Báo Công An Đà Nẵng

Tranh cãi quanh đề thi môn Ngữ Văn ở Đà Nẵng

Thứ hai, 23/12/2019 14:29

Đề thi kiểm tra học kỳ I, năm học 2019-2020 môn Ngữ Văn dành cho học sinh (HS) lớp 12 do Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng ra, đề cập đến vấn đề "buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn vạn lần so với sự theo đuổi" và "từ bỏ cũng là một lựa chọn". Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi ra không phù hợp với lứa tuổi HS, mang tính tiêu cực. Lại có ý kiến cho cách đặt vấn đề của đề thi năm nay khá thú vị, phân loại được HS, tránh hiện tượng học tủ, học vẹt...   

Đề thi môn Ngữ Văn lớp 12 năm học 2019-2020 của Sở GD-ĐT  TP Đà Nẵng.

Đề thi lấy từ một trích đoạn từ tác phẩm của Cúc T. "Sống như bạn đang ở sân bay" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh). Đoạn trích có nội dung như sau: "Tôi được gia đình và trường học gieo vào đầu mình ý niệm về sự cố gắng theo đuổi, chinh phục, nhiều đến mức tôi tin rằng từ bỏ, hoặc dừng lại, là một điều gì đó rất tệ. Tôi nghĩ mình PHẢI luôn cố gắng, PHẢI luôn nỗ lực, PHẢI luôn gồng mình, và nếu tôi không đạt được một điều gì đó, thì hẳn là TẠl tôi, DO tôi đã chưa cố gắng đủ nhiều. Với niềm tin ấy, tôi đã cố gắng bằng hết sức mình để giành lấy những vị trí cao nhất trong trường học, trong những cuộc thi thố gần xa. Những năm tháng xuôi chèo mát mái trên ghế nhà trường càng khiến tôi ngây ngô tin rằng, chỉ cần bạn có một kế hoạch, chỉ cần bạn cố gắng, chẳng có việc gì là không thể. Nhưng tôi sớm vỡ mộng khi bước ra khỏi môi trường học thuật. Mấy bận bị dồn ép, phải đối mặt với những cảnh huống quá sức chịu đựng, tôi nhận ra buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn vạn lần so với sự theo đuổi, nhất là khi bạn phải buông bỏ những thứ mà xã hội cho rằng bạn cần níu giữ. Một công việc ổn định nhàn thân? Một cái nghề được nhiều người trọng vọng? Một lối sống nghiêm túc chừng mực? Một gia đình nề nếp con cái có đủ mẹ đủ cha? Tôi ước gì ba mẹ đã dạy tôi rằng "Từ bỏ cũng là một lựa chọn".

Trên cơ sở trích đoạn này, đề có 2 phần: Phần Đọc hiểu gồm 3 câu hỏi nhỏ (3 Đ) và phần Làm văn (7 điểm). Ở câu 3 nhỏ của phần Đọc hiểu, đề yêu cầu: "Anh/chị có đồng tình với quan điểm "buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn vạn lần so với sự theo đuổi"?. Và trong phần Làm văn, đề yêu cầu: "Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ về ý kiến: "Từ bỏ cũng là một lựa chọn". Khá nhiều ý kiến từ phụ huynh và người lớn cho rằng, với lứa tuổi HS phơi phới, căng tràn nhựa sống, chưa từng trải qua những biến cố và chưa đứng trước những sự lựa chọn của cuộc đời, các em sẽ khó lòng trình bày quan điểm, nhận định ở phần thi này. Hơn nữa, đây là lứa tuổi sắp sửa bước vào đời, việc ra đề thi như vậy liệu có gây "hiệu ứng ngược", "phản tác dụng giáo dục" không?

Một PH (đề nghị giấu tên) bày tỏ quan điểm: "Đề thi này rất dễ gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Gặp phải HS tinh nghịch hỏi ngược: "Em không thích học, vậy buông bỏ ngay từ bây giờ thì có được không?", thì người lớn chúng ta trả lời sao? Không lẽ, chúng ta khuyến khích con trẻ buông bỏ đừng cố gắng trong học tập, không cố gắng vươn lên trong cuộc sống? Phải dạy trẻ, hãy cố gắng thử hết sức mình cho mục tiêu, mục đích, ước mơ của mình chứ. Chỉ khi nào đã nỗ lực, cố gắng hết sức vẫn không được, lúc đó từ bỏ, buông bỏ sẽ không thấy hối hận. Chưa thử sức sao biết làm không được? Chưa leo lên ngựa đã đòi tháo yên là sao? Theo tôi đề thi không phù hợp với lứa tuổi học trò".

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến, không nên nhận xét quá nặng nề như vậy. Đồng thời cho rằng, cách đặt vấn đề mở của đề thi môn Ngữ Văn lớp 12 năm nay khá... thú vị! Cũng theo những ý kiến này, đã là HS năm cuối cấp THPT nên ít nhiều các em cũng có những hiểu biết, kiến thức về xã hội & cuộc sống nhất định. Với dạng văn nghị luận xã hội mở trên, các em có thể trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình, miễn sao lập luận chặt chẽ, logic, thuyết phục là được. Qua đấy giúp HS nâng cao khả năng phản biện, tránh hiện tượng học tủ, học vẹt. Không nhất thiết cứ phải va đập, phải trải nghiệm mới có thể trình bày quan điểm, nhận định trước ý kiến của một cá nhân (trích đoạn trên). Đây đơn thuần là một dạng văn nghị luận xã hội, không thể chỉ với một ngữ cảnh mà đề thi đưa ra sẽ gây "hiệu ứng ngược", "phản tác dụng giáo dục" đối với HS được! Nhận xét như thế là hơi áp đặt, nặng nề.

Mặt khác, đối với HS lớp 12 đang đứng trước ngưỡng cửa chọn lựa nghề nghiệp tương lai, đề thi này càng có ý nghĩa hơn: chọn nghề nghiệp mà mình yêu thích hay chọn theo ý thích cha mẹ? Tuy nhiên, nhiều người góp ý, cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn lớp 12 năm nay ra chưa được hợp lý khi không có phần nghị luận Văn học - một nội dung trọng tâm của chương trình Ngữ Văn lớp 12. Không phải chỉ có khen mới gọi là một đề Văn hay. Và một đề Văn gây nhiều tranh cãi không hẳn là một đề Văn dở. Tuy nhiên, từ những ý kiến trái chiều trên, thiển nghĩ, sẽ giúp bộ phận ra đề thi Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng hoàn thiện hơn trong đề thi Ngữ Văn ở những kỳ thi tiếp theo...

KHÁNH YÊN