Trên công trường nhà nước hiện đại nhất miền Trung
Không phải đến bây giờ, mà cách đây hơn 10 năm về trước, tôi đã nghe ý tưởng về một dự án lấy nước thượng nguồn sông Cu Đê trong lành ở phía tây bắc huyện Hòa Vang để cung cấp cho thành phố Đà Nẵng, khi dự án thủy điện lấy tên hai nhánh tạo nên dòng Cu Đê: Sông Nam - Sông Bắc đổ bể. Một chuyện buồn đã lùi vào quá khứ, nhưng lại mở ra một ý tưởng mới, đầy hy vọng…
Công trường nhà máy nước Hòa Liên.
Lại càng hy vọng hơn, khi cách đây cũng hơn 2 năm, Đinh Văn Như - Bí thư Chi bộ, một người Cơ Tu ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc ở chính nơi hai nhánh Sông Nam - Sông Bắc nhập làm một dòng, dám đột phá làm một khu du lịch sinh thái đầu tiên ở Hòa Vang, bỗng nhiên "khoe" với tôi: " Mô hình du lịch sinh thái của tôi sẽ đón đầu cho một dịch vụ hấp dẫn, bơi thuyền trải nghiệm ngắm cảnh trên thượng nguồn sông Cu Đê…". Ngẫm nghĩ lại, chợt thấy những ý tưởng, và sự đi trước đón đầu ấy sắp thành hiện thực…
Dự án Nhà máy nước Hòa Liên được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3476/QĐ-UBND ngày 7-8-2019 với tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDAĐTXD) các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án có 4 hạng mục chính gồm, đập dâng để thu nước, trạm bơm nước thô, tuyến ống dẫn nước thô và nhà máy xử lý nước để cung cấp về thành phố…
Tôi gặp Kỹ sư Trịnh Xuân Khánh - Chỉ huy trưởng công trình hạng mục xây dựng đập dâng ngang dòng sông Cu Đê tại thôn Nam Mỹ, Hòa Bắc vào một ngày đầu tháng 10-2021. Anh Khánh mở đầu câu chuyện với tôi bằng một nụ cười từng trải, như biết bao kỹ sư, công nhân của Tổng Công ty xây dựng Sông Đà nổi tiếng trên mọi miền đất nước, mà Công ty CP Sông Đà 9, đang nhận trách nhiệm thi công hạng mục đập dâng cho nhà máy nước Hòa Liên là một thành viên. Nụ cười từng trải ấy chính là thông tin: " Giá trị đấu thầu của hạng mục đập dâng này chỉ có 160 tỷ đồng, nhỏ nhất trong tổng gói thầu toàn dự án nhà máy nước Hòa Liên, nhưng lại là hạng mục quan trọng nhất, khó khăn nhất của toàn dự án…".
Anh Khánh phác họa với tôi mô hình của hạng mục đập dâng đang hình thành, con đập chặn ngang dòng sông Cu Đê với chiều dài 168 mét, có cao trình cao nhất là 12, tức 15 mét nước, thấp nhất là cao trình 8 tức 5 mét nước. Để xây dựng hoàn thành đập dâng cần hơn 150 công nhân với hơn 30 phương tiện xe máy các loại để thi công 22 nghìn m3 bê tông với 11.100 tấn thép, 3.200 m3 cát đá các loại… Để xây dựng đập dâng, các kỹ sư, công nhân phải đào đắp hàng trăm nghìn m3 đất đá dưới lòng sông, đắp nên những con đập công vụ ngăn nước, thi công phần móng đập và xây dựng thân đập, trụ đập… Đập được chia làm 12 cửa van chắn và dẫn nước mỗi cửa van rộng 10 mét, trong đó có 2 cửa van để dòng nước sông chảy tự do, còn lại 10 cửa van đóng mở bởi các cửa van bằng thép, mỗi cửa van nặng 23 tấn, được vận hàng bằng hệ thống nâng, đóng điện, mỗi khi cửa van đóng sẽ dâng nước để trạm bơm nước thô hút nước về nhà máy xử lý.
Nói thì nghe đơn giản vậy, nhưng để thi công hạng mục này đã gặp biết bao khó khăn. Anh Khánh cho biết, hạng mục đập dâng đáng lẽ được thi công từ tháng 4-2020, nhưng gặp ngay biến cố đầu tiên là đại dịch COVID-19 bùng phát, vậy là không thể vận chuyển nguyên vật liệu đến hiện trường thi công. Dịch bệnh vừa bớt, thì mùa mưa lũ lại đến, mà mùa mưa lũ năm 2020 khốc liệt nhất trong mấy chục năm qua, vậy là phải dừng. Mãi đến ngày 18-1-2021, hạng mục đập dâng mới bắt đầu chính thức thi công. Để kịp tiến độ dự án, kỹ sư, công nhân nhà thầu làm không ngơi nghỉ, công việc chia làm hai ca, hàng ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc công việc vào lúc 1 giờ đêm. Nhưng vậy đã ổn đâu, đợt dịch COVID-19 cao điểm phức tạp tháng 8 -2021 vừa qua, toàn công trường phải nghỉ hơn 20 ngày vì hết nguyên vật liệu. Rồi cơn bão số 5, số 6 hoành hành, lại phải phải nghỉ mất gần 10 ngày, vì nước lũ về lớn, không thể thi công. "Theo kế hoạch hạng mục dự án phải hoàn thành vào cuối tháng 12-2021, cầu mong cho con COVID-19 đừng "phá rối", cầu mong cho bão lũ đừng hoàng hành, tàn phá…"-anh Khánh lại nở một nụ cười từng trải.
Ông Lương Thạch Vỹ - Phó Giám đốc BQLDAĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, cho đến thời điểm hiện nay tức là đầu tháng 10-2021, đơn vị thi công đã hoàn thành 8 khoang tràn trong tổng số 12 khoang của công trình đập dâng Nam Mỹ. Do cao trình thấp nhất của trạm bơm ở mức 3,5m nên cuối tháng10, đơn vị sẽ vận hành tích nước, lắp đặt các cửa van vào các khoang tràn nhằm tạo lòng hồ trên sông Cu Đê đến cao trình 5m để phục vụ vận hành thử nghiệm Nhà máy nước Hòa Liên. BQLDAĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công các khoang tràn cũng như các hạng mục còn lại của đập dâng trong mùa mưa bão năm nay. Từ tháng 3-2021, Ban Quản lý cũng đã kiến nghị UBND thành phố cho phép gia hạn tiến độ thi công dự án Nhà máy nước Hòa Liên đến ngày 15-12-2021. Trong đó, đối với hạng mục đập dâng sẽ hoàn thành phần xây lắp, lắp đặt thiết bị vào ngày 30-10-2021, bắt đầu tích nước và hoàn thiện, vận hành toàn nhà máy vào ngày 15-12-2021. Theo đánh giá, đây là một dự án Nhà máy nước có quy mô, công nghệ hiện đại nhất khu vực miền Trung.
HỒNG THANH