Trăn trở với Lý Sơn...
* Bài 1: “Bê-tông hóa” đảo nhỏ
(Cadn.com.vn) - “Đại công trường”, “bê-tông hóa” hay “lô cốt hóa” là cụm từ đầy hình ảnh mà các chuyên gia, nhà quản lý, thậm chí cả khách du lịch dùng để nói đến thực trạng xây dựng ồ ạt trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện nay. Hòn đảo được ví như thiên đường giữa biển xanh, nơi có cát trắng, nắng vàng, là cái nôi của đội hùng binh Hoàng Sa... đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi song hành cùng phát triển. Nhiều người cảnh báo, nếu không nhanh chóng quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển Lý Sơn, nguy cơ hòn đảo này mất hết môi trường, cảnh quan tự nhiên - yếu tố hấp dẫn nhất để thu hút du khách chỉ là trong tương lai rất gần!
Khách sạn, nhà nghỉ ồ ạt mọc lên “như nấm sau mưa” ở Lý Sơn trong thời gian ngắn. |
Đánh thức tiềm năng
Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, lần đầu tiên đặt chân lên đảo Lý Sơn, cảm giác của người viết về hòn đảo này giống như một cô gái đẹp đang... say giấc nồng. Chưa có điện; nhà nghỉ, khách sạn lúc bấy giờ được xem là thứ xa xỉ và không có ý niệm gì trong đời sống của cư dân nơi đây. Chỉ có duy nhất một con đường lớn chạy xuyên đảo, còn lại là những con đường, đúng hơn là hẻm nhỏ trổ theo hình xương cá... Tất cả tạo nên một Lý Sơn hoang sơ, mộc mạc, hay nói theo kiểu văn chương một chút thì đó là “vẻ đẹp đầy tiềm ẩn”.
Điện, đường, trường, trạm - 4 yếu tố cần và đủ, mang tính quyết định đến sự phát triển, hòa nhập trong xu thế mới ở tất cả các địa phương, và Lý Sơn cũng không nằm ngoài quy luật phát triển ấy. Hơn 2 năm trước, điện đối với Lý Sơn vẫn là nỗi mong chờ, khắc khoải của bao thế hệ người dân. Cả hòn đảo yên bình, lặng lẽ. Nguồn điện duy nhất dân đảo lúc đó được sử dụng là một máy phát điện chạy bằng dầu diesel do nhà nước đầu tư vào năm 1999, nhưng mỗi ngày chỉ phát điện 2 lần vào giữa trưa và chiều tối. Nhà nào khá giả thì tự trang bị máy phát, nhưng cũng chẳng dám xài sang vì tiền mua dầu quá tốn kém. Khách đến đảo vì thế cũng không nhiều, chủ yếu là cán bộ trong đất liền ra công tác. Họa hoằn lắm mới có khách du lịch ngoại tỉnh đến, đa phần vào dịp lễ lớn như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền..., rồi hòn đảo nhỏ lại trở về với nhịp sống bình dị vốn có.
Rồi Lý Sơn cũng được cả nước biết đến, được quan tâm nhiều hơn. Nhất là thời điểm biển Đông “dậy sóng”, bà con ngư dân nơi đây nhiều lần bị tàu nước ngoài cản trở, đẩy đuổi khi đang khai thác hải sản trên chính vùng biển quê hương mình. Cái tên Lý Sơn xuất hiện thường xuyên, liên tục hơn trên các phương tiện truyền thông. Hòn đảo tiền tiêu, vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của Tổ quốc trở thành chủ đề lớn trong các cuộc hội thảo, hội nghị. Và quan điểm chung được đưa ra là làm sao để Lý Sơn phát triển, ngư dân Lý Sơn yên tâm khai thác, đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng...
Ngoài việc bày tỏ quan điểm, chính kiến trên các diễn đàn, nhiều người dân, du khách trong nước bắt đầu về với Lý Sơn. Những ngư dân cũng được quan tâm, những nghiệp đoàn nghề cá được thành lập. Nhiều chính khách quốc gia cũng ra tận đây động viên, khích lệ tinh thần bà con bám biển. Tất nhiên, không thể chỉ động viên, khích lệ bằng lời nói, Đảng, Nhà nước và Chính phủ bằng hành động, quyết tâm đưa điện về với đảo. Và niềm vui, dấu ấn lịch sử nhất đối với hòn đảo này là ngày 28-9-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có mặt ở đây, ấn nút hòa mạng điện lưới quốc gia ra đảo thông qua đường cáp ngầm dưới biển. Lý Sơn trỗi dậy mạnh mẽ...
“Không thể phát triển Lý Sơn thành đô thị biển đảo, phải giữ tính nguyên sơ của nó”, ông Phan Đình Độ nhìn nhận. |
Xây dựng ồ ạt, mất kiểm soát?
