Trên 87% ĐBQH đồng ý cho phép người lao động nhận BHXH một lần
(Cadn.com.vn) - Chiều 15-6, bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc có trên 87% các ĐBQH đã đồng ý cho phép người lao động sẽ được nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần mà không thực hiện như điều 60 Luật BHXH sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016). Đây là tín hiệu vui đến với người lao động.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí. Ảnh: L.H.S |
P.V: Ông có thể cho biết kết quả phát phiếu lấy ý kiến các ĐBQH về điều 60 luật BHXH?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội đã phát phiếu xin ý kiến của các ĐBQH thì cơ bản trên 87% đề nghị đồng ý có dự thảo nghị quyết về việc ngừng điều 60. Trên tinh thần đó QH có dự thảo nghị quyết, theo tinh thần là đồng ý việc thực hiện cho người lao động được nhận BHXH một lần đối với các trường hợp nghỉ việc sau một năm nhưng có thời hạn là từ nay đến năm 2020. Còn sau đó thì tiếp tục thực hiện theo điều 60. Tức là cho phép được dừng, cho một số đối tượng có nhu cầu nhận BHXH một lần sau một năm mất việc.
P.V: Có nghĩa là song song với việc tạm dừng thì vẫn tiếp tục thực hiện điểm c, khoản 1, điều 55 của Luật BHXH cũ?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đúng như thế, bởi vì điều 60 vẫn đúng chứ có sai đâu, đúng theo thông lệ quốc tế. Cho phép một số đối tượng được phép dùng điều đó nếu có yêu cầu. Khi người lao động yêu cầu thì không có quyền từ chối điều đó.
P.V: Vậy yêu cầu đó có sự ràng buộc giấy tờ hay có điều kiện nào không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo tôi thì không có điều kiện gì ở đó cả. Tất nhiên khi thực hiện thì bên BHXH sẽ có những quy định bằng kỹ thuật thôi. Còn cơ bản là đáp ứng theo yêu cầu của người lao động. Đây là khâu giải quyết trước mắt thôi còn tôi thì mong muốn làm sao người lao động tiến tới điều 60 để thực hiện quyền lợi lâu dài cho người lao động. Tức là người lao động khi nghỉ việc, nghỉ hưu thì người ta sẽ có đồng lương. Thì đó là cái lâu dài mà điều 60 đã đi đến cái đích đó, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay trước mắt, một bộ phận người lao động người ta muốn được nhận BHXH một lần sau một năm người ta nghỉ việc. Đó là trước mắt thôi, còn lâu dài phải là điều 60.
P.V: Thưa ông, vậy sẽ áp dụng điều 55 của luật cũ đến thời hạn bao lâu?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc thực hiện này sẽ đến năm 2020.
P.V: Một điều luật vừa được ban ra và chưa có hiệu lực nhưng đã gặp phản ứng như vậy. Người dân rất băn khoăn về cách làm luật của chúng ta? Thưa ông.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo tôi thì trong quá trình làm thì cái điều 60 cũng không thấy có ý kiến nhiều. Vì khi Chính phủ trình ra Quốc hội thì Chính phủ không trình ra lý giải nhiều về điều 60. Trong quá trình làm thì cũng có ý kiến bên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ nhưng Chính phủ không tiếp thu và chuyển sang đề nghị Quốc hội sửa như thế. Còn các ĐBQH khi thảo luận thì cũng không có vấn đề gì nhiều. Còn nếu đã có tranh luận nhiều thì sẽ có hai phương án ngay. Thứ hai là điều này sửa rất phù hợp, bởi vì qua nghiên cứu các nước trên thế giới thì người ta cũng sửa như thế và không có vấn đề gì cả.
P.V: Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam từng đề nghị là nếu sửa thì phải sửa cả bộ luật. Vì ngay trong bộ luật còn khúc mắc ở chỗ công bằng trong việc nhận lương giữa những người sau khi nghỉ hưu thuộc doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chúng tôi không thấy ai phản ứng cái điều này. Không có vấn đề gì cả. Tức là không có vấn đề liên quan để phải sửa hết.
P.V: Bao giờ sẽ thông qua nghị quyết về việc tiếp tục cho phép người lao động được nhận BHXH một lần thưa ông?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chiều 22-6 sẽ thông qua nghị quyết này và đương nhiên là có hiệu lực luôn. Sau khi có nghị quyết thì sẽ ký ban hành.
P.V: Vậy sau khi đã thông qua nghị quyết về điều 60, cho phép người lao động được nhận BHXH một lần thì Quốc hội và các cơ quan liên quan có nên tuyên truyền về việc này không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Có chứ. Theo tôi cái đó phải nên chứ. Đây thì trách nhiệm của Chính phủ là chính, qua các kênh thông tin đại chúng cũng nên góp phần cùng Chính phủ để giải thích cặn kẽ cho người lao động hiểu về điều đó. Giải thích để cho người lao động hiểu rõ về tác dụng của điều 60 và hiểu rõ về nghị quyết của Quốc hội. Thực ra thì vừa qua việc giải thích cho cặn kẽ vấn đề này thì mình chưa làm được. Vì chúng ta cũng chưa có hướng dẫn về điều 60 thì người ta cũng chưa hiểu được, luật mới ban hành mà. Tôi tin là khi có hướng dẫn rồi, mà người lao động hiểu đầy đủ rồi thì người lao động sẽ đồng thuận rất cao. Nhưng bây giờ vì có một bộ phận người lao động mong được như thế thì đồng ý phương án cho kéo dài thời gian sử dụng điều 55 của luật cũ. Đến năm 2020 thì sẽ thực hiện đúng, đầy đủ điều 60.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Lê Hoàng Sa (ghi)