Báo Công An Đà Nẵng

Triển vọng Hiệp định TPP mới

Thứ hai, 13/11/2017 14:40

Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra họp bàn và được đánh giá là thành công trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đó là các Bộ trưởng đã thống nhất đổi tên gọi mới cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi chủ trì buổi họp báo.

Đã tìm ra thỏa thuận chung

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các Bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp để thảo luận về việc sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong tình hình mới. Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết có 20 điều khoản tạm hoãn, bao gồm điều khoản về sở hữu trí tuệ. Đồng thời ra tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng “giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP” nhưng cho phép các nước thành viên “tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ” để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Tuy nhiên ông Motegi cho rằng với 8.000 trang của CPTPP, chỉ có 20 điều khoản tạm hoãn, cho thấy sự nỗ lực của tất cả các đoàn là rất lớn và mở ra một triển vọng mới cho Hiệp định TPP. Ông Motegi cũng cho biết các bên đạt được đồng thuận chung và kêu gọi Mỹ quay trở lại Hiệp định TPP.

Các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP là một Hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ trưởng các nước tham gia TPP đều khẳng định quyết tâm tiếp tục cam kết thực hiện lộ trình TPP thể hiện qua 2 từ bổ sung “toàn diện” và “tiến bộ”. Đây là mục tiêu chung và bao trùm của Hiệp định TPP. Chính vì vậy, tên gọi mới Hiệp định CPTPP được sự đồng thuận rất cao của các Bộ trưởng.

“Khi đạt được thỏa thuận này, tất cả các quốc gia đều hài lòng. Khi Hoa Kỳ với tư cách là một cường quốc về kinh tế rút ra khỏi TPP cũng đã tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia đối với việc duy trì TPP về quyền lợi, cam kết và thực hiện nghĩa vụ cam kết của mình. Vì vậy, trong tất cả vòng đàm phán vừa qua để thực thi chỉ đạo của Bộ trưởng TPP11, thì các trưởng đoàn đàm phán đã có một cách tiếp cận rất thực tiễn. Với mục tiêu duy trì được một Hiệp định chất lượng cao toàn diện để đảm bảo mục tiêu ban đầu của Hiệp định TPP 12, mặt khác nữa có quan điểm thực tiễn hơn nhằm đảm bảo khả năng thực thi và hiệu quả đối với 11 quốc gia còn lại của TPP. Ngoài ra, CPTTP cũng đang chờ Hoa Kỳ quay trở lại", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Philipines Duterte... đều khẳng định cần có Hiệp định thương mại chung trong khu vực, đẩy nhanh lộ trình mở cửa hội nhập tiến tới tự do hóa thương mại và đầu tư.

Mặc dù, không tới dự cuộc họp của 11 nhà lãnh đạo TPP nhưng phát biểu tại lễ họp báo chiều 11-11, Thủ tướng Canada - ông Trudeau nhấn mạnh: “APEC là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Tôi rất tin tưởng quan hệ đối tác thương mại được thúc đẩy thì Canada sẽ được hưởng lợi và có nhiều cơ hội hơn. Việc giảm các rào cản thương mại và mở cửa thị trường không đủ để thúc đẩy phát triển cho Canada mà chúng tôi cần những hiệp định thương mại tiến bộ hơn. Ông cũng cam kết đi theo định hướng thúc đẩy thương mại tự do thông qua việc thúc đẩy các Hiệp định thương mại tiến bộ.

Doanh nghiệp hứng khởi

TPP được ký kết tháng 2-2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu. Đầu năm 2017, TPP chuyển thành TPP 11 - là tên gọi của Hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Mỹ rút lui.

Trước thông tin, 11 nước thành viên TPP đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc chung và thông qua Hiệp định mới CPTPP, nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất hồ hởi. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn SGI, thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC cho rằng, TPP như một giấc mơ của nhiều doanh nghiệp Việt trong suốt thời gian dài từ khi hình thành ý tưởng đến khi đàm phán. Nhiều doanh nghiệp Việt thậm chí đã lên kế hoạch kinh doanh cho mình để đón đầu cơ hội từ TPP. “Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tâm thế hội nhập với TPP và sẽ có nhiều doanh nghiệp mới hình thành nhờ TPP”, ông Tâm nhìn nhận.

Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (thành viên hiếm hoi của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng tham dự Hội nghị Doanh nghiệp Thượng đỉnh APEC 2017) cho biết, Hiệp định TPP được ký kết sẽ giúp xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thêm một lần cất cánh bay xa. Cùng với đó, TPP cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh thị phần tại các quốc gia Canada, Mexico, Nhật Bản, New Zealand.

Cũng theo ông Trị, để đón đầu các cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới, mà điển hình là CPTPP, thì các doanh nghiệp dệt may Việt nói chung và Đà Nẵng nói riêng cần mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng để đáp ứng nhu cầu của những thị trường mới.

Cũng bình luận về vấn đề này, ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng, Chủ tịch Cty Đức Mạnh (ông Tuấn cũng là đại diện của doanh nghiệp Đà Nẵng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017) cho biết, tôi đã tiếp xúc với đại diện Quỹ đầu tư Singapore trong lĩnh vực bất động sản, công nghiệp tham dự Hội nghị lần này họ đều rất háo hức khi những tín hiệu tích cực từ TPP đã đạt được những thỏa thuận chung. Theo ông Tuấn, hiện nay các nhà đầu tư Singapore đang dồn sự quan tâm đặc biệt đến thị trường bất động sản và công nghệ thông tin của Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng. Đồng thời họ cũng là trong 11 quốc gia hưởng ứng tích cực Hiệp định TPP lần này.

X.ĐƯƠNG – D. HÙNG- H. HẬU