Tranh gạo - nghệ thuật mang trọn hồn quê
Trong chuyến công tác Quảng Trị vừa rồi tôi có dịp đến cơ sở Kiều Trân ở 12 -Trần Phú, thị trấn Hải Lăng của chị Nguyễn Khoa Kiều (35 tuổi), được chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh gạo đẹp mê hồn. Chị Kiều tâm sự, trước lúc đến với môn nghệ thuật tranh gạo chị hoàn toàn xa lạ với nghề hội họa. Tuy nhiên, thời sinh viên, qua đọc tài liệu phát hiện có người làm tranh bằng gạo nên chị đã mày mò và làm nên những tác phẩm mang tinh thần "cây nhà lá vườn" để tặng những người bạn thân thương. Với chị lúc đó cũng chỉ làm để thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ không ngờ sau này đã bị lôi cuốn rồi đam mê với nghề này. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế nhưng chị rẽ ngang, năm 2014 chính thức bắt tay vào nghề làm tranh gạo. Chính vì sự kiên nhẫn, quyết tâm thực hiện niềm đam mê đó bằng trái tim đầy nhiệt huyết nên đến năm 2015 tác phẩm của chị đã được đưa ra thị trường.
Chị Kiều đang thực hiện tác phẩm tranh gạo. |
Trong 2 năm, hơn 500 bức tranh gạo của chị đã "thoát xác" tạm biệt vỏ kén đi khắp các vùng miền trong nước như Huế, Ðà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ, Ðà Lạt, Vinh, Hải Phòng, Hà Nội... rồi được đà "bước" đến các nước Australia, Nhật, Mỹ. Mỗi tác phẩm được đón nhận, chị cho hay nó như thay lời cảm ơn của mình về cuộc đời đã cho chị cơ hội để thể hiện khát vọng cháy bỏng của mình. "Lúc mới vào nghề tôi gặp nhiều khó khăn bởi chưa từng nhìn thấy tranh gạo mà chỉ nghe nên vừa làm vừa tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Để nâng cao tay nghề tôi đã phải đi tham quan học hỏi các cơ sở làm tranh đá quý, sơn dầu... ngoài tỉnh để mở mang tầm mắt rồi vận dụng những nguyên lý ấy vào làm tranh gạo...", chị Kiều cho biết.
Để có được nguyên liệu gạo cho những bức tranh, khâu quan trọng nhất đó là chọn lựa loại gạo thích hợp, đủ độ tuổi không già, không non, chắc. Gạo được ủ phèn chua từ 35 đến 45 độ trong vòng 1 tuần, sau đó đem rang. Quá trình rang sẽ quyết định ra các màu khác nhau tạo nên bức tranh đa sắc, trong đó có 8 màu chủ đạo như trắng sữa, vàng mơ, vàng nhạt, vàng óng, đà, đà nâu, đà đen, đen... Điều đặc biệt ở đây là màu hoàn toàn tự nhiên không hề sử dụng phẩm màu. Gạo rang xong phải chọn những hạt chắc, bóng, màu sắc phù hợp theo yêu cầu của bức tranh được tác giả vẽ theo chủ đề trước đó hoặc vẽ theo mẫu mà khách hàng yêu cầu. Theo chị Kiều, việc giữ nguyên màu gạo không nhuộm phẩm thể hiện nét đẹp chân quê mộc mạc, nhìn vào như một bức tranh cổ, tự nhiên, dân dã. Cũng chính vì điều này sẽ góp phần kéo dài tuổi thọ của bức tranh từ 20 đến 50 năm.
Một bức tranh gạo hoàn chỉnh. |
Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, từ hình vẽ phác thảo ban đầu, người thực hiện đổ keo dính xuống bức tranh, sau đó lấy nhíp nhỏ gắp từng hạt gạo, sắp xếp theo hình vẽ trên bức tranh. Công việc làm tranh gạo cần sự tỉ mẩn, kiên trì. Và điều đáng trân quý ở đây là bức tranh gạo chứa đựng tấm chân tình mà người làm đã gửi gắm vào đó như một sự tri ân sâu nặng với quê hương. Tranh gạo Kiều Trân đã làm hài lòng nhiều khách khó tính bằng sự mộc mạc, giản dị chất chứa hồn quê. Với các chủ đề phong phú như: thư pháp, phong thủy, phong cảnh, đặc biệt là tranh về đề tài quê hương Quảng Trị như Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Ðường 9-Khe Sanh, Thánh địa La Vang, Cửa Tùng, Cửa Việt..., tranh gạo Kiều Trân thực sự để lại dấu ấn trong lòng người thưởng thức. Hiện nay, mỗi bức tranh tùy thuộc vào kích cỡ có giá từ 200 ngàn đến 7-10 triệu đồng/bức. Nhiều khách hàng đánh giá, tranh gạo treo ở đâu cũng đẹp bởi nó luôn tạo sự ấm cúng cho không gian nội thất, cũng như thể hiện được tính cách giản dị, dễ mến, dễ gần của gia chủ.
Tranh gạo chính là nghệ thuật bước ra từ những cánh đồng lúa. Đó là sự tinh túy của đất trời kết tinh trong từng hạt gạo để dâng cho đời những tác phẩm ý nhị, tuyệt vời.
TRANG TRẦN