Báo Công An Đà Nẵng

Trang sách, trang đời

Thứ hai, 17/02/2014 12:01

(Cadn.com.vn) - Trải qua bao năm tháng chiến tranh khốc liệt tại chiến trường Trường Sơn, quay trở về với cuộc sống thường nhật, chị đã mang trong mình nhiều căn bệnh do di chứng của chiến tranh để lại. Những đau khổ, bất hạnh của cuộc đời thực sự được sẻ chia khi tự tay chị viết và xuất bản tập truyện ngắn "Liều thuốc thần kỳ".

Liều thuốc thần kỳ

Tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thìn (1953, trú xóm 6, xã Văn Sơn, H. Đô Lương, Nghệ An) vào một chiều cuối đông. Ngôi nhà cấp 4 nằm xiêu vẹo, chênh vênh trên ngọn đồi nhỏ. Chị vừa đi làm thủ tục vay tiền ngân hàng về. "Ngôi nhà gia đình tôi đang ở là nhà cũ, dù phải vay mượn tôi cũng phải cố xây bằng được để sau này các cháu tôi không phải khổ như đời bố mẹ và cô của nó" chị tâm sự.  Câu chuyện buồn về cuộc đời người đàn bà bất hạnh đã được tái hiện trong lời kể chân chất, giản dị ấy.

Năm 1971, gia đình nghèo khổ nên đang học dở lớp 9,  Thìn phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Hồi đó, bố Thìn làm xã đội nên Thìn xung phong đi bộ đội. Chỉ với 39kg, thân hình nhỏ thó, gầy guộc và không đủ tiêu chuẩn để đi nhưng Thìn vẫn quyết tâm thuyết phục bằng được bố cho đi bộ đội. Thìn được nhập ngũ vào Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn, phụ trách điện báo. Sau 4 năm ở chiến trường ác liệt, Thìn đã phần nào cảm nhận được nỗi vất vả, đau thương của người lính.

Năm 1974, chị xuất ngũ và được bố trí vào nhà máy dệt Việt Trì (Phú Thọ) sau đó xin nghỉ về quê, theo học tại trường huyện. Trong một lần trên đường nhận giấy báo dự thi đại học chị bị tai nạn và mất trí nhớ một thời gian dài. Rồi như một phép mầu, trí nhớ của chị dần dần được hồi phục. Hạnh phúc thực sự đến với cuộc đời chị khi xung phong lên nông trường An Ngãi , H. Tân Kỳ xây dựng kinh tế mới và tìm được người bạn đời. Thế nhưng, vì mang trong mình chất độc da cam nên nhiều lần mang thai nhưng chị vẫn không có được quyền làm mẹ. Thế là chồng chị cũng bỏ đi để tìm hạnh phúc mới.

Chị Nguyễn Thị Thìn

Năm 1987, sau lần trở về quê, chị đột nhiên bị chảy máu mũi, thấy trong người mệt mỏi. Trong một lần vấp ngã, máu ở ngón chân cứ chảy mãi không thôi, chị đã phát hiện mình mắc 3 căn bệnh: yếu tim, viêm gan, máu không đông. "Tôi hết đi viện huyện rồi xuống viện tỉnh. Trong bi quan, tuyệt vọng với những cơn đau dày vò, tôi bắt đầu viết. Truyện ngắn "Ánh sao xanh cuối trời" ra đời trong hoàn cảnh ấy và được đăng trên tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh"-chị Thìn tâm sự.

Khi được hỏi, tại sao chị lại tìm đến với văn chương để trải lòng, chị bảo: "Thực ra, tôi yêu đọc sách, yêu văn học từ thuở nhỏ. Lúc đó tôi đã tìm đọc những truyện ngắn, tiểu thuyết lớn như Ruồi trâu, Sông đông êm đềm,... Sau này khi lớn lên, tôi đã ước ao mình có thể viết lên những tâm sự của đời mình qua những trang sách. Những năm tháng trong chiến trường, ngoài giờ tập luyện, chiến đấu, tôi tự vùi mình vào đống sách. Có lẽ do được đọc nhiều nên văn chương đã thấm vào máu và trái tim tôi. Và tôi cầm bút. Năm 1972, tôi viết và đăng báo Trường Sơn. Năm 1995, truyện ngắn "Một chuyến đi nghiệt ngã" được tạp chí Sông Lam giới thiệu với bạn đọc. Thế nhưng, lần đó những biến cố gia đình tiếp tục ập đến với tôi. Cậu em trai bị tai nạn, gia cảnh vốn nghèo nay lại túng bấn hơn, tôi "gác bút" để gánh vác chuyện gia đình".

Tập truyện ngắn "Liều thuốc thần kỳ" tái hiện cuộc đời chị.

Mong muốn được viết cho đồng đội

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 2002, chị bắt đầu công việc đi giúp việc để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cũng từ đây, ngày thì quần quật những công việc lặt vặt, không tên, đêm đêm những ký ức xưa lại hiện về khiến chị không ngủ được. Và chị lại tiếp tục viết. Đã lâu không cầm bút, ban đầu tay chân chị cứ lóng ngóng, viết rồi lại xé, lại vứt. Nhưng sau một thời gian trấn tĩnh, đồng đội xưa cũng động viên chị nên xuất bản một cuốn sách của riêng mình. Điều đó đã thôi thúc chị viết và góp nhặt những truyện ngắn tâm đắc lại. Đỉnh điểm là năm 2010 và 2011, chị bắt đầu viết những truyện ngắn tiếp theo "Cứ rảnh rỗi lúc nào là tôi viết lúc đó, không kể thời gian. Trong thời gian đi giúp việc, ngoài gửi tiền cho cháu ăn học và nuôi mẹ già, tôi đã chắt góp những đồng tiền ít ỏi nuôi heo đất để có tiền xuất bản sách"-chị nói.

Sau khi hoàn thành tác phẩm, chị nhờ đứa cháu trai đang học ở Trường ĐHGT Hà Nội rong ruổi đạp xe khắp các ngõ phố Hà Nội để tìm NXB phù hợp với nội dung cũng như túi tiền của mình. Cuối cùng với số tiền 6 triệu đồng do chị chắt góp và đồng đội cũ giúp đỡ, chị đã mang tới Nhà Xuất bản Hội Nhà văn bản in cuốn "Liều thuốc thần kỳ". 200 đầu sách đã được xuất bản là niềm ao ước của chị bấy lâu nay. Cầm cuốn sách trên tay, chị rưng rưng nước mắt. Chị khóc bởi đã  hoàn thành ước nguyện của cuộc đời-cuộc đời làm "ô sin" viết truyện ngắn. Giờ đây, nỗi niềm trăn trở duy nhất trong lòng chị vẫn là tiếp tục viết, "Viết để có tiền chữa bệnh. Viết để tri ân với đồng đội. Đó sẽ là câu chuyện về những người lính Trường Sơn đã chết thay cho 3 cô gái quân bưu. Là câu chuyện của 3 cô gái quân bưu nắm toàn bộ mật danh toàn tuyến đường Trường Sơn đi ra khỏi chiến tranh nhưng mỗi người một hoàn cảnh...", chị ngậm ngùi. Chia tay chị, tôi  cầu mong cho ước nguyện của chị sẽ trở thành hiện thực.

Dương Hóa