Trên trường văn, trận bút giữa Sài Gòn
Đầu năm 2021, tôi lại nhận được tiểu thuyết “Người nhà trời” ông gửi tặng. Tôi đọc một mạch, như lúc đọc tác phẩm đặc sắc “Bút máu” (1958), “Chất ngọc”, “Lửa rừng” (1960) của ông, bởi sự cuốn hút từ cốt truyện đến bút pháp nghệ thuật dẫn dắt, dung dị mà sâu cay, ân tình mà nghĩa khí, ẩn chứa lời răn đe, cảnh tỉnh, cũng là cảnh báo đối với con người, nhất là kẻ thù đang dày xéo quê hương... Tôi đọc, rồi hình dung, mường tượng ra ông như một tráng sĩ giữa rừng gươm, mũi đạn của thế lực hung hãn, luôn siết chặt, đe dọa, chực chờ quật ngã, sát hại ông bất cứ lúc nào. Nhưng, như những anh hùng hảo hán trong trang sách hóa thân ông ngoài đời “thấy chuyện bất bình chẳng tha”, xả thân ra tay làm việc nghĩa, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Hai lần gặp ông tay bắt mặt mừng và cuốn tiểu thuyết “Người nhà trời” còn thơm mùi mực, không ngờ lại là lần cuối cùng, qua hơn 60 năm quen biết ông - tôi đã mất ông! Không cãi lại được mệnh trời. Ông đã đi xa. Ông là nhà văn Vũ Hạnh (Nguyễn Đức Dũng). Một chiến sĩ cách mạng kiên cường trên trường văn, trận bút giữa Sài Gòn xô bồ, tao loạn suốt 20 năm trường, thầm lặng chiến đấu vì nước, vì dân.
1. Trong “Một chặng đường bút mực”, một phần Hồi ký “Cũng một kiếp người”, chưa in, Vũ Hạnh có kể lại: “Năm 1955, tôi tham gia tổ chức biểu tình đòi hiệp thương thống nhất đất nước, thì bị địch vây bắt giam cầm ở nhà lao huyện Thăng Bình, Quảng Nam, chịu tra tấn ác liệt, bị còng tay đưa ra lao xá Hội An để chờ ngày an trí tại Côn Đảo. Lợi dụng địch sơ hở tôi trốn chạy gấp vào Sài Gòn chọn việc dạy học, viết văn, báo chí làm phương tiện để sinh sống, tiếp tục đấu tranh”.
“Kể như suốt thời chống Mỹ, tôi là cơ sở ở nội thành Sài Gòn với nhiệm vụ là chống văn hóa nô dịch. Cấp trên chỉ định cho tôi “đóng vai một người quốc gia có đôi chút tiến bộ”, hoạt động đơn tuyến, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, thỉnh thoảng mới ra mật khu để học tập tình hình vài ngày. Được người quen giới thiệu, sau tiếp xúc với nhiều báo, qua các bút hiệu Minh Hữu, Nguyên Phủ... tôi chọn tạp chí Bách Khoa làm mảnh đất chính cho việc cầm bút, ký dưới các truyện là Vũ Hạnh và các tiểu luận, phê bình là Cô Phương Thảo, sau này ông Lê Ngộ Châu, làm chủ nhiệm tạp chí Bách Khoa, nghe đâu trước kia là một đảng viên Cộng sản. Từ năm 1957 đến 1975, cộng tác với báo này, tôi bị vào tù 4 lần”.
