Báo Công An Đà Nẵng

Tranh cãi "điệp viên bầu trời" của Mỹ

Thứ năm, 16/10/2014 09:33

(Cadn.com.vn) - Một Cty Mỹ vừa phát triển cách giám sát toàn bộ khu dân cư, sử dụng công nghệ được phát triển trong các cuộc chiến gần đây ở Iraq và Afghanistan. Đó là Hệ thống giám sát liên tục (PSS) - còn được gọi là "điệp viên trên bầu trời. Nhưng trong khi lực lượng cảnh sát rất hào hứng với viễn cảnh tiếp cận công nghệ cao này, các nhà vận động nhân quyền xem đó là mối đe dọa cho quyền tự do của công dân.

Khắc tinh của tội phạm

"Bang!" Một phát súng và một người bị sát hại. Nhưng hung thủ đã biến mất. Các vụ giết người như thế này xảy ra hầu như mỗi ngày ở Mỹ - và khi không có nhân chứng, rất khó khăn và rất tốn kém để buộc tội thủ phạm. Nhưng giờ đây, một Cty tuyên bố có câu trả lời cho vấn đề này.

Bằng cách sử dụng máy bay không người lái đặc biệt bay khắp thành phố, PSS có thể xem và ghi lại tất cả những gì đang xảy ra trên mặt đất trong khu vực rộng 64,7km2. Với 12 máy ảnh độ phân giải cao, bức tranh ghép tạo thành bản đồ "Google Earth" về trái đất được máy bay gửi về để phân tích.

"Độ phân giải không đủ cao để xác định người nào đó là ai, người xuất hiện đơn thuần như điểm ảnh màu xám trên màn hình", Ross McNutt, cựu sĩ quan Không quân và là Chủ tịch PSS, cho biết. Tuy nhiên, điểm ảnh là quá đủ cho việc theo dõi chính xác sự di chuyển của một người. Khi PSS cho các máy bay hoạt động tại Compton, California vào đầu năm 2012 trong 9 ngày, nó ghi lại nhiều vụ giết người, cướp và nhiều tội ác khác.

Bằng cách kết hợp các khung thời gian của dữ liệu, các nhà phân tích và cảnh sát có thể xác định thời điểm phạm tội. Sau đó họ có thể theo dõi nơi nghi phạm đến trước và sau thời điểm phạm tội. Trong thời gian thử nghiệm trong các khu vực như Dayton, Ohio, Compton, và Mexico, PSS chứng kiến 34 vụ giết người.

PSS có thể giám sát một vùng rộng lớn. Ảnh: BBC

"Đe dọa tính dân chủ"

Nhưng PSS không chỉ nhìn thấy những vụ giết người và những tên tội phạm, các máy ảnh còn chụp lại cảnh đường phố, cũng như sân sau của những ngôi nhà, nơi xảy ra các hoạt động hàng ngày.

Dù lấy lý do độ phân giải thấp, Cty PSS không thể xoa dịu những người cho rằng, công nghệ này là mối đe dọa đối với quyền tự do của người Mỹ. Khi cảnh sát kiểm tra hệ thống tại Compton vào năm 2012, người dân không được thông báo. "Chính những hoạt động như vậy, chẳng hạn như bí mật theo dõi các sinh viên Hồi giáo vô tội vào đầu năm 2012, khiến người dân mất lòng tin vào cảnh sát", bà Jennifer Lynch, nhân viên cao cấp của Quỹ Electronic Frontier, cho biết.

Nhưng PSS khẳng định tuân thủ "chính sách bảo mật nghiêm ngặt", kiểm soát chặt chẽ các nhà phân tích. "Chúng tôi đưa ra các chính sách và công nghệ cho phép theo dõi những nơi mà tất cả các nhà phân tích của chúng tôi đã xem xét. Chúng tôi chỉ theo dõi những người có liên quan đến tội phạm", ông McNutt nói. Ở những nơi có đông người Mỹ gốc Phi như Compton, việc giám sát khiến căng thẳng gia tăng. "Làm sao chúng ta biết cảnh sát thực sự sử dụng thiết bị giám sát để làm gì?", bà Lynch hỏi. Và nếu mọi người cảm thấy đang bị theo dõi liên tục, họ sẽ hạn chế làm những điều mà họ không muốn người khác nhìn thấy hoặc nghe thấy.

"Sự giám sát cảnh sát có thể ngăn cản tự do ngôn luận. Bằng cách này, sau đó, quyền dân chủ của người dân bị vi phạm", bà Lynch nói. Tuy nhiên, ông McNutt cho rằng, PSS nỗ lực để giải quyết những mối quan tâm lớn hơn. "Chúng tôi xin ý kiến của Liên hiệp tự do Dân sự Mỹ và được chấp thuận. Họ không thích những gì chúng tôi đang làm, nhưng đánh giá cao thực tế mà chúng tôi đang tiếp cận", ông nói. 

Trên thực tế, PSS chính là một vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tội phạm, nhưng lực lượng cảnh sát Mỹ hiện không sử dụng chúng một cách thường xuyên.

An Bình
(Theo BBC)