Trẻ con "vào hè", người lớn căng thẳng
Mới đầu kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn vì phải "binh" đủ đường để vừa chăm lo con cái vừa đi làm. Tại Đà Nẵng, không ít người muốn con mình có mùa hè bớt áp lực sách vở, trường lớp nhưng vẫn buộc phải đi săn nơi gửi con, đưa đón theo lịch làm việc, thậm chí cho con vào các trung tâm mở theo thời vụ dù vẫn biết là chất lượng không như quảng cáo.
Ngay sau khi nghỉ hè ở trường, học sinh bước vào "học kỳ 3" tại Cung thiếu nhi Đà Nẵng. |
Nhịp sống đảo lộn
Thời gian chật vật nhất đối với các gia đình vợ chồng trẻ có con nhỏ sống xa quê, không có hai bên nội ngoại chính là tuần đầu tiên của kỳ nghỉ hè. Đây là thời điểm mà học sinh tiểu học bắt đầu kỳ nghỉ kéo dài 3 tháng, còn các trường mầm non cũng có khoảng một tuần nghỉ chuyển tiếp khối. Những ai may mắn có nội ngoại sống cùng nhà hoặc đủ điều kiện thuê người giúp việc cũng đã thấy "rối", còn sống xa quê không có người thân thì chỉ còn lựa chọn là vợ hoặc chồng phải xin nghỉ phép. Anh Lê Văn Khai (quê Quảng Nam, trú tại P. Nam Dương, Q. Hải Châu) cho biết, trước khi nghỉ hè, vợ chồng anh nhờ bà nội từ Duy Xuyên (Quảng Nam) ra trông cháu giúp một tuần nhưng vì báo trễ nên bà đã nhận lời chăm con cho đứa em khác cũng đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Cực chẳng đã, vợ anh Khai phải làm đơn xin phép nghỉ việc không lương mười ngày để sắp xếp công việc cho cả mùa hè. "Vợ ở nhà trông con, tôi phải vừa tranh thủ đi làm vừa tìm nơi để có thể gửi chúng cho những ngày sắp tới. Đứa nhỏ học mầm non thì sẽ đi học lại nhưng đứa lớn thì lớp một lên lớp hai, chẳng lẽ nhốt nó cả ngày trong nhà", anh Khai căng thẳng. Lùng sục suốt gần 10 ngày, qua nhiều nơi, cuối cùng anh phải chọn một trung tâm nhận dạy bán trú cho các em trong độ tuổi tiểu học ngay trên đường đi làm để tiện bề đưa đón. "Bình thường đó là trung tâm tiếng Anh, nhưng nắm bắt được nhu cầu phụ huynh nên vào mùa hè họ hợp đồng với giáo viên bên ngoài để vừa dạy văn hóa kèm một vài môn kỹ năng. Không thực sự hài lòng nhưng cũng chẳng còn cách nào khác", anh Khai nói.
Chung cảnh ngộ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông (trú P. An Khê, Q. Thanh Khê) thậm chí còn căng thẳng hơn. Trong khi đứa con nhỏ nghỉ vài ngày để chuyển lớp mầm non thì đứa lớn nghỉ nguyên 3 tháng trước khi vào lớp một. Công việc anh thì phải đi thường xuyên trong khi vợ lại công tác ở một bệnh viện nên những ngày bình thường sáng chở con ra khỏi nhà đến chiều tối tan ca mới đón con về. Những ngày con vừa nghỉ hè, có thời điểm chị Loan vợ anh phải đưa con lên bệnh viện theo ca trực của mình. Không có người trông giữ đã đành, hai vợ chồng còn thêm mối lo lắng là làm sao để đứa lớn được trang bị những kiến thức cơ bản về đọc viết trước khi vào năm học mới. Anh Đông cũng dành thời gian đi tìm hiểu các lớp "dự thính" tập đọc, tập viết do các giáo viên tiểu học mở vào dịp hè để cho con làm quen, nhưng nhìn thấy phòng học chật chội, học sinh lại quá nhiều nên từ bỏ ý định. Cuối cùng anh phải chọn cho con theo học tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng với việc kết hợp học văn hóa và kỹ năng. "Sau mấy ngày nghỉ, giờ mở mắt ra vợ chở đứa nhỏ đi nhà trẻ rồi đi làm, chồng chở đứa lớn đi một hướng khác. Đến chiều công việc đang dở dang lại phải đi đón vì họ cho trẻ nghỉ sớm. Nhiều hôm cả ngày bếp nguội tanh vì gia đình phải đi ăn ngoài quán, chẳng có thời gian mà nấu nướng nữa", anh Đông tâm sự.
