Báo Công An Đà Nẵng

Trên chân sóng Hoàng Sa

Thứ năm, 01/01/2015 17:47

(Cadn.com.vn) - Hơn 10 ngày sát cánh cùng “chiến mã” HP 926 của Kiểm ngư Vùng 4 thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên sóng nước Hoàng Sa, lúc nào trong tôi cũng vang lên câu nói sắt đá của ông Phan Đình Cát, cán bộ phụ trách lực lượng Kiểm ngư Vùng 4, rằng: “Chúng ta bước lên tàu ra Hoàng Sa, ai cũng là chiến sĩ, nguyện đồng lòng, chung sức đấu tranh tuyên truyền đòi lại chủ quyền biển đảo cho quê hương”.

Nhìn tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân kéo cờ Tổ quốc lên boong thượng, kiên cường vươn khơi, cánh nhà báo chúng tôi ai cũng thấy yên lòng. Trên chân sóng Hoàng Sa, tôi được biết khá nhiều câu chuyện cảm động về lòng nhiệt huyết, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Trong mọi thời điểm, mọi tình huống, mọi người luôn siết chặt tay nhau gìn giữ chủ quyền.

Lực lượng Kiểm ngư kéo cờ Tổ quốc.

Sự kiện đáng nhớ trong đời của cán bộ Kiểm ngư trẻ Lê Văn Bình (1987, quê Thái Bình) hôm 14-5-2014 còn in rõ trong tâm trí tôi. Hôm ấy, Bình được kết nạp vào Đảng CSVN ngay trên sóng nước Hoàng Sa. Phóng viên, cán bộ Kiểm ngư trên tàu thay nhau bắt tay chúc mừng Bình. Bình đã khóc. Khóc vì vui. “Đó là niềm động viên rất lớn để em tiếp tục phấn đấu, bám biển gìn giữ chủ quyền biển đảo cho quê hương anh ạ. Nhận điện đàm của em gọi về, ba mẹ, người thân, bạn bè của em cũng mừng vui khôn siết. Mọi người tự hào vì lễ công bố cho em đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay giữa vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc”, Bình tự hào. Cán bộ Kiểm ngư Đinh Kim Thảo cho biết, Bình là người đầu tiên được kết nạp Đảng trên vùng biển Hoàng Sa. Bản thân em lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng. Có được vinh dự này, suốt 4 năm qua, đảng viên Lê Văn Bình đã không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhất là những chuyến bám biển can trường.

 Kết nạp Đảng cho Lê Văn Bình tại Hoàng Sa, Việt Nam. 

Cùng trên “chiến mã” 926, chuyện của “anh nuôi” Nguyễn Xuân Tâm (1982, quê Ninh Bình) cũng khiến bao người cảm động. Cả hai dịp trọng đại trong đời ra Trường Sa và Hoàng Sa làm nhiệm vụ đều đúng vào dịp vợ Tâm chuẩn bị lên bàn đẻ. Tâm kể, đầu tháng 5-2010, lúc vợ chỉ còn 5 ngày nữa là sinh cháu Đức thì cậu nhận nhiệm vụ lên đường ra Trường Sa. Thèm lắm giây phút được nhìn mặt con chào đời, nhưng nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cao cả hơn, thiêng liêng hơn, Tâm hy sinh hạnh phúc riêng tư lo cho việc nước không phàn nàn nửa tiếng. Hơn một tháng ngoài biển, Tâm trở về đất liền, vào bếp nấu cho vợ dăm bữa cơm rồi lại nhận nhiệm vụ mới, ra khơi.

Lực lượng CSB và Kiểm ngư làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa.

Có lẽ Tâm “không có duyên” gần vợ con lúc mà mọi người cần đến mình nhất. Ngày 5-5-2014 cũng vậy, em nhận nhiệm vụ từ Hải Phòng vào Đà Nẵng để đến Hoàng Sa thì đúng 3 ngày sau vợ sinh cháu thứ 2. Vào tới Đà Nẵng, Tâm tranh thủ gọi điện về hỏi thăm, động viên vợ vài câu rồi lên tàu ra khơi. Tâm bảo, vì chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa, em phải cùng anh em lên đường thôi anh ạ. Lần ra Hoàng Sa này, vợ em cũng động viên em nhiều lắm và đã “giao kèo” với em rồi, rằng những ngày trên biển, nhất định em phải nghĩ ra một cái tên thật hay, hợp với kỷ niệm trong chuyến hải trình tới Hoàng Sa thiêng liêng của đất nước để đặt tên cho con. Những ngày “chiến mã” 926 của mình liên tục bị tàu Trung Quốc ngang ngược gây hấn, tấn công, phận mình, Tâm luôn tự nhủ phải làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Hằng ngày, tính toán phân chia thực phẩm, tính toán bếp núc thế nào để có được những món ăn hợp khẩu vị cho anh em trên tàu tiếp tục nhiệm vụ chính trị hàng đầu.

 

Chuyến hải trình ra với Hoàng Sa, tôi cũng từng được bước chân lên nhiều tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển khác và được nghe nhiều lắm những câu chuyện cảm động. Nào cán bộ Lê Trung của lực lượng Kiểm ngư, đầu tháng 5-2014 xung phong lên tàu ra biển dù chỉ còn hơn tuần lễ là tới ngày cưới của cô con gái út ở Hà Tĩnh. Hay chuyện cậu con trai Cảnh sát biển Nguyễn Huy Thông mỗi lần điện đàm cho ba đều quả quyết, mai này sẽ quyết tâm học thật giỏi để nối nghiệp bố, vượt trùng khơi bảo vệ biển đảo quê hương... Câu chuyện nào cũng khiến mọi người cảm động, rơi nước mắt.

Ngày tôi rời “tọa độ nóng” Hoàng Sa, mỗi con tàu của lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân Việt Nam vẫn sát cánh bên nhau, như những cột mốc can trường trên vùng biển quê mình, quyết đấu tranh tuyên truyền buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trên những con tàu ấy, cán bộ Kiểm ngư, Cảnh sát biển và ngư dân tay vẫn nắm chặt tay, ngày lại ngày vững lái con tàu, khẳng định trái tim thép của người con đất Việt trên hải trình giữ biển.

Công Hạnh