Báo Công An Đà Nẵng

Trăn trở cùng “rơi một nốt trầm”

Thứ năm, 10/03/2022 20:45

Rơi một nốt trầm" là tác phẩm mới của nhà văn Lê Trâm, do NXB Hội nhà văn vừa ấn hành quý 1-2022. Sách dày 144 trang, gồm 24 bài bút ký - tản văn viết về các vùng miền xứ Quảng. Trước đó, từ năm 1998 đến nay, Lê Trâm đã xuất bản hơn 10 tác phẩm gồm các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, và tạp văn…

Bìa tập bút ký- tản văn của nhà văn Lê Trâm.

Ở tập sách này, bằng lối văn kể chuyện châm rãi, nhẩn nha, biểu cảm, nhà văn Lê Trâm lần lượt gọi mời người đọc ghé chân về những vùng đất, làng mạc, suối khe quê hương xứ Quảng tưởng rất đổi gần gũi quen thuộc, mà ngồn ngộn biết bao thông tin mới lạ, thú vị và cũng đầy trăn trở!

Ngay ở những trang đầu tiên "Về đây, Thăng Hoa", tác giả viết: "Cứ nghĩ một cái làng quê xa xôi, nhỏ bé sẽ chỉ có những mái tranh nghèo và tre và lúa…giữa mênh mông cát trắng thôi…", vậy mà từ đó, trên từng con chữ dần dần ló dạng không ít những câu chuyện hay ho, kỳ thú. Nơi này là chuyện chung quanh cầu gỗ Hà Kiều không còn…, nơi kia là chuyện mái đình Lạc Câu…. Và trải dài từ vùng tây xuống vùng đông, ẩn chứa bao điều mới cũ, với nét vàng son xa mù của Phật viện Đồng Dương xa xưa…". Ở bài "Dấu ấn làng Đồng Tràm", tác giả nêu rõ: "Đồng Tràm là một trong những làng đầu tiên xuất hiện trong cuộc mở đất phương Nam hơn năm trăm năm trước. Nơi đây có mộ của ngài Phạm Nhữ Dực, thuộc dòng dõi danh tướng Phạm Ngũ Lão, người đầu tiên gắn bó với vùng đất Thăng Hoa. Đáng chú ý, Đồng Tràm, nơi lưu dấu công cuộc mở đất phương Nam của cha ông thời trước, nay "chỉ thấy mênh mông cồn cát, rất ít ruộng đồng, không có cây tràm nào, vẫn cứ gọi là Đồng Tràm, từ xưa xửa xửa xưa". 

Bằng một tình yêu quê hương tha thiết, nồng nàn, Lê Trâm dành nhiều thời gian trải nghiệm, tìm hiểu sâu sắc từng rẻo đất nhỏ mà mình đã ghé qua. Do đó, có thể nói, mỗi một tiêu đề ở đây đều luôn gợi nhớ đến những câu chuyện mang đậm bản sắc độc đáo của văn hóa  làng quê xứ Quảng như  "Câu chuyện Bàn Thạch", "Quanh chợ Gò Dê", "Xóm nhỏ mang tên thật lạ", "Rù Rì sông quê" ... Điển hình  ở "Trà Đình không tửu điếm", Lê Trâm dường như có một phát hiện tinh tế: "Trà Đình (Quế Phú, Quế Sơn), tên gợi đến chốn chơi thôi, không phải làm, nghe rất lạ (?) lại dễ nghĩ tới "tửu điếm". Tưởng vậy mà không phải vậy…", bởi đến nay "Trà Đình vẫn vậy, vẫn chưa có một tiệm/ quán ăn, nói chi đến một thứ "tửu điếm" theo kiểu gọi ngày trước". Theo Lê Trâm: "Mỗi lần về lại căn nhà xưa đầu làng tôi cứ tần ngần mãi, không muốn rời đi. Đã bỏ lại ở đó một trời tuổi thơ mình. Ở đó, đã từng sống bao nhiêu năm, từng lớn lên, vui cái vui của làng, buồn cái buồn của cả làng. Những tiếng nói từng vang lên đầu đến cuối làng mỗi ngày giờ vắng hẳn".

Đáng chú ý, trước cơn đại dịch COVID-19 hoành hành gây ảnh hưởng khốc hại trên toàn cầu và đất nước, qua "Rơi một nốt trầm", nhà văn Lê Trâm đã có những phản ảnh với giọng văn rất xót xa như: "Cảm giác thật lạ như đang rơi vào một Hội An nào khác - lạ và khó hiểu, khó nhận ra sự thay đổi vô cùng đột ngột. Không còn cảnh xe cộ dập dìu hay cảnh người chen vai thích cánh chụp hình nữa. Tất cả trống trơn như gặp một bước hẫng hụt, bước nhầm vào khoảng không. Những quầy bán vé, những chốt kiểm tra du khách đã được dỡ đi. Những điểm tham quan nổi tiếng đã kín cổng then cài. Các cửa hàng khép kín cửa, thi thoảng mới chợt hiện ra một cửa hiệu cửa còn khép hờ nhưng có vẻ chỉ dành cho chủ tiệm" (Hội An, rơi một nốt trầm). Hoặc: "Cơn đại dịch đến như một tai họa bất ngờ không lường trước. Những du khách đến với Mỹ Sơn ngày một thưa dần. Rồi vắng hẳn. Nhà chức trách có những quyết sách kịp thời bảo vệ con người… Mỹ Sơn lại chìm vào sự tĩnh lặng. Lại thâm u, trầm mặc. Thỉnh thoảng gặp vài vũ công của khu nghệ thuật dân gian Chăm đang "thảnh thơi" trên đường, trong quán. Ngày trước họ vô cùng bận rộn, vậy mà…." (Mỹ Sơn quyến rũ). 

TRẦN TRUNG SÁNG