Báo Công An Đà Nẵng

Triển khai trạm y tế lưu động phản ứng nhanh khi có ca mắc COVID-19 tại Khu công nghiệp

Thứ bảy, 18/12/2021 13:30

Trang thiết bị hiện đại trong valy y tế sẽ được trang bị cho các Trạm, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các KCN.

Bệnh viện 199 - Bộ CA đã phối hợp Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Bộ Y tế và Ban Quản lý Khu công nghiệp Đà Nẵng triển khai Trạm y tế lưu động phòng chống COVID-19. Đây là phương án nhằm tạo sự chủ động để thực hiện ngay các biện pháp xử trí khi có ca COVID-19 là người lao động được phát hiện tại cơ sở sản xuất kinh doanh/doanh nghiệp.

Theo Đại tá Quách Hữu Trung – Giám đốc Bệnh viện 199, Trạm y tế lưu động của Bệnh viện đặt tại KCN Hòa Khánh và KCN An Đồn, được vận hành với sự phối hợp của Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Trạm có chức năng chủ động phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thu dung và điều trị những người lao động nhiễm COVID-19 đồng thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp. Lực lượng y tế sẽ triển khai các biện pháp để phát hiện, phân loại, cách ly, điều trị sớm các trường hợp nhiễm COVID-19 trong các nhà máy và chuyển tuyến kịp thời với những trường hợp diễn biến nặng.

Tại KCN Hòa Khánh, trạm có diện tích 400m2 với quy mô 40 giường cách ly, điều trị tạm thời F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Sau khi vận hành ổn định, trong trường hợp số lượng bệnh nhân nhiều sẽ mở rộng triển khai thêm 100 -200 giường. Tại KCN An Đồn, Trạm được thiết lập trên diện tích 300m2 với 30 giường cách ly, sau đó sẽ chủ động mở rộng tùy tình hình thực tế. Đối với nhóm bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng, Trạm sẽ chuyển người và kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính đến khu cách ly để theo dõi, chăm sóc y tế và phân loại. Trong quá trình này, nếu có xuất hiện triệu chứng lâm sàng sẽ phải sang phòng riêng để được chăm sóc và chờ chuyển đến cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Những bệnh nhân COVID-19 đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính cũng được chuyển sang phòng riêng. Nhóm bệnh nhân có triệu chứng nhẹ sẽ được chăm sóc y tế tại trạm y tế có trang bị camera theo dõi, bình oxy và một số phương tiện cấp cứu. Những người có bệnh nền, béo phì, có dấu hiệu thiếu ôxy sẽ chuyển đến cơ sở điêu trị bệnh nhân COVID-19 để được chăm sóc kịp thời. Phía Bệnh viện 199 sẽ chuẩn bị nền tảng về công nghệ để đánh giá nguy cơ COVID 19 trực tuyến cho các doanh nghiệp (Atalink) và website, App theo dõi, tư vấn, điều trị và lập hồ sơ sức khỏe cho công nhân. Cùng với đó là các trang thiết bị như xe cứu thương, bình oxy, máy đo SpO2... Thành phố Đà Nẵng sẽ trang bị 32 giường 2 tầng, 10 giường đơn, hệ thống máy tính kết nối internet, tivi, camera quan sát, sinh phẩm xét nghiệm, đồ bảo hộ, dụng cụ lấy mẫu... để phục vụ cho quá trình vận hành. Nguồn nhân lực thường trực tại trung tâm gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, 1 lái xe. Khi có bùng phát dịch trong KCN, tùy theo mức độ sẽ huy động nhân lực từ bệnh viện 199 và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang để thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, sơ cấp cứu thường trực 24/24h, gồm bác sĩ đa khoa, truyền nhiễm, sản khoa, điều dưỡng. “Sau khi thiết lập Trạm, cùng với việc xử trí tại hiện trường, thông tin tình hình sẽ kết nối thẳng về Bệnh viện để phối hợp giải quyết, có phương án hiệu quả, kịp thời. Bệnh viện cũng đưa vào hoạt động phần mềm đánh giá nguy cơ nhiễm COVID-19 trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN chủ động, yên tâm với công tác sàng lọc, phân luồng, theo dõi. Đảm bảo việc kinh doanh sản xuất vận hành tốt”, Đại tá Quách Hữu Trung cho biết.

Ông Trần Văn Tỵ - Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đánh giá, trong bối cảnh cơ sở Y tế địa phương vất vả, áp lực trong một thời gian dài, Trạm y tế lưu động được thành lập là phản ứng nhanh nhạy, kịp thời của Bệnh viện 199. Với những diễn biến phức tạp như trong những ngày qua, đây là phương án cần thiết, hiệu quả trong chăm lo sức khỏe cho người lao động đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN không bị đứt gãy trong tình huống có ca mắc COVID-19 tại các dây chuyền sản xuất.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Trung –Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Bộ Y tế, trong bối cảnh mới, việc phòng chống dịch cần có sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là sự hỗ trợ về địa điểm, cơ sở vật chất, nhân lực. Trạm y tế lưu động phòng chống COVID-19 của Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm của một số địa phương đã thiết lập trước đây để có phương án vận hành tốt nhất, đặc biệt là chức năng nhiệm vụ. “Việc triển khai trên thực tế của Bệnh viện 199 là rất nhanh chóng và kịp thời. Để tránh những bất cập, lúng túng như đã xảy ra tại một số địa phương, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể để các đơn vị vận hành Trạm có hành lang pháp lý đủ mạnh, hoạt động hiệu quả. Mô hình này vận hành như một trạm y tế phường xã nhưng có thêm những chức năng khác biệt”, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Trung trao đổi.

CÔNG KHANH