Trăn trở ở Ngân Hà
(Cadn.com.vn) - 36 năm sau ngày giải phóng, thôn Ngân Hà (xã Điện Ngọc, H. Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn phải cách chia với trung tâm của xã bởi con sông sâu và rộng, nên chưa có điều kiện phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội… Với người dân nơi đây, khát khao cháy bỏng là có một cây cầu để thoát khỏi cảnh đò ngang cách trở...
Cách đây 36 năm, quân dân Điện Ngọc cùng nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng nhất tề nổi dậy, giành toàn bộ chính quyền về tay cách mạng, góp phần đắc lực vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bây giờ bộ mặt của xã đã đổi thay rất nhiều với những con đường, khu đô thị, dự án du lịch được mở ra. Nhưng cán bộ và người dân nơi đây vẫn trăn trở một nỗi lo đau đáu về vùng đất từng là chiếc nôi cách mạng năm xưa, vẫn còn quá nhiều khó khăn vì giao thông cách trở - thôn Ngân Hà.
Việc đi lại của bà con thôn Ngân Hà chỉ bằng những con đò ngang như thế này.
Từ trung tâm xã Điện Ngọc, để sang được thôn Ngân Hà, từ thôn Viêm Trung chúng tôi phải đi qua con đò chòng chành vượt dòng sông sâu, rộng hơn 100m. Có “mục sở thị” mới thấy hết nỗi vất vả, khó khăn bấy lâu nay của người dân thôn này. Ông Nguyễn Hữu Kiểm - một cựu chiến binh đã từng bám trụ chiến đấu trong những năm đánh Mỹ ở Ngân Hà trăn trở: “Đời sống của các hộ dân trong thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do cách trở đò giang nên sinh hoạt của bà con rất khó khăn, vào mùa mưa lũ lớn, hàng trăm em học sinh các cấp trong thôn phải nghỉ học cả chục ngày trời, hoặc nếu muốn đến được trường phải đi vòng theo đường đất trơn trượt lên xã Điện Thắng gần 5km...”. Còn ông Nguyễn Hiệu - Phó ban Dân chính thôn Ngân Hà cho biết: “Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, người dân Ngân Hà luôn vượt qua mọi khó khăn, tiên phong đi đầu trong mọi phong trào thi đua. Điển hình là việc thôn vận động nhân dân gom góp công sức, tiền của để làm 6 km đường bê-tông. Ngân Hà là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng
Thôn Ngân Hà bị chia cắt với trung tâm xã Điện Ngọc
bởi dòng sông Ngân Hà rộng và sâu.
Anh Trần Duy Nghĩa-Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc cho biết: “Trước bức xúc của người dân về vấn đề giao thông, UBND xã đã chủ động xây dựng phương án làm cầu bắc qua sông Ngân Hà với kinh phí hơn 5 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã đầu tư 1 tỷ đồng. Ngày 9-8-2010, xã đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam, cùng các ngành chức năng của tỉnh và huyện, đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Đầu năm 2011 này, sau đợt về địa phương tìm hiểu thực tế, ngày 2-3-2011, ông Nguyễn Văn Công - Đại diện một nhóm Việt kiều tại phía Nam đã gửi văn bản, thiết kế dự toán xây dựng và mẫu cây cầu Ngân Hà về UBND xã Điện Ngọc, với mô hình cầu bê-tông dài 120m, chiều rộng 3m, tổng dự toán hơn 2,2 tỷ đồng. Lãnh đạo xã rất cảm kích trước sự ủng hộ chân tình trên, nhưng do độ sâu, địa chất lòng sông biến động và mức lũ hằng năm rất cao cùng nhiều nguyên do khác... nên cần phải xây dựng một cây cầu kiên cố mới chống chọi được sự khắc nghiệt của thiên tai, đảm bảo lưu lượng người và xe máy mỗi ngày đi qua cả nghìn lượt, tổng vốn đầu tư sẽ tăng khoảng 7 tỷ đồng. Điều này nằm ngoài khả năng của xã và cần sự quan tâm, chia sẻ từ chính quyền và các ban ngành trong tỉnh”.
Ngân Hà là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ, trụ sở của Tỉnh ủy Quảng Đà đã về đóng quân và chỉ huy phong trào kháng chiến từ năm 1954 đến 1975. Năm 1966, trong một trận chống càn của địch, 36 chiến sĩ cách mạng đã vĩnh viễn nằm lại với đất Ngân Hà. Trong kháng chiến, toàn thôn có 220 liệt sĩ, 35 Mẹ VNAH, 3 Anh hùng LLVT, 1 Anh hùng Lao động, có 2 vị tướng lĩnh trong quân đội... Điều này đã minh chứng cho vùng đất Ngân Hà đã và đang có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh. Do vậy Nhà nước cần sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng cho thôn một cây cầu, không những tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho bà con nhân dân đi lại, mà còn là một điểm đến một vùng căn cứ cách mạng kiên cường của du khách mỗi khi về với quê hương Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam anh hùng.
Có một cây cầu! Đó là ước mơ cháy bỏng của người dân thôn Ngân Hà. Có một cây cầu, chắc chắn Ngân Hà sẽ khởi sắc, sẽ phát triển để có thể trở thành một khu đô thị mới ở phía Bắc Quảng
Hồng Thanh