Báo Công An Đà Nẵng

"Trạng chết, chúa cũng băng hà"

Thứ năm, 19/01/2017 08:52

(Cadn.com.vn) - Chính sách thù địch của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đối với Mexico không chỉ có tác động tiêu cực đối với riêng Mexico mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho chính cường quốc số 1 thế giới.

Vấn đề gây ra mối quan tâm đặc biệt là chính sách của ông Trump có thể đầu độc các chính sách hợp tác và nhập cư, có thể dẫn đến sự sụt giảm trong sản xuất đầu tư ở Mexico và ít việc làm. Bởi trên thực tế, chủ nghĩa bảo hộ thương mại của ông Trump sẽ gây hại đến lợi ích kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới, vốn đang được hưởng lợi từ sự hội nhập của các doanh nghiệp Mexico và Mỹ, đặc biệt là ở các bang biên giới như California. Hiện nay, ước tính, hàng triệu việc làm ở Mỹ đang phụ thuộc vào Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký năm 1994 giữa Mexico, Mỹ và Canada.

Biên giới mà Trump dọa trấn áp được xem như là van an toàn giúp giải quyết bất ổn xã hội ở Mexico khi người thất nghiệp di cư đến Mỹ trong tìm kiếm việc làm. Ông Trump xem đây là vấn nạn đau đầu mà Mỹ buộc phải có biện pháp mạnh, trong đó xây dựng bức tường dọc theo biên giới hai nước để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.

Hồi tuần trước, vị tổng thống tương lai của Mỹ cho biết sẽ bắt đầu đàm phán với Mexico về vấn đề “bức tường biên giới” này ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20-1 tới. Một trong những yêu cầu của ông Trump là Mexico phải chi trả cho việc xây dựng bức tường biên giới kéo dài 3.200km, mà giới chuyên gia ước tính có thể tiêu tốn khoảng 26 tỷ USD. Tại Mỹ, hiện có khoảng 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp, chủ yếu là người Mexico. Và một kết quả mà ai cũng có thể dự đoán chắc chắn Mexico sẽ không thể đồng ý với yêu cầu của ông Trump.

Ngoài “bức tường biên giới”, ông Trump cũng đe dọa đánh thuế nặng vào các Cty hoạt động ở Mexico và xuất khẩu sang Mỹ. Và hệ quả ban đầu đã xảy ra. Hãng sản xuất ô-tô Ford của Mỹ hồi đầu tháng này tuyên bố hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy 1,6 tỷ USD ở Mexico.

Đây là điều đáng lo ngại. Bởi thực tế, những mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai quốc gia phụ thuộc lẫn nhau này đã cho thấy sự phản tác dụng. Trong những năm 1970, việc hủy một đường ống dẫn khí đi từ Mexico tới Texas, do bất đồng về giá cả, khiến Mexico nổi giận áp dụng biện pháp bảo hộ mà cuối cùng dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ bao trùm khắp các nước Mỹ Latinh năm 1982.

Thanh Văn