Trận đánh Mỹ cuối cùng ở Quân khu 5
Tròn nửa thế kỷ, nhưng đến nay chiến thắng Xã Đốc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử to lớn. Đây được xem là trận đánh Mỹ cuối cùng trên mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng và Quân khu 5 nói chung; là chiến thắng điển hình về quyết tâm tiêu diệt giặc Mỹ, khôi phục, xây dựng căn cứ địa vững chắc cho cách mạng, tạo bàn đạp tiến xuống vùng trung du, đồng bằng, góp phần vào giải phóng Quảng Nam- Đà Nẵng những năm sau đó.
Đồn Xã Đốc tháng 3-1971, thời điểm sau khi bị quân ta đánh (ảnh tư liệu). |
Đồn Trà Đốc nằm ở xã Trà Đốc (H. Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) nên được gọi tắt là Đồn Xã Đốc. Đầu năm 1970, sau khi thực hiện nhiều đợt hành quân càn quét, Mỹ đổ quân xuống Đồn Xã Đốc để xây dựng một cứ điểm hỗ trợ hỏa lực. Đồi Xã Đốc có chiều dài 1.700m, rộng 800m, là cứ điểm đặc biệt quan trọng của quân đội Mỹ với 147 lô cốt, hầm ngầm lớn nhỏ; chiến hào ngoài cùng có 28 vọng gác. Tại cứ điểm này có sân bay dã chiến, trận địa pháo tầm xa, trụ sở đặt hệ thống liên lạc và máy móc kiểm soát có tầm bán kính rộng. Bên ngoài cứ điểm được rào kín bằng 5 lớp dây kẽm gai và cài mìn dày đặc. Ban đêm, cứ điểm có hệ thống đèn pha để quét sáng chung quanh nhằm phát hiện mọi sự đột nhập từ xa. Hỗ trợ cho cứ điểm này còn có hai trận địa pháo 105mm và 155mm đặt ở Phước Lâm và Tiên Phước đồng thời máy bay trinh sát, cường kích và trực thăng vũ trang từ căn cứ Chu Lai sẵn sàng cất cánh chi viện 24/24 giờ. Lực lượng trấn giữ cứ điểm chủ yếu là các đơn vị của Tiểu đoàn 1/46 thuộc Lữ đoàn 196 Khinh binh Hoa Kỳ, bộ tư lệnh đóng ở Chu Lai. Cứ điểm lúc đó có 253 người, gồm 231 lính Mỹ và 22 lính Việt Nam Cộng hòa.
Cách cứ điểm khoảng 7 km đường chim bay là mật khu Nước Oa của Quân Khu 5 đóng tại xã Trà Tân (H. Bắc Trà My). Để phá vỡ sự cô lập cho mật khu Nước Oa và giải tỏa hành lang nối các căn cứ địa phụ cận ở Quảng Nam với vùng rừng núi Kon Tum, Quảng Ngãi, Bộ Tư lệnh Khu 5 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Đặc công 409 tập kích tiêu diệt cứ điểm Đồn Xã Đốc. Quyết tâm phá bằng được cứ điểm quan trọng này, Tiểu đoàn Đặc công 409 nhiều lần tổ chức trinh sát, phân tích thế mạnh, yếu của địch, chuẩn bị chiến trường. Bộ đội ta xác định cách bố trí mìn, hầm hào, lô cốt, khu chỉ huy, khu hỏa lực, mục tiêu then chốt, khu vực tuần tra canh gác... Mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh đã hoàn thành trước 16 giờ ngày 27-3-1971.
Đêm 27-3-1971, dù địch canh gác cẩn mật, pháo sáng liên tục bắn cầm canh soi rọi cả một góc trời, nhưng với nghệ thuật ngụy trang mang quần cộc, giày vải trang bị súng tiểu liên AK.47, thủ pháo, bộc phá và súng B.40, 91 cán bộ, chiến sĩ đặc công chia làm 8 mũi, lặng lẽ áp sát mục tiêu. Vào lúc 0 giờ 45 ngày 28-3-1971, mũi chủ công dùng bộc phá mở rào rồi cùng các mũi khác đột nhập vào trung tâm. Thế trận "nở hoa trong lòng địch" hình thành. Đặc công dùng súng tiểu liên, B.40 và thủ pháo tấn công dồn dập các công sự nổi, trận địa pháo và sân bay dã chiến. Quân địch bị tình huống bất ngờ nên không có sự chống cự nào đáng kể và thương vong khá nặng nề. Số binh lính sống sót chui xuống các hầm ngầm để ẩn trốn hoặc bỏ chạy, nhưng vẫn bị đặc công tiêu diệt bằng thủ pháo ném xuống hầm. Lúc này chỉ huy chung trận đánh là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Khắc Minh và Chính trị viên tiểu đoàn Lê Thanh Cượng. Hơn nửa giờ chiến đấu, bộ đội ta đã làm chủ chiến trường, địch bị tê liệt trước đòn tiến công bất ngờ, táo bạo, đầy mưu trí của bộ đội ta. Sau khi ta nổ súng, pháo địch ở Phước Lâm, Tiên Phước mới vội vàng nã đạn theo tọa độ quanh cứ điểm Xã Đốc. Trong khi đó, quân ta đã nhanh chóng rút về hậu cứ.
Qua thống kê cho thấy, trận đánh khiến lực lượng trú phòng của Mỹ tại cứ điểm này bị tổn thất trầm trọng với 30 lính tử trận và 82 lính bị thương nặng. Trận đánh này là tổn thất lớn chưa từng có của Tiểu đoàn 1/46, Lữ đoàn 196 Khinh binh trong nhiều năm tham chiến ở Việt Nam, là trận đánh quy mô lớn cuối cùng của quân đội Mỹ trên đất Quảng Nam-Đà Nẵng và Quân khu 5, đồng thời cũng là một trong những thất bại thảm hại của Mỹ trong nỗ lực kéo dài sự hiện diện của mình ở Việt Nam để cứu vãn thế nguy của chế độ Sài Gòn. Sau thất bại nặng nề trên, cả phía Mỹ và quân đội Sài Gòn đều hết sức lo sợ bị Quân Giải phóng tiếp tục tấn công, nên không dám đóng quân lâu ở Trà Đốc. Đến tháng 4-1971, Lữ đoàn 196 của Mỹ chuyển ra trú đóng tại Đà Nẵng, cứ điểm Đồn Xã Đốc cũng bị bỏ trống từ đó. Căn cứ cuối cùng của Mỹ - ngụy trên mảnh đất Trà My đã bị xóa xổ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chụp ảnh lưu niệm tại Lễ Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồn Xã Đốc. |
Hiện nay, Đồn Xã Đốc đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. H. Bắc Trà My đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất để quản lý, bảo vệ di tích. Đây là địa chỉ đỏ cho các thế hệ trẻ vùng cao Trà My học tập, tự hào về truyền thống hào hùng của cha ông và tiếp bước tiền nhân trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
LÊ HẢI
Ngày 25-3, H. Bắc Trà My long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồn Xã Đốc, giải phóng Trà My (27-3-1971 - 27-3-2021). Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định: "Chiến thắng Đồn Xã Đốc luôn là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Chiến thắng này mãi mãi đi vào lịch sử quê hương, tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của vùng đất anh hùng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ mai sau". |