Báo Công An Đà Nẵng

Tranh nghệ thuật về Tết Trung thu

Thứ ba, 13/09/2016 09:46

(Cadn.com.vn) - Trong những sinh hoạt Lễ hội Việt Nam, Tết Trung thu là một trong những ngày hội ngắn ngủi nhưng rộn ràng hương vị, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam. Có lẽ chính vì vậy, nên đề tài Tết Trung thu đã được nhiều họa sĩ đương đại thể hiện qua không ít các tác phẩm rất ấn tượng và độc đáo. Đáng kể nhất, có thể nhắc đến chuỗi đề tài “Vui Tết Trung thu” của họa sĩ Bùi Xuân Phái (1929-1988), được ông vẽ vào khoảng những năm 1965 đến 1970, mặc dù giai đoạn đó chiến tranh ác liệt nhất. Tranh Tết Trung thu của Bùi Xuân Phái được thể hiện khác rất nhiều so với khi ông vẽ về phố. Nếu phố trong tranh của ông thâm trầm, bám sát thực tế đến tiết giảm chi tiết thì trong tranh Tết Trung thu, ông để mặc cảm xúc làm chủ, chạy theo sự ngây thơ, hồn nhiên. Phần lớn những nhân vật trẻ con trong tranh ông luôn ngộ nghĩnh, ngửa cổ ra sau, chừng  để ngóng theo ánh sáng kỳ ảo được phát ra từ chiếc đèn ông sao. Nơi ấy, nghệ thuật Bùi Xuân Phái mang đầy ắp tình thương, trong trẻo đã gột rửa những nhọc nhằn, nghèo khó, đem tình yêu tha thiết an ủi từ những con người bình dân, đến những em nhỏ xa mẹ để đi sơ tán trong thời chiến.

Theo tài liệu kể lại từ gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái, sở dĩ những bức tranh bột màu tươi tắn và rực rỡ màu sắc ra đời trong khoảng thời gian này là bởi gia đình họa sĩ có sự chia cắt. 5 đứa con của ông ở độ tuổi dưới 10 phải xa bố mẹ để về quê nội ở Vân Canh-Hoài Đức sơ tán, còn ông bà Phái vẫn ở nhà số 87 phố Thuốc Bắc. Giữa cuộc chiến, đời sống không mấy dư dả nhưng những lần về nông thôn thăm con, bầu không khí đón Tết Trung thu rộn ràng, đầm ấm đã truyền cảm hứng cho người nghệ sĩ. Dưới ánh trăng thu, người lớn ngồi với nhau uống trà, thưởng rượu, ngắm trăng, làm thơ. Trẻ em được vui chơi thỏa thích, được hòa mình vào thế giới đồ chơi kỳ thú cùng mâm cỗ đêm rằm. Trong đêm Trung thu, mọi người chờ trăng lên rồi hô phá cỗ, tụi trẻ hò la vui vẻ chia nhau chiếc bánh nướng, bánh dẻo, cùng các loại hoa trái...

Với vài cây cọ và một ít màu còn sót lại khi đã hoàn thành tác phẩm chính, ông đã hoàn thành chuỗi tranh “Vui Tết Trung thu” như vậy. Trong cuốn nhật ký của mình, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã từng viết “Cứ vẽ như một người không biết vẽ”. Do đó, ở những bức tranh Trung thu, Bùi Xuân Phái thể hiện có nhiều nét tựa như những bức tranh vẽ của con trẻ. Thú vị hơn cả là, có bức tranh ông vẽ 5 đứa trẻ thì con ông khi xem tranh đều nhận ra gương mặt và tính cách của từng đứa.  Đáng tiếc, cho tới hiện nay, những bức tranh Bùi Xuân Phái vẽ về Trung thu đã không còn nằm trong bộ sưu tập gia đình cố họa sĩ. Những hình ảnh còn sót lại được chụp từ các cuốn sách hội họa tuy hình ảnh không còn sắc nét, đẹp như tranh thật nhưng cũng đủ để người xem hiểu được tinh thần trong tranh Phái-tinh thần yêu cái đẹp, hướng tới tính nhân văn.

Tết Trung Thu trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994) vốn xuất thân từ một gia đình nghèo. Thời thơ ấu,  cha làm thư kí cho bưu điện Kiến An, mẹ làm con giống bằng bột và đồ chơi giấy Trung thu để kiếm tiền nuôi các con. Chính vì vậy, trong số những tác phẩm của ông để lại, ngoài bức tranh “Em Thúy” nổi tiếng, ông cũng thường vẽ về đề tài thiếu nhi nói chung và Trung thu nói riêng.  Họa sĩ Mai Trung Thứ (1906- 1980), người được coi là họa sĩ góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú về màu sắc của chất liệu tranh lụa Việt Nam đương thời. Tuy nhiên, đề tài yêu thích của ông là về phụ nữ, trẻ em và cuộc sống hàng ngày với cái nhìn mang đầy màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam. Chủ đề Trẻ em của Mai Thứ triển lãm vào năm 1964, gồm những bức tranh về các em bé sinh hoạt trong các ngày lễ hội Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Các nhà chuyên môn nhận định: “Hình ảnh các em bé đó trên tranh Mai Thứ có rất nhiều nhưng không dễ dãi. Tác phẩm thể hiện trên nền lụa một phong cách hội họa khác biệt, không ồn ào, vội vã, đường nét từ tốn, vờn khối nhẹ nhàng, ấm áp, hương vị Châu Á. Đó là những nét tinh tế, dù vẽ trên lụa nhưng Mai Thứ tránh độ nhòe mờ của hội họa Trung Hoa mà rất chú trọng đến nét vẽ. Sự phô diễn những nét thanh mảnh kỹ càng, tỉ mỉ đã tạo một phong cách riêng, rất khó lẫn với người khác, làm nên danh tiếng của ông những năm ở Pháp”.

Những năm gần đây, cứ mỗi dịp Tết Trung thu, nhiều họa sĩ trẻ cũng cho ra mắt nhiều tác phẩm thú vị dành cho thế giới tuổi thơ. Riêng Tết Trung thu 2016, tại Hà Nội ở Laca Café, 24 – 26 Lý Quốc Sư,  diễn ra triển lãm có tên “Mặt nạ” trưng bày gồm 14 mặt nạ và 20 tranh chân dung của nhóm họa sĩ G39 gồm: Tào Linh, Nguyễn Hồng Phương, Lê Thiết Cương, Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Ngô Thị Bình Nhi, Trần Gia Tùng... Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, vẽ “mặt nạ” cũng là “vẽ” mặt thật, vẽ chân dung cũng là “tự họa” mình. Triển lãm tạo một sân chơi để trẻ em được chọn một món đồ chơi truyền thống là mặt nạ giấy bồi cho ngày vui Trung thu của mình.

Trần Trung Sáng