Báo Công An Đà Nẵng

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Cần đầu tư xây thêm trường, lớp

Thứ bảy, 14/12/2019 13:44

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (sau đây gọi chung là CTGDPTM), học sinh bậc tiểu học (HSTH) cả nước sẽ học 2 buổi/ngày. Vì thế, một nỗi lo khác không kém phần quan trọng của ngành GD-ĐT cả nước nói chung, GD-ĐT TP Đà Nẵng nói riêng là làm sao để từ đây đến năm học tới 2020-2021 đảm bảo điều kiện về mạng lưới trường lớp, sĩ số HS/lớp để thực hiện được tiêu chí này.

Để đảm bảo cho việc tổ chức dạy-học, trong năm học 2019-2020, một số trường TH trên địa bàn Q.Hải Châu được đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng (ảnh minh họa).  Ảnh: P.T

97, 78% HS TH học 2 buổi/ngày

Đó là con số được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Trần Nguyễn Minh Thành đưa ra tại Hội nghị triển khai CTGDPTM diễn ra đầu tháng 12 vừa qua. Toàn TP hiện có 107 trường TH công lập và tư thục, 2 trường chuyên biệt và 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; trong đó có 5 trường có từ 3- 5 điểm trường (Hòa Vang: 4, Thanh Khê:1).Tính đến năm học 2019-2020, tỷ lệ HSTH trên địa bàn TP được học 2 buổi/ngày đạt 97,78%. Hầu hết các quận, huyện đều đạt tỷ lệ 100%, chỉ còn Q.Liên Chiểu chưa đạt.

Trước tỷ lệ đầy khả quan này, nhiều ý kiến cho rằng, ngành GD-ĐT Đà Nẵng có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa ngành GD-ĐT Đà Nẵng không gặp khó khăn. Bởi cách đây 5 năm, TP đã có chủ trương phấn đấu đến năm học 2015-2016, 100% HSTH trên địa bàn TP được học 2 buổi/ngày, nhưng đến năm học này, chủ trương này vẫn chưa thể thực hiện được. Lý do được nêu ra là do tốc độ dân số tăng cơ học, nhất là  địa bàn Liên Chiểu quá nóng và quá nhanh nên việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp dù đã được quan tâm nhiều nhưng vẫn không theo kịp.

Một trong những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất để triển khai CTGDPTM là phải đảm bảo về sĩ số HS/lớp, cụ thể đối với HS bậc TH phải đạt 35HS/lớp, THCS& THPT: 45 HS/lớp. Trong khi đó, ngành GD-ĐT TP đang đối mặt một vấn đề nan giải đó là tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn TP ngày một giảm do không đảm bảo điều kiện về diện tích (đặc biệt là các trường học ở quận trung tâm) và sĩ số HS/lớp. Nhiều trường trên địa bàn TP (trong đó có bậc TH) vượt ngưỡng về quy định HS/lớp. Thậm chí, có nhiều trường đã phải lấy phòng chức năng để tổ chức dạy học. 

Đâu là giải pháp?

Là địa bàn nóng nhất TP về tốc độ dân số tăng cơ học, bà Lữ Thị Kim Hoa- Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Liên Chiểu cho biết, trung bình mỗi năm học, ngành GD-ĐT quận tăng hơn 2.000 HS ở 3 bậc học. Trong đó, riêng đối với cấp TH, số HS tăng hằng năm gần 1.000 HS. Vì lẽ đó, nhiều năm qua, dù đã được sự quan tâm trong đầu tư cơ sở vật chất, nhưng đến năm học 2019-2020, Q.Liên Chiểu cũng chỉ đạt tỉ lệ 69,3% HS TH được học 2 buổi/ngày.

Để đảm bảo 100% HS TH trên địa bàn quận được học 2 buổi/ngày trong năm học đến, theo bà Lữ Thị Kim Hoa, trên cơ sở số phòng học đã có là 339 phòng học, cộng thêm số phòng đang được ghi vốn xây dựng trong năm 2020 là 52 phòng, ngành cần thêm 33 phòng nữa. Trong các kiến nghị liên quan đến vấn đề này, bà Lữ Thị Kim Hoa đề nghị, UBND TP quan tâm, tạo điều kiện về quỹ đất để Liên Chiểu thực hiện đảm bảo Đề án số 13 về việc "Rà soát, quy hoạch mạng lưới GD-ĐT Q.Liên Chiểu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030". Đặc biệt, hiện nay, các trường TH Phan Phu Tiên, TH Ngô Sĩ Liên, TH Âu Cơ, TH Bùi Thị Xuân đã quá tải với tỷ lệ HS/ lớp từ 48 -50 em/ lớp, quỹ đất xây dựng hạn chế nên ngành GD-ĐT Q.Liên Chiểu rất mong UBND TP quan tâm, ưu tiên cho việc xây thêm trường TH để đảm bảo 100% HS ở bậc học này được học 2 buổi/ ngày trong năm học tới.

Liên quan đến vấn đề mạng lưới trường lớp, tại hội nghị triển khai thực hiện CTGDPTM vừa qua, trong nhiều phần việc được nêu ra, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Thị Bích Thuận cho rằng, việc nhiều trường phải sử dụng phòng chức năng để làm phòng học chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Giải pháp được ngành đưa ra là các địa phương cần tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất nhằm đảm bảo đủ phòng học theo lộ trình thực hiện CTGDPTM ở cấp TH. Cũng tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh chỉ đạo, ngoài sự đầu tư của TP, UBND các quận, huyện cần chủ động đầu tư CSVC cho ngành GD-ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu của CTGDPTM. Cũng theo Phó Chủ tịch TP, kể từ năm 2020, theo Luật Đầu tư công mới, ngành GD-ĐT sẽ gặp thuận lợi hơn trong đầu tư xây dựng cơ bản. Cụ thể, làm xong hồ sơ thời gian nào thì sẽ được xem xét đầu tư, không bị ràng buộc về mốc thời gian phải hoàn thành báo cáo thường kỳ trước 31-10 như trước nữa.

Cùng với việc cần quan tâm dành quỹ đất để bố trí cho ngành GD-ĐT, vấn đề mấu chốt là kinh phí để thực hiện các vấn đề vừa nêu trên. Hội đủ các điều kiện này thì mới mong, năm học tới 2020-2021, 100% HS bậc TH trên địa bàn TP Đà Nẵng được học 2 buổi/ngày như tiêu chí mà CTGDPTM đề ra.

P.THỦY