Báo Công An Đà Nẵng

Triển vọng điều chế thuốc điều trị COVID-19 từ nọc độc của rắn

Thứ tư, 01/09/2021 16:16

Một nghiên cứu mới nhất tại Brazil cho thấy, phân tử trong nọc của một loại rắn độc có khả năng ức chế virus SARS-CoV-2 nhân lên, mở ra  triển vọng cho việc nghiên cứu thuốc kháng virus gây bệnh COVID-19.

Một nhà khoa học kiểm tra mẫu thử khi nghiên cứu dùng phân tử trong nọc độc rắn để chống lại SARS-CoV-2.  Ảnh: Reuters

Theo nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí khoa học Molecules, phân tử có trong nọc độc của loài rắn jararacussu có thể gây ức chế tới 75% khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 có trong tế bào của khỉ. Phân tử này là một peptide hay được hiểu là chuỗi axit amin, có thể kết nối với một loại enzyme của SARS-CoV-2 có tên là PLPro. Enzyme này rất quan trọng đối với sự sinh sản của virus mà không làm tổn thương các tế bào khác. Không chỉ có trong nọc độc của rắn jararacussu, phân tử có đặc tính kháng khuẩn này còn có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Rafael Guido, giáo sư Đại học Sao Paulo, Brazil và là một tác giả của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đã chứng minh được thành phần nọc rắn này có thể ức chế một loại protein rất quan trọng của virus". Ngoài ra, ông Guido cho biết, phân tử trên có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, không cần tới quá trình nuôi hoặc bắt rắn. Theo Reuters, nghiên cứu này được xem là một trong những bước đầu tiên có thể đặt nền tảng cho việc điều chế ra một loại thuốc chống lại virus gây nên bệnh COVID-19.

Đại học bang Sao Paulo cho biết hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục đánh giá tính hiệu quả khi sử dụng liều lượng khác nhau của phân tử tìm thấy trong nọc độc rắn, cũng như khả năng phân tử này giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào. Các nhà nghiên cứu đang đặt kỳ vọng có thể sớm tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người đối với phân tử vừa được phát hiện trong nọc độc của rắn

Tuy nhiên, Giuseppe Puorto, một nhà nghiên tại Viện Butantan ở Sao Paulo bày tỏ lo lắng khi "nhiều người đã bắt đầu đi săn rắn jararacussu ở Brazil vì nghĩ rằng chúng sẽ cứu được thế giới". Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh rằng, phân tử trong nọc độc rắn mới là thứ được xem có hiệu quả trong việc ức chế SARS-CoV-2 chứ không phải cả con rắn.

Jararacussu là một trong những loài rắn lớn nhất ở Brazil, có chiều dài tới 2m. Loài rắn này thường sống ở khu vực rừng ở Nam Mỹ và cũng đã xuất hiện ở Bolivia, Paraguay và Argentine.

Một con rắn jararacussu tại Viện nghiên cứu Butantan ở Sao Paulo, Brazil.  Ảnh: Reuters

WHO theo dõi biến thể mới có khả năng kháng vaccine

Trong khi đó, ngày 31-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bùng phát ở Colombia hồi tháng 1 đầu năm.

Biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu, đã được WHO phân loại là “biến thể đáng quan tâm”. WHO cho biết biến thể Mu chứa các đột biến có khả năng kháng vaccine, do đó cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về biến thể này. "Biến chủng Mu có một loạt đột biến cho thấy đặc tính tiềm ẩn về khả năng tránh miễn dịch", WHO nhận xét. Tất cả các virus, gồm cả virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đều biến đổi theo thời gian và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến các đặc tính của virus. Tuy nhiên, một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, khả năng kháng vaccine và thuốc điều trị.

Hiện WHO phân loại 4 biến thể virus SARS-CoV-2 ở mức “đáng lo ngại”, trong đó có biến thể Alpha xuất hiện ở 193 quốc gia, vùng lãnh thổ và biến thể Delta xuất hiện ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có 5 biến thể, gồm biến thể Mu, đang được theo dõi.  Sau khi bùng phát ở Colombia hồi đầu năm, biến thể Mu đã lan sang các quốc gia khác ở Nam Mỹ và châu Âu. WHO cho biết biến thể Mu chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở Colombia, tỷ lệ này là 39%.

Ngày càng có nhiều lo ngại về sự xuất hiện của các biến chủng virus mới khi số ca nhiễm tăng trở lại trên toàn cầu. Hiện biến chủng Delta đang chiếm ưu thế, đặc biệt ở những nhóm người chưa được tiêm chủng và các khu vực nới lỏng biện pháp chống dịch.

Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, giám đốc điều hành Viện Thông tin Sinh học thuộc Cơ quan Khoa học Singapore, cho biết virus SARS-CoV-2 đã trải qua hơn 6.600 lần đột biến riêng biệt ở protein gai kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019.

THANH VĂN