“Năm 1958, tôi viết truyện ngắn “Bút máu” như một tuyên ngôn, trước hết với chính mình, nhưng chủ yếu để phản ứng lại đội ngũ bồi bút đông đảo bấy giờ. Thiếu úy an ninh quân đội Sài Gòn Lương Minh Đức, là bạn cùng học ở trường Chấn Thanh, Đà Nẵng trước năm 1945, với tôi, biết tin “Bút máu” và “Người nữ tỳ” đăng ở tạp chí Bách Khoa đã được in lại tại miền Bắc nhắn nhẹ tôi không khéo vào tù ngay lập tức, an ninh không để tôi yên. Riêng truyện “Miếng thịt vịt” tả cảnh nghèo cùng cực của những người dân sống vùng đất cát, nơi gia đình tôi lánh giặc thời chống Pháp, kịch tác gia Vi Huyền Đắc, nhắn mời tôi đến gặp tại nhà, bởi ông tỏ ra thích thú vì cái truyện có nhiều kịch tính. Tôi không hề nói cho ông biết là thời chống Pháp tôi từng là Trưởng đoàn kịch, kiêm soạn giả, đạo diễn, diễn viên chính. Tiếp đó, tôi viết một truyện đường rừng “Cái Tết giữa rừng”, không ngờ truyện được đón nhận ngoài sự mong đợi, nhiều người lầm tưởng tôi ám chỉ Ngô Đình Diệm, coi Diệm như một cục phân đã trở thành thứ cứu rỗi cho một số người lạc lối, hoang mang dưới chế độ tay sai của ông ta”.
“Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời vào năm 1960, anh Vũ Tùng ở Khu ủy bảo tôi sớm chọn một bí danh để giới thiệu trên đài, trong vai phụ trách báo chí nội thành, tôi lấy chữ tiếng Anh là Lucky (có nghĩa may mắn) và bí danh là Hoàng Lục Kỳ. Anh Vũ Tùng đổi lại là Hoàng Thanh Kỳ cho dễ nghe. Tôi liền viết tiểu thuyết “Lửa rừng”, đăng nhiều kỳ trên báo, nói lên tinh thần bất khuất của các dân tộc đoàn kết chống quân xâm lược và giành thắng lợi cuối cùng.
Theo chỉ thị từ trên, tôi phải hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Tôi đã gia nhập Trung tâm văn bút (Pen Club), một tổ chức có hệ thống quốc tế, để mượn diễn đàn này đấu tranh trực diện với kẻ thù qua những lần đăng đàn diễn thuyết. Tất cả các vấn đề trình bày như “Cái hậu trong tác phẩm văn chương”, “Trường hợp Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh” để nói rõ văn chương đích thực là bản sắc dân tộc, truyền thống yêu nước, chống cái ác, hoặc lai căng, bại hoại... Trong một cuộc thi viết kịch bản do Trung tâm Văn bút tổ chức, là thành viên Ban giám khảo, tôi bảo vệ và đề nghị trao thưởng cho tác phẩm “Bức tranh lõa thể” của nữ nghệ sĩ Kim Cương, vì có nội dung chống sự đồi trụy hóa trong văn học nghệ thuật lúc bấy giờ, đã làm cho cô Kim Cương thêm cảm tình với lực lượng cách mạng. Tôi cũng giữ một vai trò cốt cán trong Hội đồng Bảo vệ thanh thiếu nhi và có chân trong Hội Bạn trẻ Việt Nam, mà tờ “Hồn trẻ” là cơ quan ngôn luận, do tôi làm chủ bút. Ngoài viết bài, tôi cho ra đời các cuốn “Cha mẹ bơ vơ”, “Tuổi trẻ nổi loạn” để hưởng ứng sinh hoạt của các tổ chức trên. Vào cuối thời Diệm - Nhu các sách “võ hiệp kỳ tình” đủ loại tung ra thị trường, tuyên truyền bạo lực, hoang đường, tôi liền viết một số truyện võ hiệp nhằm phản bác lại như “Bốn bể anh hùng”, “Anh hùng mặt sắt”, “Nữ hiệp kén chồng”, “Kiếm đao ba thước, giang hồ ngàn năm”... ký tên Hoàng Thiên Lý, đã xuất hiện trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, nhật báo Đất Tổ”.
