Báo Công An Đà Nẵng

Triết lý nhân sinh trong “Cỏ hoa” của Nguyễn Văn Gia

Thứ sáu, 24/02/2023 16:39
Bìa tập thơ Cỏ hoa của Nguyễn Văn Gia

Nguyễn Văn Gia sinh ra, lớn lên tại Đà Nẵng. Anh có thơ in báo từ năm 1971. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, anh theo nghề dạy học, rồi bất chợt đứt gánh giữa chừng, trở lại tiếp tục con đường thơ ca…

Nguyễn Thị Thanh Xuân - cô bạn láng giềng của tác giả Cỏ hoa từ thời thơ ấu, đã phác họa lại dáng vẻ nhà thơ thời trai trẻ: “Một người anh cùng xóm cũ những hơn nửa thế kỷ chưa gặp lại, bỗng dưng hiện về trong ký ức tôi. Có những tương giao qua ngắm nhìn lặng lẽ mà còn đó mãi. Một chàng trai cao thanh, dáng đi rất thẳng, quần xanh áo trắng, ngày đi bộ qua nhà tôi để đến trường, tươm tất mà cô đơn”. Nhận định về tác phẩm của anh, Thanh Xuân cho rằng: “Đọc Nguyễn Văn Gia, tôi ngạc nhiên khi thấy thơ anh chan chứa trầm tích phương Đông, trường liên tưởng của anh ít khi nối với phương Tây, dù chuyên môn của anh là dạy Anh Văn (một số bài thơ của anh trích dẫn thơ Đường, cảm hứng đậm dấu vết thơ truyền thống)”. Cũng theo chị: “Thơ Nguyễn Văn Gia luôn chất chứa những suy tư triết lý. Tưởng chừng như nhà thơ luôn nghiêng đầu chiêm ngắm vạn vật và nhận ra nhiều thông điệp Tự nhiên. Lặng thầm nói lên mối tương quan giữa tĩnh và động, giữa ẩn ngầm và hiển lộ, những điều luôn có mặt mọi nơi, mọi lúc, trong cuộc sống này, qua hình ảnh rễ và lá hoa, như lời nhắc nhở ý thức về “cội gốc”.

Ngay ở bài thơ đầu tiên của tập Cỏ hoa, dường như tác giả đã thể hiện, mạch cảm xúc chủ đạo trong thơ của mình sẽ không xa rời chủ đề triết lý nhân sinh: “Trả sông về lại cho sông…/ Tuổi thơ trả lại cho em/ Áo cơm/ cho những lênh đênh phận người/ Mênh mông/ trả lại đất trời/ Câu thơ cười khóc/ phận đời buồn vui/ Người ơi/ trả lại cho người!” (Mênh mông trả lại đất trời). Trong mỗi một bài thơ riêng lẻ, tác giả cũng thường lặp đi lặp lại hình ảnh mong manh của sự sống: “Chưa đi bao nhiêu dặm/ Ngoảnh lại hết một đời/ Hoàng hôn như dấu lặng…” rồi lại: “Chưa đi bao nhiêu dặm/ Ngó lại hết một đời” (Vội chi những tàn phai). Hoặc: “Bay giữa trần gian/ Một đời ngắn ngủi…” rồi lại: “Mai là tàn tro/ Người ơi hãy nhớ” (Mỏng manh như hơi thở).

Trên nẻo đường sáng tạo, bên cạnh những suy tư về triết học về đời sống, cái đẹp, tình yêu khát vọng…, Nguyễn Văn Gia vẫn không thờ ơ, tránh né, lên tiếng trước những vấn đề thế sự, cái ác độc, xấu xa… Đơn giản đó là những điều đang diễn ra trước mắt mỗi ngày: “Những đứa con hư của mẹ thiên nhiên/ chưa từng biết hàm ơn/ Không chừa thứ gì – chúng vừa ăn vừa phá/ Những đứa con không có trái tim/ trong cơn say máu/ Chúng chặt luôn cả đôi chân/ và xẻ luôn lá phổi của chính mình” (Giấc mơ buồn). Đôi khi tác giả ghi chép một cách tự nhiên: “Mọi thứ/ loạn xị ngầu/ Gian trá/hoá anh hùng/ Chính khách/ lại quỳ gối/ Kính tiễn thằng du côn/ Ngỡ võ lâm/ chánh tông/ Hoá bàng môn/tà đạo/ Hỡi ơi/ Nhạc Bất Quần/ Vẫn lừa được đám đông” (Loạn xị ngầu). Đôi khi quyết liệt đả phá không khoan nhượng: “Đừng ghét mặc đồng phục/ Tím vàng đỏ xanh rì…? Mặc gì tùy sở thích/ Chớ đồng phục tư duy” (Đồng phục).

Chia sẻ với vấn đề nói trên, Đỗ Trường- một bạn thơ của tác giả bày tỏ: “Đọc thơ ngũ ngôn thế sự Nguyễn Văn Gia, làm tôi luôn liên tưởng đến thơ thế sự của Thái Bá Tân. Dù thơ Nguyễn Văn Gia trau chuốt, đầy hình tượng, khác hẳn với khẩu ngữ xù xì, thẳng thắn của Thái Bá Tân…Và nếu như nỗi đau, tiếng cười trong thơ Thái Bá Tân được bật ra, thì dường như nỗi đau, tiếng cười ấy trong thơ Nguyễn Văn Gia lại lặn vào trong người đọc”.

Đáng chú ý, biến cố đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua, bất ngờ đã lưu lại trong tập thơ Cỏ hoa nhiều câu thơ cảm xúc đầy ám ảnh: “Cảm ơn phải cảm ơn ngàn lần cảm ơn con vi- rút… mất dạy này/ Bao người không có duyên đi tu/ chính con vi rút đã gõ một tiếng chuông/ khiến cái tâm mình tỉnh lại/ Bao nhiêu sách vở kể cả tây tàu đã đọc qua/ mình vẫn chưa ngộ/ Con vi rút tình cờ dạy mình một điều đã cũ:/ Tất cả là phù du và chẳng có chi vĩnh viễn trên đời này!” (Nằm nhà nghĩ tới nghĩ lui).

Đọc lục bát, đôi khi cả thơ thất ngôn, bát ngôn của Nguyễn Văn Gia, nhiều bạn đọc cho rằng, luôn đem đến cảm xúc mới mẻ. Bởi ngoài trí tưởng tượng, tài năng sử dụng từ ngữ, anh còn làm mới hình thức bằng những thủ pháp ngắt nhịp, xuống dòng khá linh hoạt, lấp lánh nhạc tính, mà không phải nhà thơ nào cũng sử dụng được : “Có cũng vui/ Không cũng vui/ Vẫn còn ấm một nụ cười ban sơ/ Có không là cái tình cờ/ Trước kia chẳng có/ Bây giờ cũng không” (Tình cờ).

Trần Trung Sáng