Báo Công An Đà Nẵng

Triển khai dạy & học bài mới qua internet - "Phép thử" thời Covid-19

Thứ tư, 15/04/2020 14:00

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ảnh hưởng và gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, từ đại dịch này cũng đặt ra nhiều "phép thử" về việc học cách ứng phó và tập thích nghi trước mọi hoàn cảnh, tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo đó, việc triển khai dạy-học tiếp chương trình năm học qua internet theo tinh thần giảm tải của Bộ GD-ĐT (sau đây viết tắt là bài học mới CT HKII) cũng được xem là "phép thử" đối với ngành GD-ĐT cả nước nói chung, GD-ĐT Đà Nẵng nói riêng, nhất là đội ngũ giáo viên, học sinh và cả phụ huynh (GV, HS, PH)...

Các em HS bậc tiểu học ở Đà Nẵng học trực tuyến qua internet.

Linh hoạt sử dụng nhiều hình thức dạy-học

Ngày 3-4, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng ban hành Công văn 845 chỉ đạo Phòng GD-ĐT các quận huyện, các đơn vị trường học, trung tâm trực thuộc triển khai việc dạy- học bài học mới CT HKII cho HS ở tất cả các bậc học qua internet, trên truyền hình với nội dung đã được giảm tải.

Bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT TP- cho biết, chủ trương chỉ đạo của Sở, đối với bậc mầm non, tiểu học, dạy- học bài mới CT HKII với tinh thần nhẹ nhàng, tạo tâm lý thoải mái cho HS, không gây áp lực, quá tải cho GV và HS. Riêng đối với bậc THCS, THPT thì dạy theo hướng dẫn của Bộ. "Đối việc triển khai dạy-học bài mới CT HKII  theo hình thức trực tuyến, ngành xác định không thể đạt tỉ lệ 100%. Sở cũng lưu ý các đơn vị, trường học cần rà soát, nắm số lượng HS không thể tham gia học tập qua Internet để có thể hỗ trợ HS học tập bằng các hình thức khác phù hợp. Và sau khi HS  đi học trở lại, ngành sẽ cho rà soát lại tất cả để tổ chức dạy phù đạo cho những HS chưa nắm bắt được kiến thức..."- bà Lê Thị Bích Thuận chia sẻ thêm.

Là một trong các phòng GD-ĐT triển khai thực hiện dạy- học bài mới CT HKII ngay sau khi có công văn chỉ đạo của Sở, Q.Sơn Trà đã có con số thống kê về số lượng HS ở TH, THCS qua internet và các hình thức khác rất ấn tượng. Đơn cử, đối với bậc TH, toàn quận có 12 trường với 12.203 HS thì có 10.713 HS (từ lớp 1 đến lớp 5) tham gia học dưới các hình thức: online (trực tuyến), mạng học liệu (LMS), zalo, gmail...  "Quan điểm của Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà là dù tổ chức hình thức nào thì HS phải tiếp cận bài mới, làm bài tập và GV phải kiểm tra chất lượng bằng bài tập của HS để đánh giá. GV phải chấm, sửa bài cho các em, việc dạy-học bài mới dưới hình thức nào thì cũng phải có sự tương tác giữa hai bên"- ông Võ Trung Minh- Trưởng Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà cho hay.

Tại Hòa Vang, nơi mà đa số gia đình các em HS không có nhiều điều kiện thuận lợi như HS ở trung tâm, tỷ lệ triển khai dạy-học bài mới trực tuyến ở bậc tiểu học trên địa bàn đạt tầm 39%, bậc THCS đạt khoảng 60%. Đặc biệt, đối với bậc TH, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang - Trưởng Phòng GD-ĐT H.Hòa Vang- cho biết, hình thức các trường triển khai dạy học bài mới là qua Zalo, Youtube. Đối với những HS gia đình không có internet thì các trường sử dụng hình thức hướng dẫn nội dung, kiến thức bài mới bằng văn bản gửi cho PH để hướng dẫn cho con tiếp cận với nội dung bài học. "Chúng tôi chỉ chú ý đến tính hiệu quả và tính thực tế chứ không dạy theo số lượng được"- bà Phạm Hồ Quỳnh Trang bày tỏ quan điểm. 

Khó khăn là tất yếu

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng qua tìm hiểu được biết việc triển khai dạy-học tiếp chương trình của năm học trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn.

