Trang trọng tổ chức Lễ giỗ 1.302 năm ngày mất Vua Mai Hắc Đế
Từ sáng sớm Đoàn đã đến viếng hương tại Khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế. Sau đó di chuyển về Đền thờ để tiến hành Lễ giỗ theo đúng nghi thức truyền thống của người Việt. Tham gia Lễ giỗ Vua Mai lần này còn có các đoàn đại diện Họ Mai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nam..., cùng nhiều bà con họ Mai và các thành viên liên quan đến từ một số tỉnh thành.
Được biết, chiều cùng ngày, chính quyền địa phương, Ban quản lý các di tích và đông đảo bà con Họ Mai tại địa phương và trong vùng tiến hành giỗ hàng năm như thường lệ.
Theo sử sách, Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, vốn gốc là người làng Mai Phụ (nay thuộc xã Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh), sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại thôn Ngọc Trừng xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, Nam Đàn). Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên, chứng kiến cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường, ông sớm nhen nhóm ý tưởng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo diễn ra vào năm 713, giải phóng vùng đất rộng lớn ở Nghệ An. Sau sự kiện này, ông được suy tôn làm Hoàng đế. Năm 722, nhà Đường quay lại xâm lược nước ta, Vua Mai Hắc Đế cùng ba quân tướng sĩ và cả dân tộc ngoan cường chống địch. Trong cuộc chiến đấu đầy quả cảm và cam go này, ông bị trọng thương và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16 tháng 9 năm Quý Hợi (723). Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng danh tiếng của vị thủ lĩnh cùng cuộc khởi nghĩa Hoan Châu vẫn làm chấn động cả khu vực tại thời điểm ấy và vang mãi về sau.
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 29-12-2022.
Mai Hữu Phước