Báo Công An Đà Nẵng

Tranh cãi gay gắt quanh vụ chỉnh sửa gen ở Trung Quốc

Thứ tư, 28/11/2018 08:58

Các quan chức và nhà khoa học Trung Quốc ngày 27-11 lên án tuyên bố của một nhà di truyền học về việc đã tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới.

Theo Reuters, nhà di truyền học trên là He Jiankui, đến từ Đại học Khoa học và kỹ thuật miền Nam (SUST) ở Thâm Quyến. Trong đoạn băng được công bố ngày 26-11, ông cho biết đã tạo ra được hai bé gái biến đổi gen đầu tiên trên thế giới vào hồi tuần trước. Ông nói, gen của cặp sinh đôi có tên Lulu và Nana đã được chỉnh sửa để có khả năng chống lây nhiễm virus HIV/AIDS. Ông He Jiankui còn cho biết đã điều chỉnh phôi cho 7 cặp vợ chồng nhưng chỉ 1 cặp thành công tới thời điểm hiện tại. Tất cả đàn ông trong thí nghiệm đều nhiễm HIV, trong khi phụ nữ thì không.

Tuyên bố này thật sự gây chấn động giới khoa học. Bởi nếu đúng như những gì ông He Jiankui nói, đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử của Trung Quốc trong công nghệ chỉnh sửa gen để ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, chính nó cũng gây ra nhiều tranh cãi gay gắt. Hầu hết các nhà khoa học lên án chương trình thí nghiệm này, cho rằng, nó vi phạm các chuẩn mực đạo đức.

Hơn 100 nhà khoa học đã cùng ký một bức thư ngỏ, cho rằng, việc sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để chỉnh sửa các gen của phôi người là nguy hiểm, không hợp lý và làm tổn hại đến danh tiếng và sự phát triển của cộng đồng y sinh tại Trung Quốc. “Hộp Pandora đã được mở ra. Chúng tôi vẫn có thể có một tia hy vọng để đóng nó trước khi quá muộn”, các nhà khoa học cho biết trong bức thư công bố hôm 27-11. Ông Yang Zhengang, một giáo sư Đại học Fudan, nói với Reuters rằng, ông đã ký vào bức thư vì việc chỉnh sửa gen “rất nguy hiểm”. Nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng chỉ trích gay gắt dự án thí nghiệm của ông He Jiankui và nghi ngờ tuyên bố của ông He Jiankui.

Dù việc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen được thực hiện ở một số nước để điều trị bệnh, nhưng việc tạo ra một em bé có gen đã chỉnh sửa lại là một thí nghiệm chưa từng có trước đây. Luật pháp Trung Quốc cấm nhân bản vô tính người, nhưng không quy định cụ thể về điều chỉnh gen. Điều chỉnh gen được xem là biện pháp tiềm năng chữa trị các loại bệnh có khả năng di truyền nhưng đây vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi dữ dội vì những thay đổi gen sẽ di truyền sang nhiều thế hệ và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến quỹ gen chung của nhân loại.

Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc ra lệnh lập tức điều tra về cuộc thí nghiệm của ông He Jiankui. Ông Xu Nanping, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nói với các phóng viên rằng, ông “rất sốc” khi nghe tuyên bố trên, nói thêm rằng, việc này đã bị cấm từ năm 2003. Trường Đại học SUST cho biết cũng đang vào cuộc và khẳng định không biết gì về dự án nghiên cứu của ông Hạ vì ông này đã nghỉ phép không lương kể từ hồi tháng 2.

TRÚC LINH