Báo Công An Đà Nẵng

Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ ba, 28/06/2022 09:48
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Báo cáo đến cử tri các kết quả của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ông Trần Chí Cường - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Đà Nẵng cho biết, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Quốc hội đã thông qua 5 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri được gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng. Đã có 9 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường với gần 30 vấn đề được nêu ra. Trong đó, các ý kiến đa phần tập trung đến việc phòng, chống tham nhũng; việc dạy và học môn Lịch sử; vấn đề giá cả xăng dầu tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân; vấn đề đất đai…

Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trả lời các ý kiến của cử tri.

Cử tri Nguyễn Quang Long, quận Sơn Trà nêu ý kiến phản đối việc đưa môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông nêu, ở mỗi cấp học, nhận thức của học sinh sẽ khác nhau nên cấp học càng cao thì kiến thức lịch sử rộng và phân tích kỹ hơn. Theo đó, thế hệ trẻ không chỉ biết lịch sử qua các sự kiện mà cần phải được học để hiểu bản chất, tinh thần của sự kiện và con người Việt Nam.

Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Văn Nga, quận Thanh Khê không đồng tình việc đưa môn lịch sử trở thành môn tự chọn. Cần giáo dục để thế hệ trẻ biết rằng để có ngày hôm nay, ông cha phải bỏ cả “máu sông, xương núi”. “Chúng tôi đề nghị Quốc hội nên thể hiện chính kiến và xử lý rõ hơn, dứt khoát hơn để sự học của chúng ta trở về với cội nguồn: Dân ta phải biết sử ta…”, cử tri nêu rõ.

Về vấn đề phòng, chống tham nhũng thời gian qua, cử tri Nguyễn Trí Tổng, quận Hải Châu đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiến hành, liên tục, không vì chống dịch, không vì phục hồi kinh tế mà ngừng, mà nghỉ, mà bỏ qua. Hiện nay, cử tri quan tâm đến việc nhiều cán bộ bị khởi tố do sai phạm liên quan Việt Á. “Công tác quản lý của các bộ ngành trong thời gian qua như thế nào để dẫn đến hàng loạt cán bộ sai phạm?”, cử tri Tổng đặt câu hỏi.

Ông cũng nói tiếp, trung ương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và chính xác, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, rất hợp với lòng dân. Cử tri cũng nêu thực trạng, Đảng chống tham nhũng liên tục, không vùng cấm, không ngừng nghỉ nhưng vẫn còn lỗ hổng, như truy cứu trách nhiệm còn chưa hết, chưa nghiêm. Việc truy thu tài sản còn nhiều vấn đề cần xem xét lại để phù hợp với tình hình, có sức răn đe hơn với cán bộ, đảng viên.

Cư tri Nguyễn Trí Tổng nêu một số vấn đề được dư luận quan tâm.

Hoàng Cảnh Mẫn, quận Liên Chiểu thì nêu ý kiến phản ánh về tình hình hiện nay phụ huynh học sinh hết sức lo lắng về giá sách giáo khoa, giá cả các đồ dùng học tập tăng gấp 2-3 lần. Cử tri kiến nghị và mong muốn Quốc hội cần cân nhắc và thảo luận để có những chủ trương, chính sách hợp lý. Đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, quản lý ngành giáo dục không những về giá cả mà cả nội dung sách giáo khoa phù hợp học sinh hiện nay. “Nhân dân đề nghị Quốc hội quan tâm giám sát và có chủ trương chống tiêu cực biểu hiện trong việc “tùy tiện, độc quyền” nâng giá sách giáo khoa gây bức xúc trong Nhân dân và phụ huynh học sinh nói riêng”, cử tri Mẫn bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng phát biểu tiếp thu, giải thích những ý kiến của cử tri. Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội đã thông tin một số vấn đề mà cử tri quan tâm đã được đưa vào Nghị quyết số: 63/2022/QH15 sau kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Trong đó có những chỉ đạo liên quan đến công tác giáo dục - đào tạo, trong đó có việc thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT; biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.

Cụ thể, với vấn đề dạy và học môn lịch sử, Nghị quyết nêu: “Đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử. Nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”.

Về vấn đề xuất bản sách giáo khoa, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng cho hay, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá; trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí. “Nhiều bộ đề thi không có trong sách giáo khoa mà lại chỉ có trong sách tham khảo. Đây là vấn đề bức xúc cho phụ huynh và học sinh. Thời gian tới, TP Đà Nẵng đang xem xét để có cơ chế hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói thêm.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho hay, nội dung sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất. Việc tăng cường thực hành giáo dục lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu hơn, nhớ rõ hơn về môn lịch sử, góp phần nâng cao ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Võ Văn Thưởng cho biết, hiện nay đã xử lý rộng ra hơn, nhiều vấn đề hơn. Ngoài Ban chỉ đạo trung ương thì còn thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành với tinh thần làm việc: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, không có vùng cấm”, ông Thưởng nói. Theo đó, sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm kiên trì làm, ngày một mạnh hơn, ngày càng quyết tâm hơn.“Tiếp tục hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng. Bịt các lỗ hổng về quy định của pháp luật. Tăng cường phòng chống tham nhũng trên tất cả lĩnh vực. Tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng mà có”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết.

MAI VINH