Báo Công An Đà Nẵng

Trang mới trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch

Thứ bảy, 28/02/2015 11:14

(Cadn.com.vn) - Luật Hộ tịch vừa được Quốc hội thông qua là có văn bản ở tầm Luật để quy định về lĩnh vực quan trọng này; đây được xem là một trang mới trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Bởi, trước đây, hệ thống văn bản pháp luật về hộ tịch tuy nhiều nhưng chủ yếu là nghị định, thông tư nên hiệu lực thi hành còn hạn chế và được quy định trong nhiều văn bản nên phức tạp, khó áp dụng.

Thực tế trước khi Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua, theo đánh giá của các cơ quan chức năng ngành tư pháp, công tác đăng ký, quản lý, thống kê hộ tịch hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là tình trạng thông tin hộ tịch của cá nhân trong các giấy tờ không thống nhất; một người có 2 hoặc 3 Giấy khai sinh; hay việc tùy tiện cải chính năm sinh không đúng quy định của pháp luật để trục lợi hay để trốn tránh pháp luật. Vì vậy, Khi Luật Hộ tịch ra đời đã đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh, đồng thời quy định việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác; số này cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi.

Người dân đến UBND phường thực hiện các thủ tục về hộ tịch.

Và để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hộ tịch, thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định để quy định cấu trúc số định danh cá nhân; trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân. Với việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, tình trạng một người có 2 hay 3 giấy khai sinh sẽ không còn nữa. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Luật cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy), đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, các thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất; các bộ, ngành, địa phương có thể lấy thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, khắc phục được tình trạng không thống nhất về thông tin cá nhân trên hồ sơ, giấy tờ cũng như trong các cơ sở dữ liệu có liên quan. Luật cũng có nhiều quy định nhằm hạn chế sai sót, vi phạm có thể xảy ra trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch như: Quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch; bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm trong đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt là nghiêm cấm người có thẩm quyền quyết định đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch cho bản thân hoặc người thân thích; quy định Giấy tờ hộ tịch được cấp cho trường hợp đăng ký hộ tịch vi phạm quy định của Luật không có giá trị và phải thu hồi, hủy bỏ...

Luật Hộ tịch có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2016 và kể từ thời điểm đó, người dân sẽ được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Đặc biệt, kể từ ngày 1-1-2020, với việc cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng xong thì Luật sẽ được thực thi đầy đủ. Như vậy, toàn bộ hệ thống Sổ hộ tịch được lưu trữ trước ngày Luật này có hiệu lực, không phân biệt ở thời kỳ nào, vẫn được coi là căn cứ pháp lý để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân; được sử dụng để tra cứu, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân có yêu cầu. Đồng thời, các giấy tờ hộ tịch đã cấp cho người dân theo quy định của pháp luật về hộ tịch trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị.

P.V