Báo Công An Đà Nẵng

Triển vọng đột phá ở Milan

Thứ bảy, 18/10/2014 11:50

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko ngày 17-10 gặp nhau ở Milan, Italia, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), cuộc hội đàm quan trọng giúp hạ nhiệt căng thẳng song phương.

Sau cuộc họp, Tổng thống Putin tỏ ra rất lạc quan khi tuyên bố, cuộc hội đàm diễn ra “rất tốt và tích cực”. Hình ảnh tại cuộc họp cho thấy, ông Putin và Poroshenko thân thiện bắt tay nhau trước khi đàm phán với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, gieo nhiều hy vọng về thỏa thuận quan trọng cho khủng hoảng Ukraine.

Thủ tướng nước chủ nhà Matteo Renzi - chủ trì hội nghị lần này - cũng bày tỏ “lạc quan” về triển vọng hướng đến giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine. “Tôi hy vọng tinh thần của cuộc đối thoại... sẽ được duy trì”, ông Renzi nói đồng thời nhấn mạnh rõ tính cấp bách trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine, vốn cướp đi sinh mạng của hơn 3.600 người.

Từ trái qua – Các nhà lãnh đạo Francois Hollande, Vladimir Putin, Matteo Renzi, Petro Poroshenko tại cuộc hội đàm bên lề Hội nghị ASEM hôm 17-10. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, bất chấp những bình luận tích cực đó, vẫn chưa có dấu hiệu về bước đột phá mang tính quyết định trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine và tranh chấp về khí đốt. Theo giới phân tích, tất cả có thể do những bất đồng quá lớn về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng vốn đã làm sống lại sự đối đầu nguy hiểm thời Chiến tranh Lạnh tại cuộc họp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ giữa Tổng thống Putin với Thủ tướng Merkel.

“Hai nhà lãnh đạo tiếp tục thể hiện sự khác biệt trong quan điểm về nguồn gốc xung đột ở Ukraine cũng như các nguyên nhân gốc rễ cho những gì đang xảy ra hiện nay”, Điện Kremlin tuyên bố. Thủ tướng Merkel cho rằng, Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm “hàng đầu” nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn mong manh và kế hoạch hòa bình được nhất trí hôm 5-9 giữa chính quyền Kiev và phe nổi dậy ủng hộ Nga “sẽ được thực thi thực sự”. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cũng tố cáo nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu không thừa nhận “thực tế” ở Ukraine khiến bàn đối thoại thực sự gặp khó khăn.

Phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc Điện Kremlin hỗ trợ phe nổi dậy ở đông Ukraine. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc này. Tranh cãi nổ ra khiến quan hệ hai bờ Đông-Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Đây là lần thứ 3 trong thập kỷ qua, Kiev-Moscow vướng vào tranh cãi về giá cả khí đốt. Song đây lại là lần đầu tiên, tình trạng căng thẳng lên đến đỉnh điểm bởi tác động của cuộc chiến miền đông Ukraine.

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ cắt giảm nguồn cung khí đốt cho Châu Âu nếu Ukraine đánh cắp từ các đường ống dẫn quá cảnh để trang trải nhu cầu riêng, mặc dù ông nói thêm rằng ông “hy vọng” mọi việc sẽ không đi quá xa. “Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng sẽ không có cuộc khủng hoảng năng lượng khiến các đối tác của Nga tổn thương”, ông Putin khẳng định.

Đức là bạn hàng khí đốt lớn nhất của Nga ở Châu Âu, với hóa đơn khoảng 15 tỷ USD/năm. Các thành viên EU như Bulgaria và Slovakia gần như hoàn toàn nhập khẩu khí đốt của Moscow qua Kiev. Giờ đây, Châu Âu lo việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine sẽ đe dọa dòng chảy khí đốt cho phần còn lại của châu lục này. EU vì vậy hiện làm việc chăm chỉ để các bên đạt thỏa thuận trong mùa đông này.

Hội nghị ASEM tại Milan, là cơ hội để các bên thu hẹp những bất đồng. Tuy nhiên, việc các nước phương Tây tiếp tục giọng điệu đổ lỗi cho Điện Kremlin trở thành chướng ngại vật lớn trên con đường hòa giải giữa hai bên.

Khả Anh