Báo Công An Đà Nẵng

Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Tiết kiệm 1,4 triệu USD mỗi năm

Thứ năm, 25/09/2014 08:39

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-9 tại TP Đà Nẵng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảoTriển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, phổ biến nội dung Thông tư 119/2014/TT-BTC và lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục thuế.

* Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt trong đó là yêu cầu trong năm 2015 phải giảm số giờ kê khai, nộp thuế của Việt Nam ngang bằng với các nước ASEAN-6 là 171 giờ. Cả thuế và BHXH phải giảm được 701 giờ (Thuế phải giảm được 421 giờ, còn 121 giờ; BHXH phải giảm được 285 giờ, còn 50 giờ). Được biết, số giờ khai, nộp thuế, BH của Việt Nam hiện nay là 872 giờ/năm (Thuế là 537 giờ, các khoản bảo hiểm là 335 giờ).

Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 Doanh nghiệp (DN), các chi cục Thuế, BHXH một số tỉnh miền Trung. Các đại biểu tham gia đã được phổ biến các nội dung cơ bản của Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25-8 của Bộ Tài chính về sửa đổi 7 thông tư về thủ tục thuế và Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 5-8 của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 19 là đưa Việt Nam đạt mức hiệu quả trung bình của nhóm các nước ASEAN-6 trong các chỉ số “kinh doanh” cơ bản. Hội thảo đã cung cấp các thông tin chi tiết cho cộng đồng DN về chỉ số “cải thiện hiệu quả nộp thuế” của Ngân hàng Thế giới theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 5-8-2014.

Mục tiêu của Việt Nam là đến cuối năm 2014, 95% DN sẽ khai thuế điện tử; 15/63 địa phương thực hiện nộp thuế điện tử và toàn bộ các tỉnh thành sẽ thực hiện nộp thuế điện tử trong năm 2015. Những thay đổi này sẽ góp phần giảm 50% số giờ thực hiện thủ tục nộp thuế của DN vào cuối năm 2015.

Bên cạnh đó, Thông tư 119 đã tiếp nhận các góp ý và hỗ trợ kỹ thuật của dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng cường toàn diện và giảm được 200 giờ nộp thuế cho DN, số giờ ước tính sẽ tiết kiệm hơn 1,4 triệu USD mỗi năm. Hội thảo cũng đã trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của DN đối với Thông tư 119/2014/TT-BTC và Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định về thuế của Chính phủ trong việc nộp thuế và đóng BHXH.

Đây cũng là chương trình chung nằm trong khuôn khổ Chiến lược Hợp tác phát triển quốc gia của USAID tại Việt Nam giai đoạn 2014-2018 với dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” của USAID đang cùng Chính phủ, cộng đồng DN và các tổ chức xã hội năng động giúp Việt Nam tăng trưởng với sự tham gia nhiều hơn của mọi thành phần và có trách nhiệm hơn đối với người dân của mình. Nhiều DN cũng đưa ra một số kiến nghị sửa đổi về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường,  thuế nhà thầu nước ngoài...

Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, trên cơ sở những ý kiến này, Hội sẽ tổng  hợp, trình lãnh đạo xem xét... Mục tiêu chính của Dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” hướng đến 5 mục tiêu lớn gồm: Tăng cường thương mại và đầu tư; đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của lĩnh vực tư nhân; tăng cường nhà nước pháp quyền và hiệu quả hoạt động tư pháp; quản lý tài chính và hành chính công hiệu quả hơn; tham gia toàn diện về kinh tế và xã hội được rộng mở hơn.

Dự án sẽ cung cấp trợ giúp kỹ thuật, các khóa đào tạo và hỗ trợ trực tiếp khác cho chính phủ, thông qua cơ quan chủ quản là Bộ Tư pháp, nhằm cải thiện chất lượng chính sách, triển khai, giám sát, quản lý thực hiện và những cơ chế giải trình khác. Dự án khuyến khích sự trao đổi, xây dựng mạng lưới và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, khu vực tư, các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức xã hội, các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học.

Đến năm 2015, thủ tục thuế sẽ còn là 171 giờ/năm, giảm 701 giờ/năm.

Thông qua việc khảo sát tại các tỉnh, thành phố miền Trung cho thấy, các DN đều mong muốn đổi mới, đơn giản hóa thủ tục nhanh, gọn. Do đó các địa phương cần thiết phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tuy vậy để việc triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ cần sự chung tay, phối hợp giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng DN.

Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam cho biết: “Về căn bản, nguyên nhân số giờ khai nộp thuế ở Việt Nam cao là do DN mất nhiều thời gian để chuẩn bị tài liệu sổ sách, hồ sơ chứng từ để phục vụ cho mục tiêu tính thuế, do còn nhiều quy định trong chính sách thuế khác biệt với quy trình của kế toán; tờ khai thuế GTGT còn nhiều mẫu biểu, bảng kê, phụ lục... kèm theo (9 biểu kê khai); nhiều chỉ tiêu trong hồ sơ khai bị trùng lặp, không cần thiết; Việc kê khai điều chỉnh, đối chiếu hóa đơn mua/bán HHDV, với các chứng từ thanh toán hàng trả chậm... làm tăng khối lượng công việc và thời gian của doanh nghiệp; Người nộp thuế còn phải ghi thông tin về mục lục Ngân sách Nhà nước trên giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước (loại, khoản, hạng mục cho từng sắc thuế) làm phát sinh nhiều sai sót phải điều chỉnh”.

Lê Anh Tuấn