Triển khai ngay các giải pháp giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh nCoV
Kết luận nội dung kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2020, chiều 5-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh nCoV; có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. |
Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Diễn biến của dịch nCoV còn phức tạp, khó lường, mà theo một số nhận định có thể vào đỉnh dịch trong tuần tới và dịch có thể kéo dài. Trước tình hình dịch, Thủ tướng nêu rõ, tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động; ổn định xã hội đồng thời chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả các mặt trận từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội. Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống, không được để dịch bệnh lây lan. Có kịch bản, phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân. Vừa chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm, vừa đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác.
Nhấn mạnh không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ này là một thử thách lớn cần phải đối mặt và vượt qua để giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỉ giá, xuất khẩu. Đi liền với đó là tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội theo kịch bản mới. Chủ động tìm kiếm thị trường. Chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không ngành nào được dừng lại. Tiếp tục phát huy nền tảng, cơ đồ và vị thế của Việt Nam trong năm 2019, nhất là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Phát huy tinh thần chủ động cách ly
“Thực hiện cách ly tại cộng đồng, mỗi một người tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan. Dập dịch nhanh, dứt khoát vừa đảm bảo cơ hội chống dịch vừa đảm bảo ổn định xã hội, kinh tế phát triển”. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch vào chiều 5-2 tại Trụ sở Chính phủ.
Bộ Y tế cho biết, tính đến 16 giờ ngày 5-2 có 24.567 người mắc bệnh tại Trung Quốc và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ; 493 người tử vong, 3.223 người nguy kịch; 907 người phục hồi xuất viện. Tại Việt Nam, tổng số có 10 ca nhiễm, 409 ca nghi ngờ, trong đó có 347 trường hợp đã loại trừ; số tiếp xúc gần đang được theo dõi 349; đặc biệt đã điều trị thành công 3 người ở các tỉnh: Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn kiểm tra tại các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên… chuẩn bị tập huấn với 63 tỉnh về điều trị, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Bộ Y tế chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Paster rà soát, chuẩn hóa quy trình xét nghiệm, chia sẻ các sinh phẩm xét nghiệm, tập huấn xét nghiệm nCoV.
950 công dân Việt Nam trở về từ vùng có dịch
Chiều 5-2, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra tại Trung đoàn 59 thuộc Sư đoàn bộ binh 301 (Chương Mỹ, Hà Nội) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) về công tác chuẩn bị đón tiếp, cách ly 950 công dân Việt Nam trở về từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
Khu vực cách ly tại Trung đoàn 59 thuộc Sư đoàn Bộ binh 301 (Chương Mỹ, Hà Nội) gồm 4 tầng, có khả năng tiếp đón và chăm sóc cho 200 người. Khu vực cách ly của Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội gồm 2 tòa nhà, có khả năng tiếp đón và chăm sóc cho 800 người. Mỗi tầng của các tòa nhà đều có một phòng sinh hoạt tập trung, có tivi, bàn uống nước. Hiện nay, toàn bộ các tòa nhà của 2 địa điểm cách ly đều đã hoàn thành xong tổng vệ sinh, phun khử trùng. Các đơn vị Quân đội đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, cơ sở vật chất, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt cho biết, việc các đơn vị Quân đội tổ chức tiếp nhận, cách ly các công dân trở về từ các quốc gia có dịch, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có dịch của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân, cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang. Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất, có kế hoạch rất cụ thể và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án này. Hiện nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô chưa tiếp nhận công dân nào, nhưng Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3 đã từng bước tiếp nhận các công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua đường bộ, cửa khẩu và đường sắt. Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã cho phép các công dân trở về từ Trung Quốc qua Cảng Hàng không quốc tế quân đội của tỉnh Quảng Ninh.
QUỲNH NHƯ – TTXVN