Trần Đỗ Liêm – doanh nhân, thi sĩ đa tài
(Cadn.com.vn) - 1. Năm năm trước tôi đã đọc tập thơ Cho cau gặp trầu của Trần Đỗ Liêm rồi cảm hứng viết bài "Trần Đỗ Liêm - khắc khoải hồn quê". Mới đây anh gửi tặng tôi một lúc ba tác phẩm mới của mình: Mơ gọi về…(thơ, 2013); Miệt vườn cựa quậy ( ký, 2015) và Vùng đất hồn thơ (phê bình, tiểu luận, 2016), mới biết Trần Đỗ Liêm là một doanh nhân đa tài, đa tình, đa đoan lắm lắm! Về thơ, anh đã ấn hành bốn tập: Đi dọc Việt Nam; Quê hương tình yêu; Cho cau gặp trầu; Mơ gọi về…Trần Đỗ Liêm có biệt tài là đi đến đâu cũng có thơ. Ngao du Tam Đảo, Hà Nội, Tây Nguyên, Yên Tử, Phú Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Paris... anh đều làm thơ ghi lại cảm xúc của mình. Như thể là đi tìm chất liệu để sáng tác vậy. Có một tâm hồn nhạy cảm, một kiến thức thường trực và một tấm lòng bao dung mới có "thơ trực diện" ấy. Tập thơ Mơ gọi về…gồm ba phần: Mơ…; Hành trang và Gọi về… thì hai phần là thơ viết khi đến các vùng đất. Thăm nhà tù Phú Quốc anh có hình tượng thơ đẹp rợn người: Sóng bốn phía một vành tang trắng xóa (Nhà tù). Viết về nhà tù ở đảo như Phú Quốc như thế thật sâu sắc và chính xác. Hay trước đền thờ Đông Hồ ở Hà Tiên anh có bài tứ tuyệt, trong đó hai câu mở rất tình: Cùng em dạo phố Đông Hồ/ Thấy Chiêu Anh Các ngày xưa hiện vê (Trước đền Đông Hồ). Đó là cảm thức lịch sử một vùng đất. Còn đây thu Nhật Bản: Tokyo thông xòe vườn ngự uyển / Cầu Hoàng Cung rêu phủ sương sa/ Rảo bước vô chùa Quan Âm linh địa / Thu hoe vàng trong lối ta qua (Lãng du-1). Thi ảnh đẹp lãng mạn và thân thuộc không khác gì đất Việt.
2. Bất ngờ đối với tôi là doanh nhân Trần Đỗ Liêm "Người cầm lái" HTX Rạch Gầm kinh doanh tới 18 ngành nghề, quản lý hàng trăm lao động, lại là ủy viên HĐND huyện, hàng ngày họp hành liên miên và trăm công nghìn việc. Thế mà anh còn viết văn xuôi và lý luận phê bình. Thế mới lạ. Đến nay anh đã tiếp cận bạn đọc bằng ba tập văn xuôi: Nỗi niềm sông nước; Sông nước quê mình; Miệt vườn cựa quậy và tập lý luận phê bình Vùng đất hồn thơ. Điều đó chứng tỏ bút lực văn chương của anh quá dồi dào. Tập ký Miệt vườn cựa quậy (NXB Hội nhà văn, 2015) của Trần Đỗ Liêm dày 210 trang gồm 9 bài ký với nhiều đề tài khác nhau là những ghi chép công phu về cuộc sống của bà con Châu thổ mấy chục năm qua. Đó là những bài ký sôi động: Miệt vườn cựa quậy chuyển mình; Kho trong công viên; Người lính xung kích thời bình; Anh hùng giữa nhân dân; Đi tìm cây cầu trong ca dao...
Không chỉ thơ, văn xuôi, Trần Đỗ Liêm còn "liều" viết lý luận phê bình. Từ TNXP trong chiến tranh, sau giải phóng anh học mấy năm Trường Trung học Giao thông Đường thủy, vốn liếng chữ nghĩa đâu để viết tiểu luận phê bình? Thế mà tôi đọc tác phẩm tiểu luận phê bình "Vùng đất, hồn thơ" của Trần Đỗ Liêm (NXB Hội Nhà văn, 2016), thấy anh viết rất chững chạc. Có lẽ cái vốn quý nhất của Trần Đỗ Liêm là tình yêu và trách nhiệm. Tình yêu thơ, tình yêu quê hương thứ hai- đất Chín Rồng máu thịt đã thúc giục anh phải vượt lên chính mình, tự học, tự đọc để đóng góp tình cảm, trí tuệ vào phong trào VHNT của Tiền Giang cũng như miệt vườn yêu dấu. Những bài tiểu luận phê bình của Trần Đỗ Liêm là cái hích quý giá để tác giả, nhất là các tác giả trẻ trong tỉnh Tiền Giang và Đồng bằng Sông Cửu Long thêm niềm tin sáng tạo.
3. Tìm hiểu về Trần Đỗ Liêm, tôi lại một lần nữa bất ngờ là anh hiện có "một bảo tàng" văn hóa nhỏ của riêng mình. "Bảo tàng" gồm các kỷ vật gắn bó với mình: chiếc nón tai bèo, bình toong đựng nước, đôi dép cao su, sổ tay,..., những đồ vật độc đáo của từng vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam và các nước. Tranh ảnh, những món đồ lưu niệm đặc trưng của từng nơi mình đến. những món "đồ cổ"... Anh bảo: "Cái không gian văn hóa nhỏ của tôi chỉ phục vụ những người thực sự có nhu cầu, như học sinh, sinh viên, nhà báo hay nghiên cứu sinh... cần tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học, công việc, chứ không mở cửa cho mọi người". Tôi chưa từng được đến Tiền Giang để ngắm "bảo tàng nhỏ" của anh, nhưng tôi thực sự yêu mến và kính trọng thói quen sưu tầm rất nhân văn và đáng kính đó. Cái "bảo tàng" nhỏ ấy là một nét đẹp nữa của chân dung thi sĩ đa tài, đa tình, đa cảm của Trần Đỗ Liêm trước cuộc sống lớn!
Ngô Minh