Báo Công An Đà Nẵng

Trang bị kỹ năng nhận diện nguy cơ bị xâm hại tình dục cho học sinh

Thứ ba, 02/10/2018 11:10

Từ kết quả khảo sát 394 học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết, phần lớn học sinh, sinh viên đã có những trải nghiệm nhất định là nạn nhân từng bị, hoặc chứng kiến nhiều hình thức, tình huống quấy rối tình dục nơi công cộng.

Các em học sinh vùng nông thôn Quảng Nam háo hức tham gia lớp học phòng chống xâm hại trẻ em.

Các hình thức, tình huống quấy rối thường là: đụng chạm, sờ mó, quấy rối tình dục bằng lời nói và phi lời nói, sử dụng ngôn ngữ cơ thể để khiêu khích, gợi tình, nháy mắt, trêu đùa khiến cho người khác cảm thấy khó chịu… Những địa điểm công cộng có nguy cơ cao là xe buýt/các phương tiện công cộng, công viên, bãi tắm, hồ bơi…

Tiếng nói khẩn thiết

Theo TS Nguyễn Thị Trâm Anh -thành viên nhóm nghiên cứu, Chủ nhiệm khoa Tâm lý giáo dục - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), kết quả nghiên cứu cho thấy, nhu cầu hỗ trợ các dịch vụ xã hội của học sinh, sinh viên có trải nghiệm với quấy rối tình dục là khá đa dạng. Trong đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên mong muốn được hỗ trợ " tham vấn, tư vấn tâm lý" là nhiều nhất; tiếp theo là mong muốn được "giáo dục năng lực phòng ngừa và ứng phó với quấy rối tình dục" và tư vấn, kết nối về  pháp lý.

TS Nguyễn Thị Trâm Anh, cho biết: Đa số học sinh, sinh viên có trải nghiệm với quấy rồi tình dục mong đợi nhà trường, gia đình và trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội sẽ là nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Trong đó, số lượng học sinh, sinh viên mong muốn nhà trường là nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Kết quả này rất phù hợp với chức năng giáo dục của nhà trường, đồng thời cũng cho thấy kỳ vọng lớn lao của các em học sinh, sinh viên với trường học trong việc trợ giúp cho họ những vấn đề liên quan đến phòng ngừa và ứng  phó với quấy rối tình dục hiện nay.

Ths Lê Thị Lâm - thành viên nhóm nghiên cứu, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng), nhìn nhận: Từ thực trạng và kết quả nghiên cứu này đã gợi ý cho các cơ sở giáo dục cần có những can thiệp mạnh mẽ hơn trong các hoạt động giáo dục nhằm giúp người học được an toàn trước quấy rối tình dục nói chung và quấy rối tình dục nơi công cộng nói riêng. Việc bổ sung trong khung chương trình giáo dục đại học và giáo dục phổ thông các nội dung giáo dục phòng ngừa cho học sinh, sinh viên với quấy rối tình dục cũng là một biện pháp, bằng cách lồng ghép, tích hợp cả trong chính khóa và ngoại khóa, các hoạt động Đoàn, Hội, câu lạc bộ; bố trí những cán bộ chuyên trách, am hiểu và có kỹ năng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên trước các vấn đề bạo lực học đường cũng là phương án cần được ưu tiên.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với hành vi quấy rối tình dục cho đối tượng học sinh, sinh viên, Ths Lê Thị Lâm cho rằng, cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, cung cấp hệ thống dịch vụ liên tục và toàn diện về tham vấn, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, y tế, sinh kế/việc làm và truyền thông. Trong đó việc đào tạo mạng lưới chuyên gia, nhân viên am hiểu sâu, có kỹ năng hỗ trợ cho nạn nhân quấy rối tình dục là cần thiết. Công tác quảng bá, truyền thông thông tin các dịch vụ, hệ thống đường dây nóng… để cộng đồng được biết và tìm đến khi cần được trợ giúp.     

Theo TS Nguyễn Thị Trâm Anh, những hoạt động giáo dục nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với hành vi quấy rối tình dục cho đối tượng học sinh, sinh viên thông qua trang bị kiến thức và kỹ năng để các em hiểu và tự vệ, ứng phó trước hành vi xâm hại tình dục là hoạt động hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, hoạt động giáo dục kỹ năng nhận diện nguy cơ bị xâm hại tình dục cho học sinh cần được triển khai sớm, ngay từ bậc tiểu học.

Cần nâng cao hiệu quả phòng ngừa

Chia sẻ về những hiệu quả mang lại khi triển khai nội dung giáo dục này tại một số trường tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng, TS Nguyễn Thị Trâm Anh, cho biết: Trong hoạt động giáo dục kỹ năng nhận diện nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, học sinh rất hứng thú tham gia bởi chủ đề phù hợp với nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Nội dung chương trình giáo dục đa dạng các hoạt động, giúp chuyển tải nhẹ nhàng và sinh động các nội dung của kỹ năng đến các em học sinh. Kết quả sau khi tham gia chương trình học tập, đa  phần học sinh đã có những thay đổi rõ rệt trong hiểu về xâm hại tình dục và nhận diện về các nguy cơ có thể xảy ra xâm hại tình dục trẻ em.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ cho trẻ bị xâm hại tình dục còn chưa hiệu quả, thậm chí dường như là không có. Với nội dung giáo dục kỹ năng nhận diện nguy cơ bị xâm hại tình dục cho trẻ em được cụ thể hóa với hệ thống bài học. Những mô-đun trong chương trình giáo dục kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học, kỹ năng nhận diện nguy cơ bị xâm hại tình dục là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm vào việc nhận diện về đối tượng, thời gian, không gian, tình huống có nguy cơ gây ra xâm hại tình dục cho trẻ, nhằm bảo vệ trẻ và tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc. Nội dung kỹ năng được xây dựng với thông điệp bất cứ ai, hay bất cứ ở đâu, trong không gian, địa điểm và thời gian nào cũng có thể gây ra xâm hại tình dục trẻ em", TS Nguyễn Thị Trâm Anh chia sẻ.

KHẢI MINH