Cân nhắc với cơ sở bán trú "dã chiến"
Để "ứng phó" với kỳ nghỉ hè kéo dài khi không có người nhà chăm sóc con cái, phụ huynh thường lựa chọn gửi con về quê, săn các lớp học do giáo viên tổ chức tại nhà, tới các cơ sở bán trú thành lập theo mùa vụ. Nếu có mức sống trung bình hoặc khá, các gia đình sẽ đăng ký cho con vào Cung thiếu nhi để vừa học văn hóa vừa lựa chọn các môn học năng khiếu. Ông Nguyễn Nhẫn - Giám đốc Cung thiếu nhi Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm hiện tại đơn vị đã tiếp nhận 600 em đăng ký học năng khiếu bán trú và gần 1.500 em học năng khiếu thường xuyên. "Càng ngày nhu cầu gửi con em trong dịp hè càng lớn. Song song với dạy văn hóa, Cung thiếu nhi có tới 28 bộ môn năng khiếu trên các lĩnh vực thẩm mỹ - nghệ thuật, thể dục thể thao, ngoại ngữ - kỹ năng sống. Nếu chọn hình thức bán trú thì học phí ở mức khoảng 3 triệu đồng/tháng, các em được lựa chọn nhiều môn kỹ năng nên phụ huynh cũng rất yên tâm gửi con", ông Nhẫn cho hay.
Vì điều kiện đưa đón, một số phụ huynh phải chọn cho con học tại các cơ sở bán trú thành lập để "chữa cháy" trong dịp hè với mức học phí khoảng 3 triệu đồng/tháng. Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết đây là những trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em, hoặc các lớp học đàn, học múa được cải tạo kiểu "dã chiến" và quảng bá trên mạng xã hội hoặc tự tìm phụ huynh để chiêu sinh trong 3 tháng hè. Tìm đến một trung tâm kiểu này trên đường Hà Huy Tập, chúng tôi được nhân viên giới thiệu là có hợp đồng với các giáo viên tiểu học có uy tín giảng dạy văn hóa, bổ sung thêm các môn năng khiếu là aerobic, vẽ. Tuy nhiên khi được hỏi họ là giáo viên trường nào thì nhân viên trả lời chỉ ậm ờ và khuyên là nên nộp tiền giữ chỗ sớm kẻo quá chỉ tiêu là trung tâm không nhận nữa. Khác với những lời quảng cáo và hình ảnh đăng trên mạng xã hội, hệ thống phòng học của trung tâm này thường là phòng ngủ được cải tạo, diện tích nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng, rất nóng nực. Khi dắt xe ra về, chúng tôi được một người hàng xóm sống cạnh trung tâm này thông tin, khác với thời khóa biểu được thông báo, chế độ sinh hoạt trong ngày của các em theo học ở đây chủ yếu là… chơi trong phòng. "Giống như nơi giữ trẻ thay cha mẹ thôi. Tụi nhỏ quậy tưng cả ngày chứ học hành được bao nhiêu", người này cho biết.
Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn Q. Thanh Khê chia sẻ, những năm qua Đà Nẵng thực hiện chủ trương để học sinh nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng. Đây là chủ trương hướng tới việc giảm tải cho học sinh, giúp các em được nghỉ ngơi, chọn các hoạt động kỹ năng sống. "Khi con em được nghỉ nhiều thì buộc các gia đình phải có phương án để thích ứng. Phần lớn không muốn các cháu có phải thêm "học kỳ 3" nhưng vì công việc gia đình, bố mẹ buộc phải lựa chọn để gửi tại nhà thầy cô, tại các trung tâm hoạt động trong dịp hè. Điều cần lưu ý là phải tìm hiểu thật kỹ chương trình học, rèn luyện để phù hợp với điều kiện của gia đình mà các cháu cũng học được những điều bổ ích", vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Bảo Nam