Báo Công An Đà Nẵng

Tranh Tết Bùi Xuân Phái

Thứ tư, 27/01/2016 09:55

(Cadn.com.vn) - Mỗi năm vào dịp Tết, hẳn chúng ta khó ai quên được bức tranh Ông đồ của Bùi Xuân Phái lấy ý tưởng từ bài thơ Ông đồ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên. Bởi bức tranh này không chỉ mang tính thẩm mỹ, tình tự dân tộc độc đáo, mà còn là tác phẩm đánh dấu sự khởi đầu dòng tranh Tết của danh họa Bùi Xuân Phái.

Năm Thân, Bùi Xuân Phái vẽ ông Lưu dắt khỉ.

Khởi đầu dòng tranh Tết

Mùa xuân năm 1957, sau khi hoàn thành bức tranh Ông đồ, họa sĩ Bùi Xuân Phái đem tặng người bạn thân của mình là nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Tình cờ, nhà thơ Vũ Đình Liên có dịp đến chơi nhà ông Lưu, nhìn thấy bức tranh, thích quá, ông Liên thúc giục ông Lưu giới thiệu làm quen với họa sĩ Phái. Và rồi, nhà thơ Vũ Đình Liên tiếp tục gây cảm hứng cho họa sĩ bằng cách làm thêm ba bài thơ nữa đặt tên là Ông đồ 1, 2, 3 mang đến cho ông Phái vẽ. Từ đó, mỗi năm, vào dịp Tết, Bùi Xuân Phái lại vẽ một bức về ông đồ theo trạng thái từng năm: Ông đồ đắt hàng, Ông đồ ế hàng, Ông đồ say... Đến bài thơ Ông đồ thứ 4 thì họa sĩ không biết phải vẽ thế nào, nên quyết định chấm dứt việc vẽ tranh ông đồ và chuyển sang vẽ cành đào. Riêng về việc tặng tranh cho thân hữu, tuy giao du rất nhiều, nhưng nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu lại được Bùi Xuân Phái ưu ái hơn cả.

Mỗi năm, ông Lưu được họa sĩ vẽ cho hẳn một tấm tranh chân dung khổ lớn. Bộ tranh Tết vẽ cho nhà nhiếp ảnh này mang chất hoạt kê, vui nhộn: nếu là năm Ngọ, họa sĩ vẽ ông Lưu dắt ngựa, năm Sửu thì vẽ ông Lưu cưỡi trâu, năm Mùi vẽ ông Lưu ôm con dê, năm Thân thì vẽ ông Lưu dắt khỉ... Nhà sưu tập Gérard Chapuis (người Pháp gốc Việt), đang sở hữu trong tay nhiều bức tranh Bùi Xuân Phái, trong đó có bức chân dung Trần Văn Lưu cho biết: “Cảm kích tình bạn của Bùi Xuân Phái, về sau trước khi qua đời (Xuân 2003), ông Lưu yêu cầu gia đình in bức chân dung mình do họa sĩ Phái vẽ gắn trên bia mộ”.

Thiếp Chúc mừng năm mới Xuân Mậu Ngọ.

Thiệp chúc mừng năm mới

Những tấm thiệp chúc mừng năm mới của họa sĩ Bùi Xuân Phái xuất hiện nhiều kể từ sau ngày đất nước thống nhất 1975, phần lớn để tặng một số bạn bè, thân hữu  ở miền Nam sau nhiều năm cách biệt, hoặc từ miền Bắc về Nam sau thời gian tập kết. Về sau, trong số những bức thiệp đó, thiệp vẽ con mèo năm Đinh Mão, trên kệ đấu giá quốc tế đã được bán với giá 6.000 USD, dù kích thước của nó chỉ nhỏ bằng chiếc bì thư. Đây cũng  là mức giá cao nhất từ một tấm thiệp vẽ tay của Bùi Xuân Phái. Chính vì vậy, có một thời, ở Hà Nội rộ lên việc săn lùng những tấm thiệp vẽ tay của danh họa Bùi Xuân Phái được người nước ngoài tìm mua với giá cao bất ngờ. Trong 12 con giáp, thông thường, cứ năm con gì thì họa sĩ  Bùi Xuân Phái vẽ con đó, ngoại trừ những con vật ông không thích như chó, chuột, rắn (những năm đó, ông thay thế bằng tranh thiếu nữ hoặc tĩnh vật). Tổng cộng, Bùi Xuân Phái vẽ thiệp Tết tròn một con giáp. Năm nhiều nhất, ông vẽ khoảng 20 tấm thiệp. Đáng chú ý, có 2 con giáp được ông yêu chuộng, vẽ nhiều hơn cả đó là con mèo và con ngựa. Đặc biệt, con ngựa đã đi vào nhiều tác phẩm quan trọng của Bùi Xuân Phái.

Cái Tết cuối cùng của danh họa Bùi Xuân Phái là mùa xuân năm 1988. Theo lời kể của anh Bùi Thanh Phương, con trai danh họa, mấy năm cuối đời, nhờ kinh tế gia đình đã khá giả, họa sĩ Bùi Xuân Phái thường bảo vợ làm bữa cơm vào mồng 4 Tết để mời bạn bè. Ăn xong, họ bắc ghế ra sân ngồi, vẽ chân dung lẫn nhau. Tết năm 1987, họa sĩ Bùi Xuân Phái có được 4 bức chân dung dưới nét cọ của bạn. Cũng theo ông Phương, vài ngày trước khi Bùi Xuân Phái mất, khi hỏi ông về những người bạn mà ông quý mến nhất, Bùi Xuân Phái đã bối rối một lúc rồi kể tên 4 người bạn mà theo ông là những người có tình và là những người bạn tâm giao trong cả những thời kỳ ngặt nghèo, khốn khó nhất, đó: là nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu, ông Lê Chính (trình bày báo Văn nghệ), họa sĩ Nguyễn Trọng Niết và nhà sưu tầm Nguyễn Bá Đạm.

Trần Trung Sáng

Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, vẽ tranh Tết với họa sĩ Bùi Xuân Phái không dừng lại ở những tấm thiệp đơn sơ mà còn là những kỷ niệm của một thời gian khó khi đất nước còn chìm trong lửa đạn. Đặc biệt, dịp Tết năm 1970, Hội Mỹ thuật Việt Nam tìm cách cải thiện đời sống cho anh em sáng tác bằng cách, mỗi họa sĩ sẽ có thêm một khoản tiền tiêu Tết khi nhận tranh dân gian về tô. Ông Phái cũng được nhận hàng nghìn bức tranh khắc dân gian chở về nhà giao cho 2 con cùng phụ việc. Tết năm ấy, trên mâm cơm nhà ông Phái đã có thêm nhiều món ăn thịnh soạn.

Từ những tấm thiệp chúc mừng năm mới, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ những tấm thiệp cưới cho con trai của ông. Có đến 50 chiếc thiệp cưới do chính tay họa sĩ vẽ, không bức nào giống bức nào được phát cho họ hàng nội ngoại và bạn bè thân thiết của 2 gia đình. Cho đến nay, nhiều tấm thiệp cưới vẫn được mọi người lưu giữ như một kỷ vật vô giá. Và có một tấm thiệp cưới ngày ấy ban đầu chỉ có giá từ 100 đến 200 USD, nhưng ở vào thời điểm hiện tại, được một người nước ngoài mua với giá 4.700 USD.