Báo Công An Đà Nẵng

Triển lãm “Nghệ thuật đảo ngược– Upsidedownism” của Họa sĩ Nguyễn Đại Giang: Sự kế thừa bản sắc văn hóa Việt

Thứ bảy, 10/11/2018 11:45

Chiều mai (ngày 11-11), tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78-Lê Duẩn, TP Đà Nẵng) khai mạc triển lãm “Nghệ thuật đảo ngược– Upsidedownism” của Họa sĩ Nguyễn Đại Giang. Đây là lần đầu tiên tại Đà Nẵng và lần thứ 4 trên cả nước, “ Nghệ thuật đảo ngược” - một trường phái nghệ thuật mới lạ, đặc sắc và đầy ấn tượng được giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật. Trước đó, triển lãm đã ra mắt ở TP Hồ Chí Minh (2009), Hà Nội (2014), và Huế (2016).

Một số tác phẩm của Nguyễn Đại Giang tại triển lãm.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang, sinh năm 1944 tại Hà Nội. Năm 1965, ông tốt nghiệp Trung cấp mỹ thuật công nghiệp khóa đầu tiên tại Hà Nội. Năm 1968, học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1974, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tại Moscow, Nga. Từ năm 1992 đến nay, ông định cư ở Seattle, Washington, Mỹ. Tên tuổi của ông gắn liền với trường phái tranh đảo ngược đã ghi vào cuốn 500 người sáng lập của thế kỷ XXI (500 founders of Century 21, Anh), Từ điển những họa sĩ quốc tế (Dictionary of International artists, Mỹ), Những họa sĩ quốc tế quan trọng của thế giới (Important international Artist of the world, Mỹ), Thiên tài sáng tạo (Creative Genius, Anh)... Ông đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm và giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Bộ sưu tập tranh của ông có mặt tại Bảo tàng nghệ thuật Voronezh Nga và Bảo tàng Seattle. Các bộ sưu tập riêng có mặt tại Mỹ, Nhật Bản, Canada, Bỉ, Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha, Hồng Kông...

Tranh đảo ngược của họa sĩ Nguyễn Đại Giang cổ điển mà mới mẻ, thường đem đến người thưởng ngoạn ấn tượng vui tươi, sự hài hước và yêu đời. Màu sắc trong tranh của ông giản dị và gần gũi nhưng rất riêng, không lẫn vào đâu được. Bởi nơi đó ẩn giấu sự khắc khoải, bàng bạc nỗi thương nhớ quê nhà. Đặc biệt, với tình cảm yêu mến dành cho miền Trung Việt Nam, trong 22 tác phẩm vẽ bằng chất liệu sơn dầu và acrylic tham dự triển lãm lần này, Nguyễn Đại Giang rất tâm đắc với 2 tác phẩm đề tài về văn hóa, con người miền Trung, đó là “Bài Chòi” và “Chân dung Bùi Giáng”. “Nghệ thuật đảo ngược” do họa sĩ Nguyễn Đại Giang khởi xướng từ năm 1994, khi ông vừa đặt chân lên đất Mỹ. Cũng ngay năm đó, Michael Talevich, một thợ mộc sống ở Seattle đã mua bức tranh “The Singers in public market Seattle” của Nguyễn Đại Giang với giá 1.000 USD. 10 năm sau, ông này bán lại cho Thomas Edward, 1 nhà sưu tập (ở Ohio) với giá 10.000 USD. Ông chia sẻ: “Khi tôi dấn thân vào Upsidedownism, tôi chỉ nhớ có một điều: đấy là nhìn vào bản ngã của mình và vẽ nó. Tôi chọn tự do sáng tạo trong sự thuần túy, tinh khiết của nó, tóm lại là không pha tạp. Càng tự do thì nghệ thuật càng bay bổng. Độc lập và tự do là những yếu tố cơ bản của sự sáng tạo. Để sáng tạo, ta phải vượt qua các giới hạn về địa lý, về phong tục, các thói quen… để đến được với ý nghĩa của cái đẹp tuyệt đối vượt thời gian”. Theo họa sĩ Nguyễn Đại Giang, mỗi một người trong cuộc đời có lúc buồn lúc vui, lúc khỏe mạnh khi ốm đau. Thiên nhiên cũng vậy: mùa đông lạnh lẽo, mùa hè nóng bỏng. Dù mình không muốn thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nghệ thuật tranh đảo ngược của tôi là vẽ hai chiều, tức là chấp nhận thêm chiều vô lý trong đó. Điều đó không có nghĩa là mình bênh vực cái vô lý, mà trời đất như vậy, ta phải chấp nhận. Nó cũng giống như trong âm có dương, trong dương có âm. Sự đảo ngược mang tới niềm lạc quan, giúp con người nhìn cuộc đời vẫn tươi đẹp, dù cuộc đời không phải lúc nào cũng vậy. Ông nói: “Nghệ thuật đảo ngược này, tôi được kế thừa và phát triển từ chính tổ tiên chúng ta, có từ 1.000 năm trước. Đó chính là những bức vẽ đảo ngược trên đá ở bãi đá cổ Sa Pa, các bức tranh tường ở đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ thứ XVII. Chính là tổ tiên ta chứ không phải đâu xa lạ. Ở nước ngoài, nếu là họa sĩ Việt, vẽ không có bản sắc dân tộc, thì anh chẳng là ai”. Và ông nhấn mạnh: “Tranh của tôi là sự tiếp nối truyền thống của Việt Nam, một truyền thống rất nhân văn. Anh có bao dung thì mới chấp nhận được cái vô lý trong đó. Tất cả cũng vì tình yêu quê hương. Đam mê, cống hiến của bản thân tôi không có gì ngoài mục đích đưa bản sắc văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè thế giới. Muốn vậy phải tạo ra cái riêng độc đáo, mới lạ ngay ở chính bản thân mình đầu tiên”.