2. Sở dĩ tôi ghi chép dàn trải và dài dòng, không có sự sắp xếp về thời gian hoạt động của Vũ Hạnh, bởi sau ngày thống nhất đất nước, tôi mới có dịp gặp lại ông và đọc gần như một nửa những bài viết và tác phẩm của ông trên báo chí, xuất bản, nhất là nghe ông kể chuyện về thân phận và cuộc đời gian truân, hào hùng của một cây bút tả xung hữu đột giữa đô thành Sài Gòn đầy rẫy an ninh, mật vụ, tình báo Mỹ - ngụy luôn theo dõi, rình rập, nghi ngờ ông đội lốt Cộng sản, giả danh trí thức quốc gia yêu nước, chống chính quyền, bắt giam rồi cho ra tù vì không tìm được manh mối, hay cơ sở bí mật nào liên hệ với ông. Không gì quý bằng người trong cuộc, hay cơ sở bí mật nào liên hệ với ông. Không gì quý bằng người trong cuộc, nhân vật chính bằng những dòng hồi ức, những kỷ niệm dong ruổi, lặng thầm trong ông được bộc bạch, thổ lộ, chân thật như hiện thực vốn có của đời sống - một đời và một thời làm cách mạng lạ lùng nhất của lịch sử chiến tranh nhân dân Việt Nam, trong đó ông là một nhân chứng hiếm hoi.
Khi tôi viết mấy dòng này, hơn 2 năm (2021-2023) ngày nhà văn Vũ Hạnh qua đời. Trong tôi ngổn ngang sự kính trọng và thương nhớ ông khi nhìn tấm chân dung ông in trên trang bìa 2 cuốn Tuyển tập Vũ Hạnh, nét hào hoa lẫn suy tư hiển hiện ở nụ cười và ánh mắt thầm lặng, đăm đắm xa xôi. Nhớ thời ông dạy văn cho đám học trò chúng tôi ở ngôi trường tản cư Quế Sơn 2, Quảng Nam. Rồi hòa bình 1954, sang 1955, ông cùng các thầy hướng dẫn chúng tôi tham gia cùng đồng bào lăn xả đấu tranh với bọn lính ngụy quân chặt phá rừng dương của bà con ở Chợ Được, huyện Thăng Bình. Cuộc đấu tranh trực diện đẫm máu trước súng đạn, bom xăng của kẻ thù hung hãn. Sau đó, ông bị bắt và trốn thoát được vào Sài Gòn hoạt động, không ai còn biết tung tích của ông, bởi ông là Nguyễn Đức Dũng, còn Vũ Hạnh nhà báo, nhà văn thì quá quen thuộc trên mặt báo, nhất là các cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn của Vũ Hạnh được xuất bản, tái bản nhiều lần.
Về bút danh Vũ Hạnh, đó là tên của một người bạn học của ông, số là năm 1963, tôi được gặp ông Vũ Hạnh vừa ở nhà lao Côn Đảo ra và lên chiến khu, được tổ chức bố trí vào Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Nam công tác. Vì đọc nhiều tác phẩm của Vũ Hạnh, tôi tưởng ông là nhà văn, nhà báo nổi tiếng nào đó, té ra Vũ Hạnh và Nguyễn Đức Dũng là bạn học với nhau cùng quê xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, khi vào tù đổi tên cho nhau, thề sống chết hãy xứng đáng với sự tin yêu, cùng nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hẹn ngày toàn thắng gặp nhau. Nhưng không lâu, vì bị tù đày, sức khỏe suy sụp Vũ Hạnh qua đời.