Phải thừa nhận rằng, từ khi có điện, Lý Sơn chuyển mình mạnh mẽ. Nhìn một cách tích cực, điện thực sự là một cú hích để Lý Sơn phát triển nhanh chóng. Từ chỗ không màng đến ti vi, tủ lạnh, người dân nơi đây đã ồ ạt sắm sửa, trang bị. Nhiều cửa hàng bán điện máy mọc lên, các chuyến tàu trước đây chỉ mỗi việc chở khách và nhu yếu phẩm ra đảo thì đến nay, hàng điện máy chiếm đa phần diện tích. Rồi khách du lịch, từ chỗ cả năm chỉ có vài ngàn người, sau một năm có điện, Lý Sơn đón gần 100 ngàn lượt khách, và 9 tháng năm 2016, theo thống kê sơ bộ đã có khoảng 150 ngàn lượt khách ra Lý Sơn... Doanh số về du lịch, dịch vụ vì thế cũng tăng theo cấp số nhân.
Khách nhiều, nhu cầu ăn nghỉ, vui chơi giải trí tăng lên đột biến. Và chuyện tất yếu là phải có nhà nghỉ, khách sạn để đáp ứng nhu cầu. Nắm bắt được xu thế này, người dân, thậm chí cả các doanh nghiệp ở nơi khác tập trung về Lý Sơn đầu tư, xây dựng, biến Lý Sơn thành một “đại công trường”. Khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm. Vật liệu xây dựng, xi măng, cát, sắt thép, sơn vữa... trở thành “hàng hót”, đắt như tôm tươi. Từ một huyện đảo thanh bình, Lý Sơn bỗng trở thành một đại công trường xây dựng. Nếu như năm 2014 chỉ có 1 khách sạn, 11 nhà nghỉ, với 95 phòng, thì đến năm 2016, Lý Sơn có 4 khách sạn, 31 nhà nghỉ, tổng cộng 440 phòng.
“Ở Lý Sơn hiện tại đang diễn ra tình trạng xây dựng, phát triển ồ ạt mất kiểm soát, phần ai nấy làm. Tôi là người Lý Sơn, sinh ra lớn lên trên đảo nên cảm nhận được sinh khí, hơi thở của đất Lý Sơn, vì thế khắc khoải, buồn lắm. Có hôm ngồi xem ti vi, thấy các nhà quản lý phát biểu về định hướng phát triển đảo Lý Sơn trở thành đô thị biển đảo, tôi thấy hoàn toàn sai lầm. Định hướng đó sẽ dẫn đến sự phá hủy rất nhanh cảnh quan của đảo. Một Lý Sơn với khoảng 10km2 như thế, người dân đang sống hết sức hài hòa với thiên nhiên, vậy thì xây đô thị để làm gì? Phải giữ tính nguyên sơ của nó mới có giá trị”, ông Phan Đình Độ, Trưởng phòng quản lý Di sản (Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi) bức xúc.
Sẽ không có gì đáng nói nếu việc xây dựng nằm trong quy hoạch tổng thể. Thực tế cho thấy, hầu hết các công trình từ nhà dân đến các công trình cao tầng đều xây dựng một cách tự phát, không theo bất cứ quy hoạch tổng thể nào, tạo nên một bức tranh thiếu hài hòa. “Đến Lý Sơn, thấy có nhiều nhà nghỉ, khách sạn lớn mọc lên thì mừng, bởi theo họ điều đó chứng tỏ sự phát triển nhanh, nhưng riêng tôi, tôi thấy buồn. Thử hỏi xem, vừa bước chân lên đất đảo, điều đầu tiên đập vào mắt là một khối bê tông sừng sững, ở một vị trí hết sức đắc địa, bạn sẽ cảm nhận thế nào. Lý Sơn quay ngược 180 độ so với Cù lao Chàm”, ông Độ nhìn nhận.
Ông Độ lấy dẫn chứng: Từ thế kỷ XVIII, bằng việc đi từ Cù lao Chàm ra đến Cù lao Ré (Lý Sơn), Phan Huy Chú đã từng viết trong “Ký sự lai kinh” rằng Cù lao Ré có môi trường, cảnh quan tự nhiên nổi trội gấp nhiều lần, giá trị tự nhiên của Cù lao Ré vượt trội hơn so với Cù lao Chàm. Vậy mà bây giờ, Cù lao Chàm đã trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, còn Cù lao Ré thì đã mất đi 80-90% môi trường tự nhiên. “Rặng san hô ngày xưa quanh đảo Lý Sơn rất đẹp, hơn cả Cù lao Chàm, nhưng đến nay đã mất đi 90%. Thử tưởng tượng rạn san hô mà mất đi 90% thì còn gì nữa, đó là theo đánh giá của các nhà khoa học chứ không phải ý kiến chủ quan của tôi”, ông Độ tiếc nuối.
Doãn Hùng
(còn nữa)