Trên "mặt trận" không tiếng súng
* Bài 1: Ngoan cường chiến đấu với "giặc lửa"
(Cadn.com.vn) - Có một lực lượng hết sức đặc thù trong ngành công an, mà khi nói đến ngày truyền thống, họ thường đùa với nhau rằng tuyệt đối không được nhắc đến những từ như "tiếp lửa hay giữ lửa", bởi đơn giản công việc của họ là... dập lửa. Đó là lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) - cứu nạn cứu hộ (CNCH). Cái nghề mà người ta chạy ra để tránh khỏi ngọn lửa hung tàn, còn họ thì lao vào...
Lao vào điểm "nóng"
Câu tục ngữ "lửa thử vàng, gian nan thử sức" nhằm ngợi ca ý chí kiên cường, bền bỉ của con người trong cuộc sống. Đem câu tục ngữ này áp vào công việc, nhiệm vụ của những người lính Cảnh sát PCCC và CNCH cực kỳ phù hợp. Dũng cảm, không quản tính mạng, bất chấp mọi hiểm nguy lao vào dập lửa, cứu tài sản, cứu người bị nạn..., đó là hình ảnh thường thấy ở họ. Sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng cao đẹp, như phẩm chất "vàng" ấy, luôn tỏa sáng trước ngọn lửa, góp phần bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Còn nhớ vụ cháy, nổ kho hóa chất tại khu vực tổ 4, xã Hòa Châu (H. Hòa Vang) xảy ra vào tối 6-5-2015 làm 17 CBCS Cảnh sát PCCC - CNCH TP Đà Nẵng bị thương, hẳn bạn đọc phần nào hình dung được sự vất vả, hiểm nguy rình rập và hy sinh thầm lặng nhưng hết sức cao cả của người lính PCCC.
Thượng úy Lê Văn Lưu- Đội trưởng Đội Tổng hợp (Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và CNCH) Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cái ngày mà anh cùng đồng đội chiến đấu với ngọn lửa hung hãn, chực chờ nuốt chửng những thân người bé nhỏ. Anh bảo, khi cùng các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 5 đến nơi thì khu nhà xưởng rộng 100m2 đã chìm trong biển lửa. Nhiều tiếng nổ liên tiếp vang lên khiến người hiếu kỳ đang đứng xem phải hốt hoảng bỏ chạy.
Riêng lực lượng Cảnh sát PCCC lao vào đám cháy bằng tinh thần trách nhiệm, bằng sự quả cảm và cùng với phương tiện kỹ thuật, phương án chiến thuật vạch sẵn để chiến đấu. Tuy nhiên, điều không hay đã xảy ra với họ khi sau gần 1 giờ vật lộn với đám cháy, ngọn lửa bắt đầu dịu lại, cũng là lúc các chiến sĩ tiến sâu vào bên trong để dập tắt hoàn toàn thì bất ngờ một tiếng nổ lớn vang lên, ngọn lửa bùng phát dữ dội trở lại, bật tung mái tôn và phun lên cột lửa cao hơn 2 m...
"Sau tiếng nổ lớn, lửa và hóa chất bao trùm khu xưởng. Tôi lặng đi khi bị lửa và hóa chất trùm lên bỏng rát, cơ thể đau nhói. Nhìn xung quanh, thấy đồng đội cùng chung cảnh ngộ. Như có một lực đẩy vô hình nào đó khi đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết, tất cả các anh em cố hết sức gượng dậy, dìu những người bị thương nặng ra khỏi miệng tử thần", Thượng úy Lưu bồi hồi nhớ lại. Hậu quả của vụ cháy nổ hóa chất này đã làm anh bị thương tích 15%, đồng đội anh có người bị bỏng nặng, gãy tay chân…
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 12-7-2014, ngọn lửa bùng phát từ tầng 4 rồi lan nhanh xuống tầng 3 của tiệm mỹ phẩm số 35 - Lý Thái Tổ (Đà Nẵng), kèm theo đó là những tiếng nổ lớn vang lên khiến nhiều người hoảng sợ. Riêng lực lượng PCCC và CNCH thành phố thì vẫn kiên cường bám trụ, lao vào tiếp cận đám cháy từ nhiều hướng mặc cho những bình mỹ phẩm bị vỡ, tỏa khí nồng nặc. Do tiếp xúc lâu với khói và khí độc nên đã có 9 lính cứu hỏa bị ngạt dẫn đến nôn mửa, 1 chiến sĩ khác ngất xỉu tại chỗ.
Còn nhiều, rất nhiều các vụ cháy, nổ nguy hiểm khác đã từng xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng, tuy nhiên, có một điều đáng mừng là tất cả các vụ cháy nổ ấy chưa gây thiệt hại nào về sinh mạng con người. Cũng có thể là do đám cháy chưa đến mức đặc biệt nghiêm trọng, cũng có thể người dân đã chủ động đề phòng, nhưng hơn cả có lẽ là được dập tắt kịp thời nhờ bàn tay của những người lính cứu hỏa…
Vụ cháy nổ đã làm 17 CBCS Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng bị thương (đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố thăm hỏi, động viên CBCS bị thương tại bệnh viện). Ảnh: C.Khanh |
Chỉ mong… thất nghiệp
Nghề nào cũng có niềm vui và nỗi buồn, vinh quang và cay đắng. CBCS Cảnh sát PCCC - CNCH cũng vậy, rất nhiều nỗi niềm cần được sẻ chia. Thường thì sau mỗi một vụ hỏa hoạn, người ta chỉ chú trọng vào việc thống kê thiệt hại tài sản, số người bị thương vong chứ ít ai nhắc đến những thành quả mà người lính cứu hỏa đã phải quên mình để giành giật với ngọn lửa... Nhưng đối với họ, điều đó không trăn trở, dằn vặt bằng việc sau mỗi vụ cháy, các anh lại phải chứng kiến cảnh hoang tàn của giặc lửa, số phận những người không may bị ngọn lửa thiêu cháy, và nỗi âu lo, thấp thỏm trên gương mặt của những nạn nhân bị "bà hỏa" cướp sạch tài sản.
"Làm lính cứu hỏa rất nhiều gian nan, nhưng đã dấn thân vào nghề thì anh em phải phấn đấu để vượt qua tất cả. Người chiến sĩ CA nói chung, lính cứu hỏa nói riêng, chỉ có thể được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có lòng yêu nghề, thiết tha, gắn bó với công việc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên cuộc sống của nhân dân", Thượng úy Lê Văn Lưu nhìn nhận.
Có lẽ, các ngành nghề khác đều mong có nhiều việc làm để tăng thu nhập, nhưng với những chiến sĩ Cảnh sát PCCC thì chỉ mong… thất nghiệp. Bởi họ biết rằng, mỗi khi có "việc làm" cũng là lúc ít nhiều gì cũng có thiệt hại về người hoặc tài sản xảy ra.
(còn nữa)
Doãn Hùng