Tranh gốm nghệ thuật trên tuyến bãi biển Mỹ Khê
(Cadn.com.vn) - Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương thực hiện Đề án "Trang trí bờ kè biển bằng tranh gốm nghệ thuật" trên tuyến bãi biển Mỹ Khê và giao cho Tạp chí Đô thị và Phát triển làm chủ đầu tư. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Cửu Loan, Chủ nhiệm tạp chí Chuyên đề Đô thị & Phát triển, Trưởng ban dự án về việc thực hiện dự án trong thời gian tới.
Thực trạng bờ kè hiện nay. |
P.V: Ông có thể giới thiệu một số nét về Đề án "Trang trí bờ kè biển bằng tranh gốm nghệ thuật" trên tuyến bãi biển Mỹ Khê?
Ông Nguyễn Cửu Loan: Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh quan đẹp, Đà Nẵng còn là một thành phố theo nhận định của nhiều du khách đến từ khắp nơi là thành phố đáng sống bởi sự trong lành và yên bình. Từng liên tục giữ thứ hạng cao nhất nước về tốc độ phát triển kinh tế, Đà Nẵng vẫn duy trì tốt an ninh trật tự và rất hiếm khi xảy ra tình trạng kẹt xe... Đó là lý do du khách hoàn toàn thoải mái và yên tâm khi đi dạo thành phố. Hiện nay, thành phố đang đưa vào các hoạt động giải trí vào du lịch như: trải nghiệm cảm giác đêm Đà Nẵng trên phố du lịch Bạch Đằng, thưởng thức các chương trình nghệ thuật truyền thống, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí sau 24 giờ. Vì vậy, ý tưởng trang trí toàn bộ bờ kè biển bằng tranh gốm phù điêu chế tác nổi ra đời nhằm tạo thêm điểm nhấn cho hình ảnh du lịch thành phố, tạo điều kiện quảng bá văn hóa con người và hình thành điểm tham quan độc đáo trên bãi biển Đà Nẵng.
Ông có thể tiết lộ sơ lược về nội dung những hình ảnh thể hiện trên các bức tranh liền mạch suốt chiều dài 1.300m của đề án và những họa sĩ nào sẽ tham gia thể hiện đề án trên?
Về nội dung những hình ảnh được thể hiện trên các bức tranh liền mạch suốt chiều dài 1.300m sẽ được tái tạo như: Văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng xưa và nay; Ngư nghiệp truyền thống của Đà Nẵng, làng chài, tàu cá...; các địa danh-danh thắng Đà Nẵng từ xưa đến nay; hình ảnh con người và cuộc sống dưới góc nhìn trẻ em và cuối cùng là tầm nhìn phát triển thành phố tương lai. Mỗi bức tranh cao từ 1,8 - 2m và dài từ 5 - 10m. Trước mắt, chúng tôi có nhã ý mời họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng làm cố vấn, phần sáng tác do hầu hết anh em kiến trúc sư thể hiện và tranh trẻ em qua phát động cuộc thi, cuối cùng là những chế tác của các họa sĩ, thiết kế của Công ty Gốm sứ Mỹ nghệ Sông Hoài.
Đề án góp ý nghĩa ra sao đối với cảnh quan bãi biển Đà Nẵng?
Với ý tưởng xã hội hóa cùng chung tay góp sức xây dựng Đà Nẵng-thành phố an bình, khi dự án được hoàn tất đưa vào hoạt động sẽ làm trong sạch môi trường cảnh quan bãi biển, tạo ý thức tôn tạo với nếp sống văn minh trong đô thị, kích thích phát triển dịch vụ thương mại, du lịch góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách, phát huy tính sáng tạo của cộng đồng, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống địa phương, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống...
Trước khi thực hiện đề án "Trang trí bờ kè biển bằng tranh gốm nghệ thuật" tại biển Mỹ Khê, ông nghĩ Đà Nẵng có rút được kinh nghiệm gì từ việc thực hiện và quản lý "con đường gốm" tại Hà Nội?
Trang trí bờ kè biển bằng tranh gốm nghệ thuật không phải xa lạ gì, các nước trên thế giới họ đã làm từ lâu rồi, chẳng qua cách làm hay cách quản lý là thể hiện từ vai trò của tổ chức hay cá nhân và ý thức cộng đồng thôi. Chúng tôi không học tập kinh nghiệm từ nơi khác, bởi dự án này được đưa ra theo ý tưởng và cách đặt ra vấn đề quản lý cũng theo ý tưởng, nghĩa là phải bảo đảm duy tu bảo dưỡng đúng với vai trò trách nhiệm khi xã hội đã tin tưởng đóng góp tài chính giao mình quản lý thực hiện. Để nói lại cho rõ, trong quy kết và thực thi của đề án thì toàn bộ tranh gốm phù điêu đắp nổi trên tuyến kè bãi biển Mỹ Khê đều có niên độ tồn tại trong 3 năm, sau đó sẽ thay đổi mới. Trong 3 năm đó luôn có đội ngũ chăm sóc bảo vệ, trừ trường hợp sự cố thiên tai và sau 3 năm chúng tôi sẽ giao lại thành phố quản lý để tiếp tục khai thác làm mới lạ hơn.
Trần Trung Sáng
(thực hiện)