Treo giò vĩnh viễn 9 cầu thủ V.Ninh Bình tiêu cực: Bản án nghiệt ngã?
(Cadn.com.vn) - Bản án 9 cầu thủ dính líu đến tiêu cực trong khi thi đấu tại CLB XM The V.Ninh Bình ở mùa giải 2014 bị treo giò vĩnh viễn đang dấy lên ở dư luận bóng đá trong nước hai luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, có ý kiến cho rằng đây là bản án nghiệt ngã.
Chiều 25-12, Ban kỷ luật LĐBĐ Việt Nam (VFF) ban hành các Quyết định kỷ luật đối với 9 cầu thủ dính líu đến tiêu cực trong khi thi đấu tại CLB XM The V.Ninh Bình tại đấu trường AFC Cup 2014. Theo đó, tất cả 9 cầu thủ gồm: Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng, Phạm Xuân Phú, Lê Quang Hùng, Chu Ngọc Anh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ, Phan Anh Tuấn và Nguyễn Văn Hưng đều bị phạt 20 triệu đồng và bị cấm tham gia mọi hoạt động bóng đá vĩnh viễn do VFF quản lý, tổ chức.
1. Nhìn chung, dư luận hoan nghênh bản án của VFF cứng rắn, mạnh tay và quyết liệt. Có như vậy mới đủ sức răn đe đối với những cầu thủ đang có trong mình mầm mống tiêu cực. Tuy nhiên, đã có một vài quan điểm cho rằng bản án trên quá nghiệt ngã. Đầu tiên là HLV Nguyễn Văn Sỹ - người dẫn dắt V.Ninh Bình trong mùa giải 2014 đã có ý kiến phản pháo lại bản án của VFF. Nhà cầm quân này cho rằng, VFF đã quá cứng nhắc khi đưa ra quyết định của mình. "Đã là con người trong cuộc sống thì mắc phải cái sai là chuyện rất đỗi bình thường. Ở khía cạnh các cầu thủ trẻ Ninh Bình vừa qua, họ không chín chắn, một phút nông nổi thôi nhưng đã trả giá đắt quá. Tôi nghĩ người ra quyết định nên xem xét lại những cầu thủ đó đã cống hiến gì cho bóng đá Việt Nam. Các em chưa có hành vi phạm tội gì trong quá khứ, nên xem xét những tình tiết giảm nhẹ. Chưa kể hoàn cảnh gia đình của các em cũng chịu ảnh hưởng rất lớn. Truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam là khoan dung. Ngay cả những người nhận án tù cũng được sự khoan hồng của pháp luật. Nhưng với các cầu thủ vi phạm lần đầu này cũng không có cơ hội đứng lên từ nơi vấp ngã", HLV Nguyễn Văn Sỹ phát biểu trên Thể thao & Văn hóa.
Lê Quang Hùng là một tài năng của bóng đá Việt Nam nhưng rất tiếc... |
Cùng quan điểm, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải phát biểu trên Vnexpress: "Bản án mà Ban kỷ luật VFF đưa ra với 9 cầu thủ Ninh Bình rất nghiêm khắc, nó như bài học đắt giá để những cầu thủ khác nhìn vào mà tránh xa tiêu cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần lý trí xem xét từng người, từng hoàn cảnh cụ thể với tiêu chí phạm lỗi đến đâu xử lý đến đó. Có một số cầu thủ còn trẻ, lần đầu mắc lỗi và trên thực tế bị lôi kéo, rủ rê làm bậy. Chúng ta vì vậy không nên chặn đứng con đường làm lại sự nghiệp của họ".
2. Ở chiều ngược lại, Chủ tịch LĐBĐ Hà Nội Phan Anh Tú đã lên tiếng ủng hộ quyết định của VFF. Ông Tú cho rằng, bản án mà VFF đưa ra là đúng luật, nghiêm khắc để nhắc nhở các cầu thủ phải sống và làm việc theo pháp luật. Ông Tú phân tích, đã có những bài học trong quá khứ nhưng tại sao các cầu thủ Ninh Bình không biết sai mà tránh. Tại sao cầu thủ thu nhập rất cao so với mặt bằng xã hội (lương, thưởng, lót tay) mà họ không biết trân trọng những gì mình có?
Theo quan điểm của người viết, chỉ tiếc cho một số cầu thủ tài năng đã không có cơ hội tiếp tục giấc mơ chơi bóng. Song, VFF đã có một quyết định mạnh tay và quyết liệt. Cần phải có những bản án như thế mới hy vọng đủ sức răn đe, góp phần làm trong sạch nền bóng đá nước nhà. Các cầu thủ đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay trẻ người non dạ. Nên nhớ rằng, bài học của Văn Quyến, Quốc Vượng... năm 2005 và bao nhiêu hoàn cảnh khác lỡ "nhúng chàm" không đủ để 9 cầu thủ này làm gương hay sao. Nếu nói bản án này nghiệt ngã thì đặt câu hỏi khi 9 cầu thủ trên "gây án" có nghiệt ngã cho người hâm mộ, cho bóng đá Việt Nam hay không? Họ có biết rằng hành vi của mình đã bêu xấu, hạ thấp hình ảnh, uy tín bóng đá Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế hay không? Hơn nữa, cấm thi đấu bóng đá đâu phải là 9 cầu thủ này bị triệt con đường sống. Họ hoàn toàn có thể làm lại cuộc đời bằng những nghề khác với sức vóc của mình.
Thiết nghĩ, 9 cầu thủ này không đủ tư cách để kêu ca, xin tha thứ. Khi sống trong nhung lụa bằng khoản thu nhập "trên đỉnh" xã hội với bao nhiêu khoản từ lót tay, lương, thưởng, họ có nghĩ cho xã hội, người dân đang còng lưng đóng thuế cho họ? Hay ít nhất, họ liệu có nghĩ được rằng CLB và doanh nghiệp tài trợ vật vã trong cơn khủng hoảng kinh tế để trả tiền lương và chuyển nhượng? Chưa hết, hàng vạn người dân địa phương đặt niềm tin, để rồi bị phản bội, vậy thì việc cách ly vĩnh viễn 9 cầu thủ này ra khỏi đời sống bóng đá đâu có gì là quá đáng, nghiệt ngã?
Tiêu cực thì lĩnh vực nào cũng tồn tại. Có điều, tiêu cực trong bóng đá đã trở thành vấn nạn, nỗi nhức nhối mấy chục năm qua, gây tổn thương nghiêm trọng niềm tin của người hâm mộ, gây tổn thất quá nhiều tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.
Vậy thì, VFF mạnh tay với tiêu cực lẽ ra phải được toàn xã hội đồng tình mới phải!
Quang Hải