Báo Công An Đà Nẵng

Trao yêu thương, nhận nụ cười

Thứ ba, 03/11/2020 21:16

Đêm tối om, mưa gió mịt mờ, tôi gọi điện cho Đặng Ngọc Tiến - nhóm trưởng SOS Đà Nẵng giả vờ bảo rất cần đến sự giúp đỡ của anh em trong nhóm bởi xe máy đang bị hư hỏng tại một con đường vắng tanh hiu hắt giữa khuya khoắt. Chàng trai trẻ sinh năm 1993 này bảo rất tiếc anh em trong nhóm bây giờ không ai có mặt tại Đà Nẵng mà từ sáng hôm qua đã ra Thừa Thiên Huế cứu trợ cho bà con bị bão lụt. Tiến còn dặn tôi cố gắng liên lạc với người thân, bè bạn để đưa xe về nhà và nếu cần thì vài ngày nữa anh em quay về sửa giúp xe. Tôi thật sự xúc động với những lời khuyên chân thành ấy.

SOS Đà Nẵng chuẩn bị lên đường cứu trợ.

Ít hôm sau, tôi qua số nhà 29/2-Hồ Xuân Hương, P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, nơi nhóm SOS Đà Nẵng tạm thời làm “trụ sở” để gặp anh em trong nhóm. Thì ra sau cơn bão số 8, cả nhóm đã vận chuyển 450 suất quà và 30 phần quà bằng tiền mặt ra giúp bà con của 4 thôn là Hiền Vân 1, Hiền Vân 2, Hiền Hòa 1, Hiền Hòa 2, xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc và khối An Bình, P. Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương bị bão lũ tàn phá nặng nề. Thấy mọi người trong nhóm đang tất bật phân chia các gói hàng hóa thiết yếu như mì gói, nước mắm, dầu ăn, nước đóng chai, sữa, quần áo… tôi hỏi mới biết ngày 1-11 chuyển 200 suất quà trợ giúp cho bà con các huyện Trà Bồng, Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị thiệt hại cơn bão số 9 vừa qua…

Qua chuyện trò, Đặng Ngọc Tiến bộc bạch những lý do về sự ra đời của nhóm “ SOS Đà Nẵng”. Anh kể rằng trước đây mình đã từng chạy xe máy vượt đèo Hải Vân để ra Huế ngay trong đêm vì có công việc cấp bách. Trong lúc xe đang leo lưng chừng đèo thì bị nổ lốp. Đêm khuya giữa đèo cao, núi thẳm trập trùng, thỉnh thoảng chỉ có ánh đèn pha xe ô-tô phóng qua phá tan không gian tĩnh lặng rồi rừng núi lại chìm trong im ắng. Không một bóng người qua lại, càng không biết kêu ai thay lốp, vá xe để tiếp tục cuộc hành trình và cuối cùng phải chờ đợi cho trời sáng trong nỗi cô đơn, sợ hãi. Từ vụ rủi ro của mình trong đêm vắng đó, Tiến lại nghĩ những người khác gặp nạn như mình, chắc họ sẽ cần sự giúp đỡ nhiều lắm. Sau khi bàn bạc, thống nhất với đám bạn bè, ngày 24-4-2019, nhóm thiện nguyện SOS Đà Nẵng gồm 8 thành viên ra đời.

SOS Đà Nẵng sửa xe cho người dân giữa đêm mưa gió.

Thời gian đầu nhóm lấy nhà của một thành viên gần chân đèo Hải Vân, P. Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu làm “văn phòng”, thông báo tên nhóm, số điện thoại và sẵn sàng giúp đỡ mọi người bị hỏng xe máy trên đèo Hải Vân trên facebook cá nhân. Nhiều lần xuất quân lên đèo khi có người nhờ hỗ trợ ngay trong đêm và thấy địa điểm anh em tập trung không thuận lợi nên phải tìm thuê một ngôi nhà ở gần QL1A, song mỗi tháng phải chi trả 5 triệu đồng trong khi không có nguồn thu nên chỉ thuê được vài tháng. Không có “trụ sở” đóng chân nên anh em đành phải hẹn nhau cứ mỗi tối hàng đêm đều tập trung về Công viên Thanh Niên, P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ để chờ các cuộc điện thoại và lúc này không chỉ giúp đỡ người bị hỏng xe máy quanh quẩn trên đèo Hải Vân mà tất cả mọi tuyến đường toàn thành phố.

Biết được “hoàn cảnh” của nhóm SOS Đà Nẵng, anh Hoàng, một người dân ở P. Mỹ An đã cho anh em của nhóm mượn một nhà kho tại số 29/2 - Hồ Xuân Hương làm “trụ sở” từ tháng 9-2020 đến nay. Được biết, anh em trong nhóm đều thế hệ 9X, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có chung một tấm lòng giúp đỡ mọi người bị rủi ro tai nạn hoặc hư hỏng xe máy trong đêm. Hàng ngày chỉ có 2 thành viên sửa chữa xe máy tại “trụ sở”, số còn lại mỗi người mỗi nghề để kiếm sống và đúng 19 giờ đều tập trung rồi lên đường bằng những chiếc xe máy của mình bởi mỗi đêm thường có ít nhất 20 cuộc gọi nhờ giúp sức. Hơn 18 tháng kể từ ngày lập nhóm đến nay, ước tính có 4.500-5.000 trường hợp gọi tới nhóm SOS Đà Nẵng nhờ sửa chữa, vá xe, đưa người bị thương đi cấp cứu giữa đêm vắng.

THÁI MỸ