nguyên nhân là chưa có quy định pháp luật về dùng chung, Sở TT&TT và Sở Xây dựng chỉ yêu cầu dùng chung đối với các trụ ăng-ten đã được quản lý cấp phép mới (khi kiểm soát được thiết kế an toàn kết cấu); riêng đối với các trụ ăng-ten xây dựng trước đây (1995 đến 2007) không bảo đảm kết cấu và không gian để lắp đặt hai hoặc ba trạm BTS. Ngoài ra, vài năm trước đây một số nhà mạng muốn tự xây dựng và dùng riêng để chủ động và cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.  

Từ năm 2009, Sở TT-TT Ðà Nẵng đã phối hợp các DN viễn thông triển khai thử nghiệm xây dựng và lắp đặt trạm BTS “thân thiện môi trường”. Công tác đó đến nay đã có những tín hiệu khả quan nào chưa?

* Ông Trần Ngọc Thạch: Sau một thời gian thử nghiệm 15 mô hình trạm BTS thân thiện môi trường và UBND TP  đã cho triển khai rộng rãi 4 mô hình trong năm 2010. Đến nay, đã có 27 vị trí lắp đặt, với hầu hết các nhà mạng ủng hộ và triển khai như Vinaphone, Mobifone, Viettel, Beeline. Sở TT&TT sẽ tiếp tục thử nghiệm và tham mưu UBND TP  cho phép triển khai thêm nhiều mô hình trạm BTS thân thiện môi trường khác để các nhà mạng thuận tiện trong lựa chọn. Sự tham gia hưởng ứng của nhiều nhà mạng, việc triển khai trạm BTS thân thiện môi trường rất khả quan trong thời gian đến. Cuối năm 2011 UBND TP đã có chủ trương tăng dần tỷ lệ trạm BTS thân thiện môi trường hoặc dùng chung với doanh nghiệp khác (năm 2011 là 5%, năm 2012 là 10%, v.v…); đồng thời có sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà mạng trong dùng chung và triển khai trạm BTS thân thiện môi trường như thời gian vừa qua, trong thời gian đến khâu quản lý, sử dụng trạm BTS sẽ đi vào nền nếp; đặc biệt là giảm trụ ăng-ten ảnh hưởng mỹ quan; tăng dần trạm BTS thân thiện môi trường.

Lê Anh Tuấn