Đến cái tên nổi đình nổi đám A. Pazzi, tác giả cuốn “Người Việt cao quý”. Số là năm 1965, khi Mỹ chuẩn bị đổ quân ồ ạt vào miền Nam, ở trên nhận định, sự kiện này sẽ làm tổn thương đến tinh thần dân tộc chúng ta, do đó khuyên Vũ Hạnh nên viết những gì đề cao ý chí tự tôn dân tộc để gián tiếp đánh Mỹ. Trong một tuần lễ Vũ Hạnh suy nghĩ và viết xong tập tản văn “Người Việt cao quý”, đề tên tác giả là A. Pazzi, người Ý, để dễ kiểm duyệt và mượn tên người nước ngoài này ca ngợi chúng ta cũng dễ nghe hơn. Vũ Hạnh gửi một chương ca ngợi “Đôi mắt và nụ cười” in thử trên nhật báo Đất Tổ để xem phản ứng người đọc ra sao, và tác động vượt khỏi sự chờ đợi. Người đọc vồ vập, bàn tán, thích thú vì người Việt được nước ngoài ca ngợi quá cỡ như thế. Thế là mấy tuần sau, sách in xong. Tác phẩm đáp ứng tâm lý người đọc, nên được tái bản nhiều lần. Ở trong nhà tù, sách cũng được tìm đọc. Dĩ nhiên, bấy giờ chẳng mấy ai biết Vũ Hạnh là tác giả.
Sau giải phóng, có lần Vũ Hạnh gặp học giả Trần Văn Giàu trên đường phố Sài Gòn, ông bảo Vũ Hạnh “Cậu đá giò lái mình đó nhé”. Vũ Hạnh đáp: “Tôi có gì vô lễ không anh Sáu (TVG)?”. Thì mình có trích dẫn lời A. Pazzi trong một bài viết gửi ra báo Văn nghệ Trung ương. Ở ngoài đó cho biết A. Pazzi chính là cậu. Còn ông Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, khi ông Lê Duẩn ghé thành phố có nói với ông Tân: Quyển “Người Việt cao quý” của tay Pazzi nào đó viết khá quá”, ông Tân trả lời: Tay Pazzi ấy là cơ sở nội thành, sau đó đề nghị Vũ Hạnh gửi tặng ông Lê Duẩn cuốn sách này. Khoảng năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Viễn Phương đi họp ở Huế về, ghé thăm Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch Hội, nhà văn Phan Tứ, khi tiếp chuyện có hỏi: Mình tìm hiểu A. Pazzi tác giả cuốn “Người Việt cao quý” đã lâu, kể cả khi đi họp quốc tế, có nhờ đồng chí Enzo Roscani, Ủy viên Trung ương Đảng nước Ý tìm hộ, nhưng không ra. Nhà thơ Viễn Phương cười lớn: Hôm nay tôi đưa ông ấy đến gặp ông đây. Nhà văn Phan Tứ nhìn Vũ Hạnh, mừng rỡ không nói nên lời.
Vũ Hạnh (Nguyễn Đức Dũng), sinh năm 1926, trong một gia đình Nho giáo, cháu ngoại Tiến sĩ Phan Quang, một trong Ngũ Phụng tề phi đất Quảng. Vũ Hạnh thành thạo nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, bút ký, tản văn, phê bình lý luận, kịch... Trong một bài viết ngắn, tôi không thể đề cập sâu sắc và có cái nhìn bao quát về một sự nghiệp văn học quá đồ sộ của ông, mà chỉ điểm xuyết một vài chi tiết xung quanh các câu chuyện “hành hiệp” của ông đầy kịch tính, luôn thu hút người đọc. Trong Từ điển văn học bộ mới của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Việt Nam đã viết: “Trong dòng văn học yêu nước cách mạng phát triển trong vùng thành thị miền Nam (1954 - 1975), Vũ Hạnh là một trong những cây bút nổi tiếng, đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc Mỹ trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng...”.
Cũng quá đủ để chúng ta tin yêu Vũ Hạnh, cũng quá đủ để Vũ Hạnh vui sống và tự hào, nếu ông còn tại thế, vì ông là nhà văn lấy văn để thể hiện lòng yêu nước vô bờ, từ đó hình thành một nhân cách văn học lớn trong ông cũng như của đất nước. Những tác phẩm của ông đã được bạn đọc yêu mến hơn nửa thế kỷ qua, và nay vẫn còn chỗ đứng trong lòng mọi người. Điều đó cũng chứng minh rằng - văn ông cùng đồng hành với dân tộc!
Đất Quảng, 2023
HOÀNG HƯƠNG VIỆT