Nhiều nhà phê bình hội họa trong và ngoài nước đánh giá cao các tác phẩm của Nguyễn Đại Giang. Theo ông Ruthie Tucker - Giám đốc, phụ trách Gallerry Whitney Amsterdam (New York, Mỹ): “Nghệ sĩ Đại Giang là một nhà cải cách, người đã thiết lập về cơ bản một trào lưu nghệ thuật mới. Ảnh hưởng của nó vừa thách thức sự kỳ vọng của chúng ta, vừa cho chúng ta một cách nhìn mới hoàn toàn độc đáo. Trường phái đảo nghịch mà Đại Giang xây dựng là một sự tạo hình không cân đối về mặt hình thể học, nhưng lại hoàn toàn chính xác về mặt cảm xúc, nằm trong xu hướng của Picasso và các nhà cải cách thế kỷ XX. Upsidedownism của Đại Giang thật khó phân loại: nó có một chút siêu thực, một chút hình thể, một chút dada, và rất nhiều tính chất nguyên thủy của họa sĩ”. Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc (Huế) cho biết, vào năm 2009 anh có viết bài thơ “Lộn ngược” với những câu như: “Nếu có một cú lộn ngược/Chúng ta sẽ có bốn con mắt cá chân để nhìn/ Hai bàn chân để suy nghĩ/ Hai đầu gối để hôn người yêu…” sau đó, bài thơ in trên một trang thơ Tân hình thức, cùng với tranh minh họa hết sức đặc sắc của họa sĩ Nguyễn Đại Giang. Đó cũng là lần đầu tiên anh tiếp cận tranh “đảo ngược” và hết sức bất ngờ về nghệ thuật này. Họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã được nhiều giải thưởng lớn trên thế giới. Một trong số những bức ông tâm đắc nhất là bức “Ca trù”. Bức này được đánh giá cao tại Mỹ khi nó được vinh danh kiệt tác của thế giới (Master of the world) và giải thưởng danh dự, bằng xuất sắc do Artoteque.com, London trao tặng năm 2007. Hiện nay, ở tuổi thất thập cổ lai hy, họa sĩ vẫn tiếp tục sáng tác để chuẩn bị cho triển lãm sắp tới tại Mỹ.

Triển lãm “Nghệ thuật đảo ngược” tại Đà Nẵng sẽ diễn ra đến ngày  17-11. Trong thời gian này, những người quan tâm yêu chuộng nghệ thuật sẽ được mục sở thị họa sĩ Đại Giang vẽ chân dung Đảo ngược ngay tại phòng triển lãm.

TRẦN TRUNG SÁNG