Triển khai sớm dự án cảng biển Liên Chiểu
Tại buổi kiểm tra thực tế dự án cảng biển Liên Chiểu và làm việc với TP Đà Nẵng, Q. Liên Chiểu chiều 28-3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án và mong rằng, cảng biển Liên Chiểu sẽ góp phần cùng Đà Nẵng chuyển mình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo ông Trần Phước Sơn- Bí thư Quận ủy Liên Chiểu: Đây là dự án trọng điểm, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Thủ tướng cũng giao UBND TP Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản dự án Bến cảng Liên Chiểu. Ông Sơn cho rằng, Liên Chiểu là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn, quận vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Cùng với định hướng phát triển theo tinh thần Kết luận 24-K1L/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “tiếp tục xây dựng và phát triển Liên Chiểu trở thành đô thị lớn phía Tây Bắc của thành phố, là trọng điểm phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; đầu mối giao thông quan trọng; một trong những trung tâm giáo dục- đào tạo, trung tâm y tế, là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh”, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng biển Liên Chiểu sẽ tạo điều kiện tốt để Liên Chiểu phát triển, chuyển mình.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, cảng Liên Chiểu là cảng biển của cả miền Trung. Việc di dời Tiên Sa đến Liên Chiểu là rất đúng đắn. Vì vậy, ngay lúc này, Đà Nẵng cùng với Q. Liên Chiểu cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư nhanh, để tháng 7 Quốc hội thông qua sẽ bắt tay vào làm ngay. Về phía Bộ, ông Dũng cam kết nếu Đà Nẵng triển khai sớm sẽ bố trí vốn ngay để làm, thậm chí là làm luôn giai đoạn 2. Cùng với đầu tư cảng Liên Chiểu, địa phương cũng tính toán quy hoạch lại tổng thể hạ tầng, dịch vụ tại quận Liên Chiểu, tạo ra bộ mặt đô thị cảng. “Không có nơi nào lợi thế như Đà Nẵng. Chúng ta có cảng biển, khu công nghệ cao, sân bay quốc tế, có kết nối tuyến cao tốc, vì vậy cần tận dụng lợi thế để phát triển nhanh. Như làm dự án cảng Liên Chiểu, chỉ TP Đà Nẵng một mình gánh vác sẽ rất khó. Tôi cũng hiểu Đà Nẵng đang còn gặp khó khăn nhiều, nhất là vừa trải qua các đợt dịch bệnh Covid-19. Thế nên để chung tay gánh vác, Trung ương sẽ hỗ trợ một phần để xây dựng dự án, trước mắt giai đoạn 1 là 2.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, sẽ bố trí 200 tỷ đồng để bắt tay vào làm ngay. Tôi xin nhắc lại rằng, Đà Nẵng là trung tâm động lực, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong khi đó Liên Chiểu cũng là quận quan trọng. Vì vậy, đầu tư cho cảng Liên Chiểu Đà Nẵng là đầu tư không chỉ cho Đà Nẵng mà là đầu tư để thức đẩy sự phát triển kinh tế cho cả vùng. Nhưng song song với thực hiện dự án cảng biển, Liên Chiểu cần phải phát triển thêm những dự án, dịch vụ khác, để cùng thành phố vực dậy nền kinh tế. Tôi mong muốn với việc phát triển cảng biển Liên Chiểu, tới đây Đà Nẵng sẽ chuyển mình, trỗi dậy mạnh mẽ, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư. Làm được vậy, chúng ta phải có hạ tầng tốt, dịch vụ tốt thì nhà đầu tư nhìn vào mới thích”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (giữa) nghe báo cáo dự án tại hiện trường. |
Tại buổi làm việc, theo đề xuất của TP Đà Nẵng và Q. Liên Chiểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư cũng đồng ý về mặt chủ trương, cam kết sẽ hỗ trợ Đà Nẵng làm tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài đến cảng Liên Chiểu không ngang qua quốc lộ. Tuyến đường có chiều dài khoảng 3km cùng một cây cầu. Bộ trưởng cũng yêu cầu Đà Nẵng chuẩn bị các thủ tục đề xuất bổ sung để Bộ cân đối, bổ sung nguồn vốn làm dự án bổ sung này, bởi theo Bộ trưởng, đây là tuyến đường rất đẹp và thuận tiện khi thực hiện dự án cảng Liên Chiểu.
Như chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, dự án cảng Liên Chiểu vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung giai đoạn đầu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và trong khu vực. Quy mô dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teu.
Dự án sẽ xây dựng tuyến kè chắn sóng dài khoảng 820m và đê chắn sóng dài khoảng 350 m; luồng tàu và khu nước; khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải; giao thông kết nối với cảng: đường bộ kết nối từ đường nội bộ của cảng đi QL1A mới; hạ tầng kỹ thuật khác như gia cố, san nền tôn tạo mặt bằng; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 3.426,3 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ dự án là 2.994,59 tỷ đồng; phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương của TP Đà Nẵng. Thủ tướng cũng đã giao UBND TP Đà Nẵng đảm bảo cân đối, bố trí đủ vốn của địa phương và vốn ứng trước trong trường hợp ngân sách trung ương bố trí chưa kịp tiến độ để thực hiện Dự án hoàn thành vào năm 2025 như cam kết.
Công Hạnh