Báo Công An Đà Nẵng

Tranh luận về BOT

Thứ ba, 05/06/2018 08:13

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đã đặt vấn đề về việc cử tri phản ánh hằng năm phải đóng phí giao thông đường bộ, phí này để duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường cũ nhưng đường cũ xuống cấp không đi được, đi đường nào người dân cũng phải trả phí, phí chồng lên phí.

Phương tiện đang di chuyển qua một trạm thu phí BOT.

Lý giải về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, doanh nghiệp bỏ tiền ra kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ hưởng những chính sách theo quy định của Nhà nước, việc thu phí của các doanh nghiệp BOT là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Khi người dân nộp phí giao thông đường bộ, Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ có trách nhiệm đảm bảo giao thông cho toàn bộ hệ thống mạng đường quốc gia cũng như đường địa phương. Còn riêng những dự án BOT, nhà đầu tư kinh doanh và có trách nhiệm trong thời gian khai thác dự án này phải tổ chức duy tu, sửa chữa, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.

“Chúng tôi cũng có những văn bản chỉ đạo, nếu những dự án BOT không đảm bảo chất lượng tốt thì chúng tôi sẽ dừng không cho thu phí và trách nhiệm đó thuộc về các nhà đầu tư BOT, để thấy rằng nhà đầu tư BOT kinh doanh trong quy định của Đảng và Nhà nước nhưng cũng phải có trách nhiệm bảo dưỡng, bảo trì như chúng ta nộp phí”, Bộ trưởng cho hay.

Quan tâm đến việc công khai thu phí BOT, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi “Bộ trưởng cho hay chưa công khai được thu phí BOT bởi vì đang đợi quyết toán. Vậy xin hỏi Bộ trưởng tại sao chưa quyết toán, chưa biết tổng mức đầu tư thì dựa vào cơ sở nào để xác định mức thu phí BOT và thời gian thu phí BOT trong khi việc thu phí này đã và đang được triển khai, như vậy có phải là đang áng chừng mức thu phí hay không. Bộ trưởng có trả lời việc quyết toán này phải dựa vào địa phương, vậy xin Bộ trưởng cho cử tri biết khi nào việc quyết toán này sẽ hoàn tất?

Tư lệnh ngành Giao thông - Vận tải cho biết, đến thời điểm này, đã quyết toán cả 58 dự án BOT đang thu phí. Trong đó có 10 dự án quyết toán đồng bộ, 39 dự án còn lại quyết toán gần như toàn bộ, chỉ có 9 dự án tiếp thu được một phần. “Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để công khai, minh bạch chi phí đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Với 62 dự án liên quan đến địa phương, 49 hồ sơ quyết toán giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Giao thông - Vận tải cùng với các địa phương tích cực kiểm tra, giám sát để quyết toán giải phóng mặt bằng. Bộ cố gắng quyết toán giải phóng mặt bằng một cách nhanh nhất để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Hiện nay, trên website của Bộ, cả 88 dự án BOT đều đã có những thông số đầy đủ, Bộ cũng làm việc với nhà đầu tư để công khai số liệu đầu tư BOT.

“Chúng tôi xem việc công khai, minh bạch là yếu tố quan trọng nhất”, Bộ trưởng khẳng định.

Giải thích về việc quyết toán chưa xong mà vẫn tiến hành nghiệm thu, thu phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian thu phí một dự án thấp nhất là 15 năm, cao nhất là hơn 20 năm và đều đã được đầu tư, nghiệm thu, chỉ có quyết toán chưa xong. Do đó, toàn bộ quyết toán của nhà đầu tư đã trình lên có thể không chính xác 100%, nhưng đa phần là đã đầu tư toàn bộ. Không thể dừng không cho thu phí, bởi nếu dừng sẽ phát sinh lãi đầu tư.

“Các dự án vẫn nằm trong thời gian thu phí mười mấy năm, do đó chúng tôi minh bạch để nhà đầu tư thu phí, nhưng phải quyết toán một cách nhanh chóng nhất để bảo đảm tính công khai, minh bạch”, Bộ trưởng nói. Chưa hài lòng, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương tranh luận, “vấn đề bức xúc của người dân là mong muốn công khai việc thu phí của người dân từ trước tới nay là bao nhiêu. Mỗi ngày, trạm thu phí đó thu phí của người dân bao nhiêu trên bảng công khai điện tử tại trạm thu phí. Việc này có khó khăn gì không, vướng gì không? Mong Bộ trưởng trả lời mong muốn chính đáng này của người dân, sắp tới Bộ trưởng có chỉ đạo việc công khai này không?”.

Tiếp tục trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc công khai thu phí hoàn toàn nằm trong tầm tay. Chúng tôi mong muốn cuối năm nay sẽ trang bị cho tất cả các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để người dân có thể giám sát một cách chặt chẽ. Trước mắt trên website của Bộ, người dân có thể truy cập để xem cụ thể về tình hình các trạm BOT trên địa bàn. “Khi liên kết với hệ thống thu phí tự động, toàn bộ các dữ liệu công khai, minh bạch, rõ ràng”, Bộ trưởng khẳng định.

P.V