Trẻ em tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ may quần áo cho Anh
(Cadn.com.vn) - Điều tra bí mật của BBC cho thấy, trẻ em tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ đang làm công việc may quần áo cho nhiều thương hiệu thời trang của Anh như nhà bán lẻ Marks và Spencer (M&S), Asos. Nhiều người tị nạn cũng đang làm việc bất hợp pháp cho thương hiệu jean Zara và Mango.
“Không thể chấp nhận được”
BBC phát hiện 7 người Syria làm việc tại một trong các nhà máy sản xuất chính của M&S. Những người tị nạn được trả chưa đến 1 bảng Anh/giờ - dưới mức lương tối thiểu của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ được tuyển dụng thông qua một người trung gian. Một trong 7 người này cho biết, họ bị đối xử tệ tại nhà máy. “Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, họ sẽ ném chúng tôi ra giống như một mảnh vải”. Người trẻ nhất, 15 tuổi, cho biết phải làm công việc ủi quần áo hơn 12 giờ/ngày.
Tất cả các Cty này cho biết, họ cẩn thận theo dõi chuỗi cung ứng và không chấp nhận việc bóc lột người tị nạn và trẻ em. M&S cho biết, thanh tra của Cty không tìm thấy người tị nạn Syria nào làm việc trong chuỗi cung ứng của Cty ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một phát ngôn viên của M&S cho biết, phát hiện của BBC là “cực kỳ nghiêm trọng” và “Cty không thể chấp nhận điều này”. “Đạo đức là nền tảng của M&S. Tất cả các nhà cung cấp của chúng tôi phải tuân thủ các nguyên tắc toàn cầu, trong đó có việc đối xử với người lao động. Chúng tôi không dung túng cho hành vi vi phạm những nguyên tắc này và sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo điều này không xảy ra nữa”, phát ngôn viên trên cho biết.
BBC cũng phát hiện một số trẻ em Syria làm việc tại một nhà máy của Asos. Cty đã kiểm tra và phát hiện 11 người Syria và 3 trẻ em dưới 16 tuổi đang làm việc tại đây. Asos cho biết, trẻ em sẽ được hỗ trợ tài chính để trở lại trường học và những người tị nạn sẽ được trả lương cho đến khi họ tìm được việc làm hợp pháp.
Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, các nhà bán lẻ này không mạnh tay trong việc ngăn chặn vấn đề này. Danielle McMullan, thuộc Trung tâm tài nguyên nhân quyền và kinh doanh cho rằng, các thương hiệu cần phải hiểu rằng, họ có trách nhiệm trong việc ngăn chặn các đối tác sử dụng lao động bất hợp pháp. “Họ không thể nói rằng, chúng tôi không biết về điều này, đó không phải là lỗi của chúng tôi. Họ có trách nhiệm theo dõi nơi quần áo của họ đang được sản xuất và tình hình của những nơi này”, ông McMullan cho biết.
Một nhà máy có nhiều người tị nạn Syria làm việc cho Mango và Zara. Ảnh: BBC |
Bị bóc lột
Nhiều quần áo hiện nay được các nhà bán lẻ của Anh đặt may ở Thổ Nhĩ Kỳ vì nó gần với Châu Âu nên có thể đối phó với các đơn đặt hàng gấp. Điều này cho phép các nhà bán lẻ có được mẫu thiết kế mới bán tại cửa hàng nhanh chóng hơn.
Mối quan ngại về việc bóc lột công nhân gia tăng sau sự xuất hiện của gần 3 triệu người tị nạn Syria. Hầu hết những người tị nạn không có giấy phép làm việc và đa số họ đang làm việc bất hợp pháp trong ngành công nghiệp may mặc.
Hàng chục công nhân Syria nói rằng, tiền lương thấp và điều kiện làm việc khủng khiếp. Họ biết đang bị bóc lột nhưng không thể làm gì được. Cuộc điều tra cũng cho thấy, những người tị nạn Syria làm việc 12 giờ/ngày trong một nhà máy may quần jean cho Mango và Zara. Họ phải phun hóa chất độc hại để tẩy trắng quần jean, nhưng hầu hết không có đồ bảo hộ. Tuy nhiên, Mango nói rằng, nhà máy này là một nhà thầu phụ không thuộc quyền quản lý của Cty. Họ cũng không tìm thấy bất kỳ công nhân Syria nào tại đây và “điều kiện lao động khá tốt, ngoại trừ một số biện pháp an toàn cá nhân”. Trong khi đó, Cty mẹ của Zara, Inditex, cho biết thanh tra Cty đã “giám sát một cách có hiệu quả và cải thiện điều kiện lao động” tại nhà máy.
An Bình
(Theo BBC)