Về điều này, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hải Châu cho rằng đó là điều tất yếu. Bởi lẽ, phần lớn các trường công lập chưa chuẩn bị đồng bộ hạ tầng kĩ thuật cũng như tập huấn cho GV các kĩ năng cần thiết để triển khai dạy- học theo phương thức mà hiện vẫn còn khá mới mẻ này. Bên cạnh đó, HS và PH cũng chưa kịp chuẩn bị trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc học, nhất là vào thời điểm cả nước đang thực hiện cách ly xã hội thì việc mua sắm, lắp đặt càng trở nên khó khăn... "Xây dựng nội dung dạy- học và thiết kế soạn giảng giáo án điện tử để xuất bản dạy- học trên internet là công việc mà nhiều GV chưa quen, chưa kể còn phải lệ thuộc vào máy móc... Công cụ phần mềm là cái phao để nhà trường và GV bám vào nhằm truyền tải nội dung dạy- học, thu nhận phản hồi để đánh giá HS hiện vẫn chưa xác định thống nhất và chưa có sự đánh giá hiệu quả chi tiết nào trên diện rộng..."- bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD-ĐT Q. Hải Châu trăn trở.

Chia sẻ thêm về khó khăn trong quá trình dạy-học qua internet, ông Võ Thanh Phước- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết: "Khi dạy- học qua internet còn phụ thuộc vào đường truyền mạng. Mạng chập chờn thì hay bị rớt ra ngoài nên HS khi vào học lại sẽ dễ bị trôi kiến thức". Cũng theo ông Võ Thanh Phước, việc triển khai dạy-học qua internet của trường cũng chỉ đạt khoảng 85% đến 90% tùy theo môn học.

"Phép thử" 3 bên

Những ngày đầu triển khai dạy- học bài mới chương trình HKII qua internet ít nhiều đem lại không khí phấn khởi cho HS sau một thời gian dài ở nhà ôn tập bài cũ theo hướng dẫn của GV. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ diễn ra trong những ngày đầu triển khai. Bởi lẽ, không phải HS nào cũng thao tác thuần thục về CNTT, nhất là đối với HS bậc TH. Ngoài ra, không phải HS nào cũng tiếp thu nhanh kiến thức, có ý thức, tính kỷ luật trong học tập.

Về phía PH, đặc biệt là PH có con học bậc TH, không phải ai cũng có thời gian cũng như sự kiên nhẫn để cùng con trong suốt quá trình học trực tuyến, hoặc qua các hình thức dạy-học khác. Ông V.Q.C, PH có con đang theo học lớp 2 tại trường TH Trần Thị Lý, trăn trở chia sẻ suy nghĩ: "Tôi rất ghi nhận sự nỗ lực của ngành cũng như của các trường, các thầy cô. Tuy nhiên, tôi có những âu lo sau: Ở độ tuổi TH, đặc biệt là HS lớp 1, 2, các cháu chưa có đủ kỹ năng để sử dụng các thao tác trên máy tính để tương tác với GV khi học bài mới. Do giao diện nhỏ nên trên màn hình chỉ hiện bài giảng của GV, nên các cháu rất dễ nhàm chán.Trong khi đó, GV thì quá vất vả, hao hơi khản tiếng để giảng bài, hướng dẫn và quản lý HS qua mạng...Theo tôi, tính hiệu quả từ việc dạy học trực tuyến là không cao". Nhiều PH khác khi được hỏi cũng tỏ vẻ quan ngại, không tin tưởng chất lượng, hiệu quả khi học qua internet. "Học trực tiếp ở trường còn chưa ra chi, học qua mạng làm sao GV kiểm tra, giám sát, quản lý hết được học trò"- họ nói.

Qua trao đổi với các nhà quản lý giáo dục, việc tổ chức dạy- học bài mới qua internet, trách nhiệm của GV, đặc biệt là GVCN vô cùng lớn. Điều đó cũng đồng nghĩa áp lực đặt lên vai họ là không hề nhỏ... Trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian đi học lại của HS vẫn chưa được xác định thì việc dạy-học qua internet là sự lựa chọn tất yếu. Vì vậy, GV, HS và PHHS buộc phải tập thích nghi với môi trường dạy-học này.

Phan Thủy