Báo Công An Đà Nẵng

Trên đỉnh Lũng Cú

Thứ sáu, 27/11/2020 14:06

Trong các cuộc hành trình đi đến mọi miền đất nước, khi đến cột cờ Lũng Cú đối với tôi là chuyến đi đặc biệt và đầy ấn tượng. Đã đến Đồng Văn, Hà Giang là phải leo lên cột cờ cho bằng được, và nếu có cơ hội thì chạm vào lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc.

Chạm tay vào Quốc kỳ ở nơi thiêng liêng Lũng Cú.

Chúng tôi đến cột cờ Lũng Cú vào một ngày nắng đẹp. Trên đỉnh ngọn núi Rồng cao gần 1.700 mét kia, đi từ xa đã thấy lá cờ rộng 54m2 bay phất phới trong gió ngàn làm cho lòng thêm nao nức. Khi tới dưới chân cột cờ, từ đây nhìn xuống dưới đã là một cảm giác rất lạ. Trong gió, lá cờ rộng 54 m2 luôn tung bay. Bậc thang dễ làm chóng mặt cho ai không chịu nổi độ cao, một người lên trước bảo tôi là trên đó gió nhiều. Thì ở trên độ cao 1.700 mét, không có gì che chắn giữa mênh mông ấy làm sao mà không lồng lộng gió?

Lũng Cú theo tiếng H'Mông có nghĩa là "long cư" - nơi cư ngụ của rồng. Còn theo một truyền thuyết khác cho rằng ở thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại Lũng Cú, và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang  rất xa. Tên Lũng Cú còn có nghĩa là "Long Cổ" (trống của vua).     Lũng Cú là miền đất xa lắc, và mấy ai một lần chạm đến? Lũng Cú cách huyện lỵ Đồng Văn 24km, cách thành phố Hà Giang 154km và cách Hà Nội khoảng 500 km, không phải là khoảng cách gần, vì đường từ Hà Giang tới đây vô cùng hiểm trở.    

Lịch sử ghi lại về sự có mặt của cột cờ Lũng Cú như sau:  Lý Thường Kiệt (sinh năm Kỷ Mùi 1019, quê ở phủ Thái Hòa, thành Thăng Long (Hà Nội) đã cho treo một lá cờ khi ông hội quân trấn ải biên thùy. Từ đó, nơi đây được coi như cột mốc cao nhất đánh dấu biên cương lãnh thổ Việt.  Năm 1978, Đồn biên phòng Lũng Cú dựng một cột cờ cao trên 10m bằng gỗ sa mộc, treo lá cờ 1,2m2. Năm 1991 cột cờ là cây Pơ-mu cao gần 13m.  Năm 2002, con đường lên cột cờ được nâng cấp, trải nhựa và xây dựng toàn bộ các bậc đá.

Đến ngày 12-8-1978, lá Cờ đỏ Sao vàng rộng 54 m2 (chiều dài 9m, chiều rộng 6m) tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc đã chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú. Từ năm 2002 đến những năm về sau, cột cờ được trùng tu nhiều lần, ngày càng mở rộng về quy mô, kích thước. Cột cờ hiện tại khánh thành vào ngày 25-9-2010 được thiết kế theo hình bát giác, chân cột cờ được gắn 8 tấm phù điêu đá xanh minh họa cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng.  Lá cờ tung bay trong sức gió rất mạnh, cho nên trung bình 15 ngày lại phải thay một lá cờ mới. Tổng chiều cao cột cờ là 33,15 mét, trong đó chân cột cao 20.25 mét, cán cờ cao 12.9 mét, đường kính ngoài chân cột rộng 3.8 mét.

Bên dưới chân cột cờ, có những chiếc xe thồ để chở những người khách không đủ khả năng bước lên những bậc cấp, tới chỗ nhà chờ, nhưng tự mình bước lên những bậc cấp để lên đỉnh cột cờ mới tạo cho chính cuộc hành trình có một cảm giác đầy hứng khởi. Bạn sẽ bước đúng 389 bậc thang, nhưng cảm giác sẽ chạm gặp điều gì đó thiêng liêng làm cho lòng người không có cảm giác mỏi mệt.

Sau khi đi đủ 389 bậc thang là đã ở dưới chân cột cờ. Sau đó tiếp tục leo lên 140 bậc thang hình xoắn ốc. Theo giải thích là tại sao những bậc thang ở đường lên cột cờ Lũng Cú là 389 bậc thì đây là số tiến, có nghĩa là tiến lên.

Trên cao vời ấy, cờ Tổ quốc tung bay như sự khẳng định chủ quyền, có khi lá cờ chao xuống, có bạn chạm tay khẽ vào lá cờ cho thấy sự linh thiêng.  Lạ, chỉ chạm vào lá cờ ấy thôi mà lòng tràn ngập sự tự hào. Lại có những bạn trẻ hồn nhiên cùng nhảy múa hát ca bên lá cờ lộng gió, cảm giác của ai cũng ngập tràn niềm tự hào.

Ở trên độ cao 1,700 mét của cột cờ, tôi thấy núi, thấy con đường quanh co đưa chúng tôi đến cột cờ, thấy dược sự hùng vĩ của bờ cõi Việt. Lắng đọng lòng mình trong những giây phút đã lên tận cột cờ Lũng Cú ấy, để khi trở về mãi không quên giây phút này. Mãi không quên.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG