Báo Công An Đà Nẵng

Triển vọng sống cho người mắc bệnh gan mãn tính giai đoạn cuối

Thứ năm, 04/10/2018 11:19

Trước nhu cầu ghép tạng, tế bào gốc tại TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận ngày càng cao, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng đã có đề án nhằm đẩy mạnh chương trình ghép tạng và tế bào gốc; đồng thời tiến hành ký kết bản ghi nhớ cấy ghép nội tạng với Đội Medical Round’s Hội Y bác sỹ Việt Nhật.

Y bác sỹ BV Đà Nẵng thực hiện ca ghép thận cho một bệnh nhân. 

Mới đây, đề án thành lập Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc của BV Đà Nẵng đã được thành phố thông qua. Đây là tiền đề cho sự phát triển ngành ghép thận, tế bào gốc trong tương lai gần và không xa hơn nữa là ghép gan, tim, giác mạc... cho người dân TP Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực.

Bước phát triển quan trọng

Theo tiến sỹ - bác sỹ (TS-BS) Lê Đức Nhân – Giám đốc BV Đà Nẵng, nhằm nâng cao kỹ thuật điều trị y tế cho các y bác sỹ trẻ trong điều trị các bệnh lý gan mật, đặc biệt bằng phương pháp ghép gan, BV Đà Nẵng đã ký kết bản ghi nhớ cấy ghép nội tạng với Đội Medical Round’s Hội Y bác sĩ Việt Nhật. Đây là hoạt động nhằm đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc phát triển chuyên môn ghép tạng của BV Đà Nẵng nói riêng và của TP Đà Nẵng nói chung. Việc hợp tác này là tiền đề mang lại triển vọng sống cho các bệnh nhân ung thư gan và các bệnh gan mãn tính giai đoạn cuối tại TP Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận... Bs Nhân khẳng định: “Trong lĩnh vực khoa học về con người, khi một bộ phận cơ thể bị hư hỏng, không thể chữa khỏi thì ghép tạng là biện pháp duy nhất, là hy vọng sống cuối cùng của người bệnh. Trong nhiều trường hợp đây là biện pháp cuối cùng để níu giữ sự sống. Ghép tạng được xem là một trong 10 thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. Tại BV Đà Nẵng, cho đến nay đã thực hiện gần 20 ca ghép thận từ người cho sống với hiệu quả rất tích cực cho các bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối”.

Hiện nay, tại miền Trung và Tây Nguyên, kỹ thuật cấy ghép gan vẫn còn là một kỹ thuật cao chưa được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với năng lực hiện tại của đội ngũ y bác sỹ BV Đà Nẵng, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ đào tạo về mặt chuyên môn, hỗ trợ về mặt tài chính của tổ chức Team Medical Rounds, Hội Y bác sỹ Việt Nhật, BV Đà Nẵng mong muốn được gửi các nhóm chuyên gia trong đội điều trị y tế chuyên ghép tạng kỹ thuật cao đi đào tạo chuyên nghiệp và bài bản tại Nhật Bản để có thể triển khai thành công kỹ thuật này tại Đà Nẵng.

BV Đà Nẵng quyết tâm đến năm 2020, sẽ thực hiện được ca ghép gan đầu tiên, tiến đến thực hiện thường quy kỹ thuật này trong tương lai khi Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc đi vào hoạt động. Việc này đem lại triển vọng to lớn cho nhân dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên có thể tiết kiệm được chi phí và sức lực không phải đi quá xa đến hai đầu đất nước để được cấy ghép gan... TS-BS Nhân nhấn mạnh: “Gan là cơ quan thứ hai sau thận thường được cấy ghép nhất. Cấy ghép gan là một phương pháp điều trị bệnh gan giai đoạn cuối và suy gan cấp tính hữu hiệu. Tuy nhiên đây phương pháp điều trị hết sức phức tạp yêu cầu chuyên môn và kinh nghiệm rất cao từ ê kíp thực hiện từ giai đoạn chọn bệnh đến phẫu thuật rồi chăm sóc hậu phẫu với sự tham gia của các nhóm đa chuyên môn sâu từ tiêu hóa gan mật đến gây mê hồi sức...”.

Sang nước ngoài để được “cầm tay chỉ việc”

TS-BS Lê Đức Nhân cho biết, sau khi biên bản được ký kết, Hiệp hội Y bác sĩ Việt Nhật và tổ chức Team Medical Rounds (Nhật Bản) sẽ tạo điều kiện để BV Đà Nẵng đưa 3 ê kíp bác sĩ của BV sang Nhật tăng cường nghiệp vụ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Người chỉ dạy trực tiếp là GS Masatoshi Makuuchi – huyền thoại sống về ghép tạng của thế giới... TS-BS Lê Đức Nhân cho rằng, mỗi ê kíp của BV sẽ trải qua quá trình phối hợp làm việc và thực nghiệm tại các BV, viện đào tạo y khoa tại Nhật Bản trong khoảng 6 tháng. Trước tiên là ê kíp chuẩn bị điều kiện cho bệnh nhân được ghép gan, quá trình thực hiện tất cả những xét nghiệm cần thiết. Kế đó là ê kíp phẫu thuật và gây mê, thực hiện cấy ghép gan. Cuối cùng  là ê kíp hồi sức tích cực cho bệnh nhân sau phẫu thuật, chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân.

Cùng với đó, tại BV Đà Nẵng, các bác sĩ Nhật Bản sẽ đến làm việc, tiến hành chuyển giao kỹ thuật, trực tiếp thực hiện cả những ca cắt gan từ đơn giản đến bệnh lý phức tạp. “Bên cạnh chương trình hợp tác đào tạo “cầm tay chỉ việc” cả ở Nhật Bản lẫn Việt Nam, các chuyên gia, bác sĩ Nhật Bản sẽ thường xuyên kết nối hội chẩn trực tuyến cùng BV để góp phần nâng cao năng lực, sự chuyên nghiệp cho đội ngũ y bác sĩ, gợi mở nhiều phương án điều trị theo kỹ thuật tầm cao mới cho các bệnh nhân đang được điều trị tại đây. Hy vọng hợp tác này sẽ đưa kỹ thuật ghép tạng ở BV và khu vực miền Trung lên tầm cao mới, không chỉ ghép gan, mà còn cả trong lĩnh vực mật, tụy. Đặc biệt, việc “huyền thoại sống”  về ghép tạng thế giới người  Nhật là Gs Masatoshi Makuuchi cũng tham gia chương trình đào tạo này thực sự là nguồn động viên lớn đối với tập thể y bác sĩ”, TS.BS Lê Đức Nhân bày tỏ.

Ông Shuji Machiyama – Giám đốc Hiệp hội Y bác sĩ Việt Nhật, nhóm Medical Rounds – Hội Y bác sỹ Việt Nhật với mục đích chuyển giao kỹ thuật điều trị y tế tiên tiến cho Việt Nam, sẽ trực tiếp thực hiện hướng dẫn các bác sỹ trẻ người nước ngoài về các “lâm sàng – nghiên cứu – và thực tập” các kỹ thuật điều trị y tế tiên tiến. Đồng thời, lấy lợi ích sức khỏe của người dân Việt Nam làm mục đích... “Chúng tôi đã và đang thực hiện các hoạt động đào tạo nguồn y bác sỹ nội khoa và ngoại khoa ưu tú để đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế Việt Nam. Chúng tôi sẽ thực hiện các kỹ thuật ghép tạng, là một phần trong dự án chuyển giao kỹ thuật cấy ghép tạng tiên tiến cùng với BV Đà Nẵng, dốc sức đào tạo nguồn nhân lực y tế ưu tú với mong muốn được đóng góp vì sức khỏe của người dân Việt Nam, để bảo vệ sức khỏe người dân, để cứu được càng nhiều bệnh nhân...”, ông Shuji Machiyama khẳng định.

LÊ HÙNG